Tháng Ramadan: Hạn chót cho nỗ lực ngừng bắn Israel - Hamas?

(PLO)- Các nhà hòa giải đang nỗ lực môi giới một thỏa thuận hòa bình cho xung đột Israel - Hamas trước khi khu vực bước vào tháng Ramadan trong bối cảnh đàm phán bế tắc.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Đầu tuần này, Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết khả năng các bên trong xung đột Israel - Hamas đạt được thỏa thuận ngừng bắn là “nằm trong tay Hamas”. Ngoài ra, ông Biden cũng cảnh báo rằng sẽ “rất, rất nguy hiểm nếu tình hình (đàm phán) kéo dài đến tháng Ramadan”, theo tờ The Guardian.

Bình luận của ông Biden được đưa ra trong bối cảnh xung đột Israel - Hamas tại Dải Gaza vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Trong khi đó, các nhà đàm phán đang nỗ lực thúc đẩy các bên đạt được thỏa thuận ngừng bắn và thả con tin.

Vậy tại sao tháng Ramadan lại được xem là thời hạn cuối cho quá trình đàm phán thỏa thuận ngừng bắn và quá trình đàm phán đang diễn biến ra sao?

Ngày 5-3, Israel thông báo sẽ cho phép một số tín đồ Hồi giáo thăm nhà thờ Al Aqsa trong tháng Ramadan như những năm trước.

Vì sao tháng Ramadan quan trọng

Tháng lễ Ramadan là tháng ăn chay của người Hồi giáo, bắt đầu vào khoảng ngày 10-3. Trong tháng Ramadan, theo truyền thống, những tín đồ Hồi giáo tập trung tại nhà thờ Hồi giáo Al-Aqsa. Nhà thờ này được người Hồi giáo gọi là Thánh địa cao quý vì là nơi nhà tiên tri Muhammad lên thiên đường. Còn đối với người Do Thái, nơi đây được gọi là Núi Đền và cũng được xem là một trong những nơi linh thiêng nhất trong Do Thái giáo.

Trong những năm gần đây, tháng Ramadan là thời điểm căng thẳng leo thang giữa Israel và các vùng lãnh thổ của người Palestine.

Nhà thờ Al-Aqsa từng là tâm điểm căng thẳng trong tháng Ramadan năm 2021. Khi ấy, xung đột Israel - Hamas đã bùng nổ tại Gaza trong 11 ngày, bên cạnh các vụ bạo loạn của người Ả Rập tại Israel. Trong tháng Ramadan năm 2022 và 2023, cảnh sát Israel đã đụng độ người Palestine tại nhà thờ Al-Aqsa.

Cũng cần lưu ý rằng cuộc tấn công của Hamas vào lãnh thổ Israel hôm 7-10-2023 mang tên “bão Al-Aqsa” với mục tiêu đáp trả “sự xúc phạm” của người Israel với thánh đường Hồi giáo Al-Aqsa. Do đó, các quan chức an ninh Israel có lý do để lo ngại rằng Hamas có thể lợi dụng tháng lễ này để mở rộng xung đột Israel - Hamas ra ngoài Dãi Gaza.

Hôm 6-3, Hội đồng An ninh quốc gia Israel đã cảnh báo người dân nước này rằng “các nhóm khủng bố” có khả năng lợi dụng cuộc chiến đang diễn ra, căng thẳng xung quanh Al-Aqsa cũng như tháng Ramadan để kích động bạo lực ở Jerusalem, Bờ Tây và toàn Trung Đông.

Trên thực tế, trong suốt thời gian qua, các nhà đàm phán Mỹ, Qatar, Ai Cập đã nỗ lực để giúp các bên trong xung đột Israel - Hamas đạt được thỏa thuận ngừng bắn trước tháng Ramadan.

Theo The Wall Street Journal, Nhà Trắng không muốn thấy Israel tấn công Rafah trong tháng Ramadan. Ngoài ra, dưới áp lực từ các cử tri, chính quyền ông Biden cũng mong xung đột Israel - Hamas sớm kết thúc.

Hôm 27-2, người phát ngôn Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ John Kirby cho biết Washington đang cố gắng thuyết phục các bên đi đến thỏa thuận nhằm chấm dứt giao tranh và thả con tin. Tuy nhiên, ông Kirby cho hay các nhà đàm phán đang không “cố gắng chạy đua với thời gian (để đạt được thỏa thuận trước tháng Ramadan)”.

Trong khi đó, hãng tin Al-Qahera News dẫn một nguồn tin Ai Cập cho biết: “Các cuộc đàm phán vẫn đang tiếp diễn để đạt được một thỏa thuận ngừng bắn ở Dải Gaza trước tháng Ramadan. Các cuộc đàm phán đang phải đối mặt với những khó khăn nhưng chúng vẫn tiếp diễn”.

thang-ramadan-han-chot-cho-no-luc-ngung-ban-israel-hamas.jpg
Một phụ nữ Palestine cầu nguyện tại nhà thờ Hồi giáo al-Aqsa (Jerusalem) hôm 5-3 trong bối cảnh xung đột Israel - Hamas vẫn tiếp diễn. Ảnh: REUTERS

Khó đạt thỏa thuận ngừng bắn

Bất chấp nỗ lực từ các nhà hòa giải, đàm phán đến nay vẫn chưa đạt tiến bộ do còn tồn tại nhiều quan điểm khác biệt giữa Israel và Hamas. Hãng tin AP dẫn lời một quan chức Ai Cập cho biết các cuộc đàm phán kéo dài ba ngày giữa phái đoàn Hamas với các nhà hòa giải từ Ai Cập, Mỹ và Qatar tại thủ đô Cairo (Ai Cập) đã kết thúc hôm 5-3 mà “không đạt được bước đột phá”.

Kênh Al Jazeera tuần này cũng đưa tin rằng đàm phán đã “kết thúc trong bế tắc” và không rõ điều gì sẽ xảy ra tiếp theo vì “Israel nói rằng đang chờ phản hồi của Hamas, trong khi Hamas cũng nói rằng đang chờ phản hồi của Israel”. “Các nhà hòa giải đang cố gắng thu hẹp khoảng cách để tìm ra giải pháp cho cả hai bên nhưng có vẻ như có những điểm vướng mắc dường như không thể giải quyết được” - theo Al Jazeera.

Vướng mắc giữa Israel và Hamas đến nay chủ yếu là về số lượng con tin và thời gian ngừng bắn. Hamas đã từ chối thả tất cả con tin Israel mà nhóm này đang giam giữ trừ khi Israel kết chiến dịch đổ bộ, rút toàn bộ lực lượng ​​khỏi Gaza và thả một số lượng lớn người Palestine đang bị giam trong các nhà tù của Israel, bao gồm cả những chiến binh Palestine bị kết án chung thân.

Ngoài ra, người phát ngôn của Hamas - ông Osama Hamdan hôm 5-3 nói rằng Hamas yêu cầu một lệnh ngừng bắn vĩnh viễn, thay vì một thỏa thuận tạm dừng kéo dài sáu tuần. “Sẽ không thể đạt được an ninh cho người Palestine nếu không thông qua lệnh ngừng bắn vĩnh viễn và rút quân đội Israel khỏi từng tấc đất ở Dải Gaza, cũng như cung cấp thêm viện trợ nhân đạo. Sẽ không có bất cứ cuộc trao đổi con tin nào trừ khi hoàn thành tất cả điều này” - ông Hamdan nói.

Trong khi đó, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu công khai bác bỏ những yêu cầu trên và nhiều lần cam kết sẽ tiếp tục cuộc chiến cho đến khi Hamas bị giải tán và tất cả con tin được trả tự do.

Israel cũng không cử phái đoàn đến Ai Cập để đàm phán với Hamas vì Hamas không đáp ứng yêu cầu của Israel về cung cấp danh sách các con tin còn sống và xác định tỉ lệ trao đổi con tin Israel và người Palestine đang bị giam giữ.

Trước tình hình này, các chuyên gia cho rằng Israel và Hamas khó có thể đạt được lệnh ngừng bắn trước tháng Ramadan, hay thậm chí là đầu tháng Ramadan. Theo GS Gerry Gendlin tại ĐH PennWest Edinboro (Mỹ), khác biệt không thể hòa giải giữa Israel và Hamas về ngừng bắn tạm thời hay ngừng bắn vĩnh viễn khiến “hạn chót” Ramadan gần như không thể đạt được.

Vị chuyên gia cũng cảnh báo rằng sẽ rất tồi tệ nếu chiến tranh tiếp diễn trong tháng Ramadan. “Ramadan rất quan trọng đối với khu vực nên Israel sẽ mắc sai lầm khủng khiếp nếu tiếp tục chiến tranh trong tháng Ramadan. Tôi biết cuộc chiến trong tháng Ramadan có thể mang lại cho họ (Israel) lợi thế về mặt chiến thuật, thậm chí có thể là lợi thế về mặt chiến lược nhưng tôi tin rằng nếu cuộc chiến tiếp diễn trong tháng này, dư luận quốc tế có thể quay lưng với Israel” - theo ông Gendlin.•

Vì sao Hamas đưa ra yêu cầu mới trong quá trình đàm phán?

Tờ The New York Times ngày 6-3 dẫn lời các quan chức Mỹ cho biết các cuộc đàm phán dường như bị đình trệ do Hamas kiên quyết yêu cầu ngừng bắn vĩnh viễn. Ngoài ra, nhóm này còn yêu cầu Israel rút quân khỏi Dải Gaza, đưa người dân phải di dời ở Gaza về nhà của họ và cung cấp viện trợ cho người dân.

Phía Israel đã từ chối các yêu cầu này.

Theo tờ báo, các quan chức tin rằng Hamas đã đưa ra những yêu cầu mới vì nhiều lý do. Trong đó, họ tin rằng việc kéo dài giao tranh vào tháng Ramadan sẽ làm suy yếu Israel.

Trong khi đó, ngày 28-2, ông Ismail Haniyeh, người đứng đầu văn phòng chính trị của Hamas, kêu gọi người Palestine sống bên ngoài Dải Gaza tập trung về nhà thờ Hồi giáo
Al-Aqsa vào ngày đầu tiên của tháng Ramadan để phản đối các hạn chế do Israel đặt ra.

Phía Israel cho rằng động thái trên của Hamas là nhằm “lôi kéo Israel vào cuộc chiến trên các mặt trận khác”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm