Thành khẩn khai báo và ăn năn hối cải không phải là một

Bài viết “Thành khẩn khai báo và ăn năn hối cải là hai hay một?”trên Pháp Luật TP.HCM ngày 23-5 đang nhận được nhiều ý kiến phản hồi vì đây là vấn đề không mới nhưng vẫn có hai cách hiểu khác nhau. Chúng tôi xin giới thiệu bài viết của chuyên gia hình sự Đinh Văn Quế, thể hiện góc nhìn riêng của tác giả.

Mở quán nước để chứa mại dâm

Như đã phản ánh, Nguyễn Đức Thắng (ngụ quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ) mở quán nước tại nhà, nếu khách có nhu cầu mua dâm thì Thắng thỏa thuận giá từ 150.000 đến 200.000 đồng. Thắng xây hai phòng ở phía sau quán làm nơi kín đáo tổ chức mại dâm. Mỗi lần có khách, Thắng gọi gái bán dâm đến và được tiền môi giới 70.000-80.000 đồng. Tháng 9-2016, công an bắt quả tang hai cặp nam nữ đang mua bán dâm tại quán nên Thắng bị khởi tố, truy tố về tội chứa mại dâm theo khoản 2 Điều 254 BLHS (hình phạt 5-15 năm tù).

Ngày 28-2, TAND quận Thốt Nốt xử sơ thẩm, phạt Thắng năm năm tù nhưng VKSND cùng cấp kháng nghị theo hướng phải áp dụng quy định có lợi cho Thắng theo Nghị quyết 109 của Quốc hội, coi thành khẩn khai báo và ăn năn hối cải là hai tình tiết giảm nhẹ. Viện đề nghị tòa áp dụng Điều 47 BLHS, xử phạt Thắng dưới năm năm tù. Nhưng xử phúc thẩm ngày 22-5, TAND TP Cần Thơ bác kháng nghị, tuyên y án, cho rằng thành khẩn là mức độ khác của ăn năn và chưa có quy định nào coi đây là hai tình tiết giảm nhẹ…

Hai trong một

Trước hết, nhận định của phúc thẩm như trên là chưa chính xác vì ở góc ngược lại thì có văn bản hướng dẫn nào coi hai yếu tố trên chỉ là một tình tiết giảm nhẹ.

Dù chúng đều quy định tại điểm p khoản 1 Điều 46 BLHS 1999 và điểm s khoản 1 Điều 51 BLHS 2015 nhưng là hai tình tiết khác nhau. Nhưng do BLHS 1999 không dùng liên từ “hoặc” mà dùng dấu phẩy (,) nên thực tiễn xét xử, một số người cho rằng đó chỉ là một. Nếu BLHS 1999 không dùng dấu phẩy mà dùng liên từ “và” thì mới được hiểu là một tình tiết, thiếu một trong hai thì chưa phải là tình tiết giảm nhẹ.

Bị cáo Nguyễn Đức Thắng tại phiên tòa phúc thẩm. Ảnh: N.NAM

Theo tôi, xét cả về ngữ pháp cũng như nội dung của hai tình tiết này thì chúng hoàn toàn khác nhau. Thật thà khai báo được coi là một dạng của tự thú nhưng mức độ thấp hơn nên không thể miễn trách nhiệm hình sự, vì sự thành khẩn chỉ xảy ra khi người phạm tội đã bị phát hiện. Hành động thật thà khai báo có tác dụng giúp cơ quan tiến hành tố tụng nhanh chóng kết thúc vụ án. Thật thà khai báo là không khai gian dối một điều gì có liên quan đến hành vi phạm tội.

Còn ăn năn hối cải là sau khi gây án, người phạm tội cảm thấy bị cắn rứt, giày vò lương tâm về những việc làm của mình, hối hận và muốn sửa chữa lỗi lầm. Sự ăn năn hối cải không chỉ được thể hiện bằng lời nói mà bằng những hành động tích cực như chấp hành pháp luật, gương mẫu trong sinh hoạt, tích cực khắc phục hậu quả... Ví dụ: A bị người khác xúi giục đã đánh bị thương B. Sau đó A tỏ ra ăn năn, hối hận về hành vi của mình, đã đến xin lỗi B và thường xuyên vào bệnh viện thăm hỏi, chăm sóc B, được mọi người cảm phục.

Để tránh bị hiểu sai nên điểm s khoản 1 Điều 51 BLHS 2015 đã thay dấy phẩy bằng liên từ “hoặc”. Nhưng không vì thế mà cho rằng điểm p khoản 1 Điều 46 BLHS 1999 nhà làm luật chỉ quy định một tình tiết.

Vấn đề là nhận định

Không chỉ riêng điểm p khoản 1 Điều 46 BLHS 1999 nhà làm luật dùng dấu phẩy để phân biệt các tình tiết khác nhau, trong nhiều điều luật khác cũng có dấu phẩy để phân biệt hành vi phạm tội khác nhau, tình tiết khác nhau. Chẳng hạn: Điểm a khoản 1 Điều 46 quy định: “Người phạm tội đã ngăn chặn, làm giảm bớt tác hại của tội phạm”; điểm b khoản 1 Điều 46: “Người phạm tội tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả”…

Trong vụ án trên, việc HĐXX phúc thẩm cho rằng hai tình tiết là tương đồng, chỉ có điều thành khẩn khai báo là mức độ khác của ăn năn hối cải. Đúng là thành khẩn khai báo cũng là sự ăn năn hối cải nhưng không phải sự ăn năn hối cải nào cũng là thành khẩn khai báo. Do hai tình tiết này đều có cùng một tính chất nên nhà làm luật mới quy định trong cùng một điểm. Nhưng không vì thế mà cho rằng thành khẩn khai báo chỉ là mức độ khác của ăn năn hối cải. Hiểu như vậy là chưa đúng bản chất của hai tình tiết này.

HĐXX cấp phúc thẩm có quyền nhận định bị cáo phạm tội nhiều lần, có nhân thân xấu nên không thể áp dụng Điều 47 BLHS và mức hình phạt mà tòa sơ thẩm đã tuyên đối với bị cáo Thắng là thỏa đáng nên không có căn cứ giảm nhẹ. Nhưng nếu tòa cho rằng bị cáo chỉ có một tình tiết giảm nhẹ là chưa đúng. Thực tiễn xét xử có nhiều trường hợp bị cáo không chỉ có hai mà có 3-4 tình tiết giảm nhẹ nhưng vẫn không được áp dụng Điều 47 để phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt.

Theo tôi, HĐXX phúc thẩm y án sơ thẩm có thể không sai nhưng nhận định như trên lại là không đúng. Đây là vụ án thú vị, mong rằng các cán bộ tư pháp, nhất là thẩm phán nên tham khảo, luận bàn.

Không thuộc diện quy định có lợi

Trong vụ án trên, VKSND quận kháng nghị theo hướng phải áp dụng quy định có lợi cho bị cáo theo Nghị quyết 109 của Quốc hội (về thi hành BLHS 2015). Tuy nhiên, rà lại thì thấy điểm s khoản 1 Điều 51 BLHS 2015 không thuộc diện này.

Cụ thể, tại số thứ tự 13 trong danh mục một số quy định có lợi cho người phạm tội trong BLHS 2015 (ban hành kèm theo Công văn số 276/TANDTC-PC ngày 13-9-2016 của TAND Tối cao) không liệt kê tình tiết này. Theo đó các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự tại khoản 1 Điều 51 BLHS 2015 không có điểm s mà chỉ có các điểm đ, o, p, x (phạm tội trong trường hợp vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ người phạm tội; người phạm tội là người đủ 70 tuổi trở lên; người phạm tội là người khuyết tật nặng hoặc đặc biệt nặng; người phạm tội là cha, mẹ, vợ, chồng, con của liệt sĩ, người có công với cách mạng).

Mặt khác, điểm s khoản 1 Điều 51 của dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của BLHS 2015 trình Quốc hội tại kỳ họp này cũng đã được chỉnh lý lại theo hướng bỏ chữ “hoặc” giữa hai cụm từ trên, giữ nguyên dấu phẩy.

T.TÙNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm