Với thế giới Hồi giáo, thời điểm hiện nay đang là tháng chay Ramadan. Về mặt nguyên tắc, thời gian này người Hồi giáo ban ngày không ăn, không uống nước, khi đêm xuống, tức khi mặt trời lặn mới nạp năng lượng.
Jordan là một quốc gia đại đa số theo đạo Hồi, họ cũng phải tuân thủ quy định nghiệt ngã này của đạo giáo. Hoạt động thể thao chuyên nghiệp lại là bóng đá làm sao có thể nhịn ăn, nhịn uống mà chơi được?
Quang cảnh buổi họp báo trước trận Việt Nam - Jordan.
Trong buổi họp báo trước trận đấu diễn ra vào trưa 12-6, báo chí hỏi về những khó khăn của đội tuyển Jordan khi thực thi nghi thức của đạo giáo ra sao khi phải vừa đá vừa hành lễ tháng chay Ramadan?
HLV Abdullah Mesfar cho biết đó là khó khăn thực tế của cầu thủ Jordan, của cầu thủ đến từ thế giới Hồi giáo nhưng đây là khó khăn Jordan phải chấp nhận.
HLV Abdullah Mesfar (áo đỏ).
Tháng chay Ramadan không phải là thời gian lý tưởng cho một đội bóng, AFC biết điều đó, ý thức được điều đó nhưng cũng phải thực thi giải đấu mà không vì bất kỳ lý do gì. Tuy nhiên đó không phải là vấn đề quá lớn.
HLV Abdullah nói: “Chúng tôi phải tìm cách thích ứng và coi như đó là một phần của cuộc sống chúng tôi. Chúng tôi vẫn phải tập luyện và thi đấu”.
Đội trưởng Amer Shafi của tuyển Jordan.
Nghi lễ của tháng chay Ramadan là không ăn, không uống vào ban ngày. Nhịn ăn ban ngày thì có thể được dù thể lực sẽ ảnh hưởng trầm trọng. Nhưng nhịn… uống khi hoạt động cường độ nặng như bóng đá, mồ hôi ra nhiều, mất nước nhiều thì làm sao mà… chơi nổi.
Cách đây chừng 10 ngày tay vợt nữ Hồi giáo Ons Jabeur của Tunisia lần đầu tiên trong lịch sử vào vòng 3 Roland Garros khi đánh bại hạt giống số sáu Cibulkova. Tuy nhiên, lúc này lại vào tháng chay Ramadan những ngày đầu, thế là Jabeur yếu hẳn và bị loại.
Việc tuyển Jordan thi đấu với tuyển Việt Nam rơi vào tháng chay Ramadan (kết thúc vào ngày 24-6), liệu có làm cho cầu thủ Jordan yếu sức hay không? Câu trả lời sẽ có vào đêm mai (13-6).