Thảm sát Mỹ Lai: Thảm hoạ kinh khủng nhất trong cuộc đời cựu binh Mỹ

(PLO)- Tại chương trình ra mắt tác phẩm "Tranh đấu cho hoà bình", nhiều câu chuyện được các cựu binh Mỹ kể lại, trong đó vụ thảm sát Mỹ Lai gây ấn tượng mạnh với khán giả. 

Ngày 1-3, Bảo tàng Chứng tích chiến tranh đã tổ chức buổi giới thiệu ra mắt ấn phẩm Tranh đấu cho hòa bình, được dịch từ ấn phẩm Waging Peace in Vietnam gồm tranh, ảnh và chuyện chi tiết về lịch sử cuộc đấu tranh vì hòa bình ít được biết đến của những người lính Mỹ và vai trò của nó đối với sự chấm dứt cuộc chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam.

Tác phẩm Tranh đấu cho hoà bình được NXB Trẻ và Bảo tàng Chứng tích chiến tranh phối hợp xuất bản. Ảnh: HÀ NGUYỄN

Nhìn lại lịch sử qua những trang sách

Phát biểu tại chương trình, bà Trần Xuân Thảo, Giám đốc Bảo tàng Chứng tích chiến tranh cho biết, năm 2018, Bảo tàng Chứng tích chiến tranh tổ chức trưng bày chuyên đề "Làn sóng phản đối chiến tranh phi nghĩa của Mỹ ở Việt Nam".

Bà Trần Xuân Thảo, Giám đốc Bảo tàng Chứng tích chiến tranh chia sẻ tại chương trình. Ảnh: H.N

Đây là kết quả hợp tác giữa Bảo tàng và tổ chức cựu chiến binh vì hòa bình của Mỹ (VFP), giúp công chúng Việt Nam và quốc tế hiểu thêm về sự ủng hộ của nhân dân tiến bộ Mỹ, các binh lính, cựu chiến binh Mỹ đối với nhân dân Việt Nam trong cuộc chiến tranh xâm lược của Mỹ tại Việt Nam, cùng những nỗ lực khắc phục hậu quả chiến tranh, xây dựng và phát triển mối quan hệ hòa bình, hữu nghị.

Theo Tiến sĩ Trần Xuân Thảo, nhằm tiếp tục phát huy hiệu quả trưng bày chuyên đề trên, được sự cấp phép bản quyền và nhượng quyền của Nhà xuất bản New Village (trụ sở tại Tiểu bang New York), Bảo tàng phối hợp với NXB Trẻ in ấn và phát hành ấn phẩm Tranh đấu cho hòa bình tại Việt Nam.

Trong đó, ấn phẩm một lần nữa giới thiệu đến công chúng và độc giả chi tiết về lịch sử cuộc đấu tranh vì hòa bình ít được biết đến của những người lính Mỹ và vai trò của nó đối với sự chấm dứt cuộc chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam.

Bản tiếng Anh của ấn phẩm "Tranh đấu cho hoà bình". Ảnh: HÀ NGUYỄN

"Đây là cơ hội để chúng ta tiếp cận những kiến thức mới về lĩnh vực rất cụ thể. Khi đến Bảo tàng Chứng tích chiến tranh chúng ta sẽ tìm hiểu và biết thêm về phong trào phản đối chiến tranh của những người lính, cựu binh Mỹ.

Họ đã có những thông điệp và hành động ra sao để phản đối cuộc chiến tranh của Mỹ tại Việt Nam

Cuốn sách này được dịch ra tiếng Việt bởi chúng tôi muốn hướng đến các bạn trẻ. Cuốn sách sẽ được lan toả đến các bạn học sinh, sinh viên các trường trong thành phố cũng như cả nước" – bà Trần Xuân Thảo cho hay.

Câu chuyện của những cựu chiến binh Mỹ

Tại buổi lễ ra mắt, công chúng còn có dịp giao lưu, trò chuyện cùng tác giả và các diễn giả, cựu chiến binh Mỹ về những câu chuyện lịch sử một thời và những hoạt động phản chiến.

Là người đã từ chối thực hiện các phi vụ ném bom tại Việt Nam, ông John Kent, sĩ quan Hải quân Hoa Kỳ, chia sẻ, trước đây, việc từ chối nhiệm vụ ném bom tại Việt Nam đã gây ra nhiều rắc rối đối với ông nhưng ông luôn vui mừng bởi quyết định của mình.

Vinh dự được tới Việt Nam, ông John Kent bày tỏ niềm xúc động khi được chào đón nồng hậu. Với ông John Kent, những người Việt Nam rất ấm áp, tình cảm.

Ông John Kent, sĩ quan Hải quân Hoa Kỳ chia sẻ tại chương trình. Ảnh: HÀ NGUYỄN

Ông John Kent từng tham gia phong trào phản chiến cùng hơn cả trăm ngàn binh sĩ, binh lính khác và viết hơn 400 bài báo trên khắp các tờ báo ở nước Mỹ từ hải quân, đến không quân nhằm phản đối cuộc chiến tranh xâm lược của Mỹ tại Việt Nam.

Còn đối với Ronald Haeberle, phóng viên chiến trường, người chụp ảnh và kể chuyện về thảm sát Mỹ Lai thì cuộc thảm sát này là một thảm hoạ kinh khủng nhất trong cuộc đời của ông.

Ông Ronald Haeberle nhớ lại thời điểm kinh hoàng tại Mỹ Lai. Ảnh: HÀ NGUYỄN

Theo đó, ông Ronald Haeberle cho biết lý do quân lính Mỹ tấn công Mỹ Lai là vì quân đội Hoa Kỳ có lực lượng tình báo rằng tại đây có căn cứ quân đội Việt Nam.

“Nhưng một khi đã đến đây rồi chúng tôi mới nhận ra rằng không có quân lính nào cả mà chỉ có dân thường. Thế nhưng có một số binh lính Mỹ dẫm lên một số mìn dưới đất và họ nghĩ đây là căn cứ quân sự của Việt Nam cho nên họ mới bắt đầu triển khai cuộc thảm sát này” – ông Ronald Haeberle cho hay.

Vào thời điểm thảm sát kinh hoàng diễn ra, ông Ronald Haeberle cũng có mặt và có chụp lại một số bức ảnh. Khi về nước, ông đã dành hơn một năm trăn trở có nên công khai những bức hình đó cũng như cho mọi người biết thực sự chuyện gì đã xảy ra tại Mỹ Lai năm 1968.

"Tôi có đến nói chuyện với phòng điều tra tội ác quân đội ở Hoa Kỳ và họ hỏi tôi một số câu hỏi: 'Lúc anh ở Mỹ Lai anh có thấy những cuộc cưỡng hiếp nào không? Anh có thấy họ giết dân thường chặt xác hay không?

Tôi tìm hiểu và biết được hôm đó hơn 20 vụ cưỡng hiếp xảy ra và những người phụ nữ bị cưỡng hiếp đều bị bắn chết. Từ trải nghiệm đó tôi quyết định sẽ là người đứng lên phản đối chiến tranh" - ông Ronald Haeberle nhớ lại.

Cũng theo Ronald Haeberle, sau khi về Mỹ ông có đặc quyền là được đọc một số báo cáo của quân đội ngày hôm đó xảy ra những gì.

Bà Trần Xuân Thảo tặng sách kỷ niệm cho ông Ronald Haeberle. Ảnh: HÀ NGUYỄN

"Tôi nhớ lại ngày hôm đó tôi mới bước vào thôn thì thấy một nhóm binh sĩ Mỹ đang tụ tập dưới gốc cây ở đầu làng tôi có chụp hình họ nhưng khi tiến đến gần để trò chuyện thì họ lại đẩy tôi đi.

Khi đi vào làng tôi nghe có tiếng súng, có lẽ lúc đó họ đã giết những người dân khác và tôi không có can đảm để quay lại nhìn. Tôi còn thấy họ giết một con trâu trong làng.

Thật sự rất khó để nói về trải nghiệm của tôi trong ngày hôm đó. Tôi cũng rất phân vân không hiểu tại sao binh lính Mĩ lại làm những chuyện kinh khủng như thế tại Việt Nam" - ông Ronald Haeberle bày tỏ.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới