Sáng 28-3, ông Huỳnh Văn Hùng, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao TP Đà Nẵng, đã chia sẻ với Pháp Luật TP.HCM về sự kiện quan trọng này.
Theo ông Hùng, triều đình nhà Nguyễn cho xây dựng đồn Điện Hải gần mép nước tả ngạn sông Hàn từ năm 1812 dưới thời vua Gia Long. Đến năm 1835, đồn này được chuyển đến xây kiên cố và đổi tên là thành Điện Hải.
Thành được xây bằng gạch, phỏng theo thiết kế kiểu Vauban của phương Tây, chu vi 556 m, tường cao 5 m, hào sâu 3 m. Bên trong thành có hành cung, kỳ đài, kho đạn, kho thuốc súng, kho lương thực, vọng gác và được bố trí 30 khẩu đại bác cỡ lớn.
Thành Điện Hải sẽ được trùng tu lại, ngoài việc đã giải tỏa dân thì Bảo tàng Đà Nẵng cũng sẽ được dời đi để trả lại hồn cốt văn hóa cho di tích đặc biệt này. Ảnh: NT
Ngày 1-9-1858, liên quân Pháp-Tây Ban Nha mang theo 14 chiến thuyền đánh Đà Nẵng, mở đầu cuộc chiến tranh của phương Tây xâm lược nước ta. Thành Điện Hải ngay từ buổi đầu đã cùng với các thành lũy khác dọc hai bờ sông Hàn góp phần đánh lui những cuộc tiến công của quân địch.
“Dưới sự chỉ huy của các tướng lĩnh, đặc biệt là danh tướng Nguyễn Tri Phương, cuộc chiến đấu của quân đội triều đình và nhân dân Đà Nẵng đã đẩy lùi liên quân Pháp-Tây Ban Nha và buộc liên quân này phải rút khỏi Đà Nẵng ngày 23-3-1860 sau một năm rưỡi bị sa lầy”, ông Hùng chia sẻ.
Ông Hùng cho rằng thắng lợi trong cuộc kháng chiến chống liên quân Pháp-Tây Ban Nha xâm lược giữa thế kỷ 19 là một trong những trang sử vẻ vang không chỉ của Đà Nẵng.
“Là tâm điểm trong cuộc đụng đầu lịch sử của dân tộc ta với chủ nghĩa đế quốc phương Tây, thành Điện Hải vừa là chứng tích hùng hồn, là biểu tượng về lòng yêu nước và đức hy sinh của nhân dân Đà Nẵng trong sự nghiệp chiến đấu bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc”, ông Hùng nói.
Khu vực di tích đặc biệt thành Điện Hải sẽ trở thành điểm nhấn trung tâm. Ảnh: HOÀI AN
Tuy nhiên, trải qua gần 200 năm lịch sử, chịu sự tàn phá của chiến tranh và con người, thành Điện Hải đã bị xuống cấp trầm trọng. “Năm 1988, thành được xếp hạng là di tích cấp quốc gia nhưng chẳng những thành không được bảo vệ, tu bổ mà còn bị xâm hại nặng nề hơn, cả vùng đệm và vùng lõi - yếu tố gốc của di tích”, ông Hùng kể.
Trước việc này, từ năm 2016 đến nay, lãnh đạo TP Đà Nẵng đã chỉ đạo phải bảo vệ, phục hồi di tích. Đà Nẵng quyết định giải tỏa khu nhà làm việc Trung tâm Thể thao người lớn tuổi, CLB Thái Phiên; dừng hẳn dự án xây dựng Trung tâm lưu trữ thành phố ở phía Bắc và giải tỏa 80 hộ dân chuyển dời nhà cửa ra khỏi tường thành Điện Hải.
Đặc biệt, TP quyết định chuyển luôn Bảo tàng Đà Nẵng ra khỏi thành Điện Hải đến số 42 Bạch Đằng.
Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao TP Đà Nẵng Huỳnh Văn Hùng cho biết ngày mai, 29-3, đúng vào ngày giải phóng TP Đà Nẵng, thành Điện Hải sẽ nhận bằng di tích quốc gia đặc biệt.
“Chúng tôi sẽ thực hiện đúng lời hứa của mình với tổ tiên và các bậc tiền nhân là khởi công tu bổ, phục hồi, tôn tạo di tích quốc gia đặc biệt thành Điện Hải giai đoạn 1 với tổng kinh phí trên 102 tỉ đồng. Khi chúng tôi thực hiện dự án, lấy ý kiến thì 100% người dân đồng thuận, đến ngày 15-3 này tất cả các hộ dân đã bàn giao đất nhường lại cho thành Điện Hải”, ông Hùng nói.
Đặc biệt, ông Huỳnh Văn Hùng tiết lộ thêm: “Lãnh đạo TP cũng đang chỉ đạo khảo sát quy hoạch xây dựng ở khu vực này một quảng trường, trong đó thành Điện Hải được xác định là điểm nhấn trung tâm. Hiện Sở Xây dựng đã mời Viện Kiến trúc Quốc gia vào khảo sát”.