Báo cáo tại Hội nghị thẩm định Đề án đề nghị công nhận thị xã La Gi là đô thị loại III, đại diện UBND thị xã La Gi cho biết: La Gi được công nhận đô thị loại IV và thành lập thị xã từ năm 2005. Qua 12 năm kể từ khi trở thành thị xã, La Gi đã không ngừng được đầu tư phát triển và trở thành đô thị lớn thứ hai của tỉnh Bình Thuận (sau TP Phan Thiết). La Gi được xác định là trung tâm tổng hợp về kinh tế, văn hóa, giáo dục, y tế, khoa học kỹ thuật, thương mại, dịch vụ và du lịch, trung tâm phát triển kinh tế biển; là đầu mối giao thông vùng tỉnh; ngoài ra còn là trung tâm công nghiệp tập trung, trung tâm khai thác chế biến hải sản của tỉnh Bình Thuận, trung tâm du lịch sinh thái, văn hóa, lịch sử cấp vùng; là đô thị hạt nhân thúc đẩy sự phát triển kinh tế-xã hội vùng phía Nam và toàn tỉnh Bình Thuận nói chung.
Thị xã La Gi có nhiều tiềm năng phát triển với sự thuận lợi về hệ thống giao thông đường thủy, đường bộ; có bờ biển dài 28 km với nhiều bãi biển đẹp thu hút khách du lịch; cảng cá La Gi là cảng lớn trong khu vực với lượng hải sản các loại khai thác đạt 61.800 tấn/năm, số lượng tàu cá gần 2.000 tàu, ngành chế biến hải sản và đóng tàu là một thế mạnh của La Gi, có đóng góp quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội của thị xã.
La Gi trước đây là tỉnh Bình Tuy, một trong 22 tỉnh của Nam Phần được chính quyền Việt Nam Cộng hòa thiết lập theo Sắc lệnh 143-NV ngày 22-10-1956, trong đó, xã Phước Hội vừa là quận lỵ quận Hàm Tân vừa là tỉnh lỵ tỉnh Bình Tuy (nay là La Gi).
Từ năm 1976, tỉnh Bình Tuy sáp nhập với Ninh Thuận và Bình Thuận thành tỉnh Thuận Hải. Ngày 26-12-1991, Thuận Hải lại được tách thành hai tỉnh là Bình Thuận và Ninh Thuận. Từ đó Bình Tuy thuộc tỉnh Bình Thuận đến ngày nay, riêng khu vực tỉnh lỵ là thị trấn La Gi đến năm 2005 được nâng cấp thành thị xã La Gi.
Một góc La Gi.