Bà Lê Thị Thanh Lâm, Phó Tổng Giám đốc Công ty Saigon Food, kể: Năm 2016 Công ty Cổ phần Saigon Food nhận được công văn của Cục Quản lý chất lượng nông lâm và thủy sản (Nafiqad) yêu cầu giải trình khi bộ phận thực phẩm nhập khẩu Úc gửi Nafiqad về lô hàng cá diêu hồng đông lạnh xuất khẩu vào Úc bị nhiễm kháng sinh Enrofloxacine, đề nghị truy xuất lô hàng…
Đồng thời sẽ thực hiện kiểm tra 100% lô hàng thủy sản của Saigon Food khi được xuất khẩu vào Úc.
Khi nhận được công văn của Nafiqad, lãnh đạo Saigon Food đã nhanh chóng khẳng đinh qua email là không phải của Saigon Food và đồng thời thu thập chứng cứ để làm công văn giải trình. Ngay hôm sau truyền thông đã đưa tin về vụ việc.
Sau đó chúng tôi đã đưa ra nhiều bằng chứng là chưa bao giờ sản xuất và xuất khẩu cá diêu hồng cho tất cả thị trường… Đối với thị trường Úc, Saigon Food trước đó chỉ xuất khẩu các mặt hàng tôm sú đông lạnh và cua tuyết đông lạnh. Sau đó, chúng tôi tìm hiểu và được biết lô cá điêu hồng bị cảnh báo là của một doanh nghiệp khác.
“Tuy nhiên, thông tin cảnh báo nhầm lẫn trên được lan truyền nhanh chóng trên truyền thông khiến cho chúng tôi phải xử lý vất vả. Nếu cơ quan quản lý chờ chúng tôi phản hồi chính thức rồi công bố thì công ty không gặp phải sự khủng hoảng” - bà Lê Thị Thanh Lâm nói.
Đại diện một công ty trong ngành chế biến nông sản nêu quan điểm: Khi kiểm tra mà chưa có kết quả kiểm nghiệm, giám định thì không nên công bố. Ngoài ra, việc kiểm tra đột xuất của cơ quan quản lý là bình thường nhưng nếu vội vàng công bố của cơ quan quản lý không khéo sẽ có những đối thủ cạnh tranh không lành mạnh sử dụng chiêu thức này để hãm hại DN.
Trong khi đó một DN trong ngành nước mắm cho rằng trong một số trường hợp cơ quan quản lý đi kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm mang tính “làm khó” chứ không góp ý hỗ trợ cho DN để việc sản xuất được tốt hơn.
Chẳng hạn, công ty tiếp đoàn kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm đến nhà máy kiểm tra thì chính người đi kiểm tra không tuân thủ đúng quy trình khi vào nhà máy. Ví dụ đáng lẽ phải thay đồ bảo hộ, mang ủng, đeo găng tay, móng tay phải cắt, không được đeo nữ trang, vấn tóc gọn gàng… thì người kiểm tra chưa thực hiện đúng một trong các quy định trên.
Hay khi bước vào nhà máy, phải thay dép mang ủng, rửa tay, lau khô tay… thì người của đoàn kiểm tra bắt lỗi sao không có máy sấy cho tay khô mà lại dùng khăn lau! Trong khi tiêu chuẩn châu Âu không bắt buộc dùng máy sấy tay.
“Tôi nói nếu bắt lỗi này sẽ không ký biên bản, lập tức người này nhào vô giật tờ biên bản trên tay tôi” - DN này kể.
Đại diện DN này cũng cho rằng khi đi kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm như vụ cơm tấm Kiều Giang nếu có nghi ngờ nguyên liệu là rau củ quả, gạo, dầu ăn… “có vấn đề” thì lấy mẫu kiểm tra. Cơ quan quản lý muốn công bố thông tin thì cần phải có kết luận rõ ràng, chính xác, không nên vội vàng "kết tội" mà không cho DN giải thích. Bởi khi tung tin kiểu như vậy thì dĩ nhiên những người không hiểu biết sẽ hoang mang.