Sáng 12-7, Bộ trưởng Bộ GTVT Trương Quang Nghĩa đi kiểm tra tiến độ xây dựng cầu đường sắt Bình Lợi mới.
Cầu đường sắt Bình Lợi mới có đường dẫn và phần cầu chính dài hơn 1,3 km, nằm cách cầu cũ hơn 100 năm tuổi 12 m về phía hạ lưu. Khi hoàn thành, cầu sẽ đặt ray khổ 1 m cho các đoàn tàu hiện có lưu thông và sau này có thể lắp ray khổ 1,435 m cho các đoàn tàu tương lai. Cầu được động thổ xây dựng tháng 4-2015 và theo kế hoạch sẽ hoàn thành sau hai năm.
Ông Phan Văn Duy, Phó Cục trưởng Cục Đường thủy nội địa, báo cáo: Đến nay ở đầu bờ phía quận Bình Thạnh mới có ba thân trụ cầu nhô lên khỏi mặt đất, phía quận Thủ Đức là hai trụ. Toàn bộ các trụ còn lại trên bờ và trụ dưới sông sẽ phải tập trung thi công trong 10 tháng để đến tháng 5-2018 hoàn thành xây dựng cầu mới, đưa vào khai thác.
Vướng mắc lớn nhất là hiện ở phía quận Bình Thạnh còn vướng 28 hộ (từ tiệm sửa xe Xì Trum trở vào phía Ga Hòa Hưng) chưa đồng ý nhận tiền bồi thường, giải tỏa và bàn giao mặt bằng để thi công tường chắn và đường dẫn vào cầu. Ảnh: LĐ
Khó khăn lớn nhất trước đây là hai trụ điện 110 kV đã được di dời xong nên việc thi công dưới lòng sông không còn bị vướng. Hiện các phương tiện thủy đã được tập kết ở hai bờ để thi công các trụ cầu từ hai bờ sông ra giữa. Tuy nhiên, hiện ở phía quận Bình Thạnh còn vướng 28 hộ chưa đồng ý nhận tiền bồi thường giải tỏa và bàn giao mặt bằng để thi công tường chắn và đường dẫn vào cầu. Cùng đó là một chòi canh gác chắn xe lửa án ngữ ở phía đường Nơ Trang Long.
Nghe thông tin như vậy, Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa rất bất ngờ: “Cầu mới là để phục vụ cho chính ngành đường sắt nâng cao năng lực chạy tàu mà sao có một chòi canh bé tí bên đường sắt cũng chậm di dời?”.
Theo Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa, những ngày tới chủ đầu tư và các vụ, cục của Bộ GTVT phải bàn ngay với ngân hàng phương án tháo gỡ vốn để đẩy nhanh hơn tiến độ. Về mặt bằng, các địa phương, đơn vị giải tỏa, bàn giao đến đâu thì triển khai ngay các hạng mục đến đó, không nên chờ có mặt bằng sạch hoàn toàn mới làm.
“Việc sớm hoàn thành cầu đường sắt Bình Lợi mới không chỉ nâng cao năng lực chạy tàu hiện hữu mà còn là cho cả tương lai. Cạnh đó, cầu mới có độ tĩnh không cao sẽ khai thông tuyến đường sông Sài Gòn nối Bình Phước, Bình Dương với TP.HCM, Đồng Nai và cả vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Các tuyến đường sông được khai thông sẽ góp phần giải cứu cho đường bộ trong khu vực hiện đã quá tải” - Bộ trưởng nói.