Thanh Hóa không còn “cấm cửa báo chí”

Ngày 16-7, Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) đã có báo cáo gửi Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường về kết quả kiểm tra Quyết định 1726/2014 của UBND tỉnh Thanh Hóa. Với quyết định này, UBND tỉnh cho phép mình có thẩm quyền chấm dứt hoạt động đối với các cơ quan đại diện, thường trú báo trung ương, địa phương khác(Pháp Luật TP.HCM ngày 27-6 đã phản ánh).

Báo cáo của Cục Kiểm tra VBQPPL khẳng định: Việc UBND tỉnh Thanh Hóa đặt ra một số nội dung quản lý, đặc biệt là quy định hoạt động, tạm ngừng, thay đổi, chấm dứt hoạt động của cơ quan đại diện, phóng viên thường trú của các cơ quan báo chí trong nước tại Quyết định 1726 là chưa phù hợp về thẩm quyền của UBND tỉnh. Bởi lẽ theo quy định tại Luật Báo chí và Nghị định 51/2002, việc quản lý nhà nước về báo chí của UBND cấp tỉnh rất hạn chế, phải theo sự phân cấp của Chính phủ và ủy quyền của Bộ TT&TT.

Cụ thể, Quyết định 1726 yêu cầu cơ quan đại diện, phóng viên thường trú chỉ được phép hoạt động sau khi có văn bản đồng ý của Sở TT&TT tỉnh. Tuy nhiên, Nghị định 51/2002 và Thông tư 13/2008 của Bộ TT&TT không quy định phóng viên thường trú chỉ được phép hoạt động sau khi có văn bản đồng ý của Sở TT&TT.

Ngoài ra, Quyết định 1726 quy định cơ quan đại diện hoặc phóng viên thường trú có thể bị yêu cầu thay đổi hoặc chấm dứt hoạt động khi vi phạm một trong các nội dung như: Trưởng cơ quan đại diện hoặc phóng viên thường trú bị kỷ luật từ hình thức cảnh cáo trở lên; trong một năm có từ ba nội dung thông tin trở lên nêu sai sự thật, đã được cơ quan có thẩm quyền xác minh, kết luận. Theo Cục Kiểm tra VBQPPL, nội dung trên chưa phù hợp với Thông tư 07/2007 của Bộ TT&TT ở chỗ nếu bị cấp có thẩm quyền quyết định xử lý kỷ luật từ cảnh cáo trở lên thì bị thu hồi thẻ nhà báo và khi bị thu hồi thẻ nhà báo thì đương nhiên phóng viên bị chấm dứt hoạt động…

Cũng theo Cục Kiểm tra VBQPPL, tại cuộc họp với các cơ quan liên quan của UBND tỉnh Thanh Hóa, đại diện Sở Tư pháp và Sở TT&TT đã nhất trí với nhận định, đánh giá của Cục Kiểm tra VBQPPL. Hai cơ quan này có trách nhiệm báo cáo UBND tỉnh Thanh Hóa (trước ngày 18-7) theo hướng kiến nghị sửa đổi, bổ sung một số nội dung chưa phù hợp tại Quyết định 1726.

ĐỨC MINH

Nhiều tỉnh cũng ban hành quy định “làm khó” báo chí

- Nghệ An: Tháng 4-2014, tỉnh này cũng ra quy định tương tự như Thanh Hóa.

- Tiền Giang: Tháng 11-2013, tỉnh này đã ra văn bản yêu cầu phóng viên thường trú của cơ quan báo chí Việt Nam tại Tiền Giang phải đáp ứng được các tiêu chuẩn. Gồm có: Phải là người trong biên chế chính thức của cơ quan báo chí hoặc được cơ quan báo chí ký hợp đồng lao động không xác định thời hạn; đã được cấp thẻ nhà báo tại cơ quan báo chí xin đặt cơ quan đại diện hoặc cử phóng viên thường trú; có đủ phẩm chất chính trị, năng lực chuyên môn, không bị kỷ luật từ hình thức khiển trách trở lên trong thời hạn một năm tính đến khi cơ quan báo chí xin phép đặt cơ quan đại diện hoặc cử phóng viên thường trú…

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới