Sáng 11-4, Thanh tra Chính phủ (TTCP) đã tổ chức họp báo thường kỳ. Những vấn đề nổi cộm liên quan đến cơ quan này trong thời gian như việc lộ bản kê khai tài sản, thu nhập của lãnh đạo TTCP, việc bổ nhiệm hàng loạt cán bộ ngành thanh tra ở “phút 89”,… đã làm nóng không khí buổi họp báo. Phó Tổng TTCP Trần Đức Lượng đã trực tiếp trả lời báo chí về những nội dung này.
“Bố làm thanh tra nhưng vợ làm kinh doanh…”
. Pháp Luật TP.HCM: Trước thông tin một lãnh đạo TTCP sở hữu khối tài sản lớn qua bản kê khai tài sản, người dân muốn biết được mức thu nhập của lãnh đạo TTCP nay là bao nhiêu?
+ Phó Tổng TTCP Trần Đức Lượng: Cán bộ thanh tra cũng là cán bộ, công chức, vì thế thu nhập cũng dựa trên thang bản lương theo quy định pháp luật và có thêm một số phụ cấp thâm niên, nghề, trách nhiệm, bồi dưỡng tiếp công dân,... theo quy định nhà nước và quy chế chi tiêu nội bộ. TTCP cũng như ngành thanh tra có thêm một nguồn nữa là nguồn được trích để lại từ phát hiện sai phạm, kiến nghị thu hồi và đã thực thu về ngân sách nhà nước. Phần này được trích lập vào quỹ để mua sắm trang thiết bị phục vụ yêu cầu của hoạt động thanh tra nhưng có một phần chi bồi dưỡng thêm cho cán bộ.
. Ông có thể thông tin về thu nhập hằng tháng của tổng TTCP và các phó tổng thanh tra cụ thể là bao nhiêu kể cả phụ cấp?
+ Bây giờ tôi không trả lời chính xác được, chính tôi cũng không biết tổng thanh tra hệ số bao nhiêu. Đây là câu hỏi rất riêng, tôi đề nghị đồng chí liên hệ Vụ Kế hoạch tài chính nhận câu trả lời.
.Pháp Luật TP.HCM: Người dân cũng mong được lãnh đạo TTCP chia sẻ kinh nghiệm làm thế nào để được sở hữu số tài sản lớn như vậy?
+ Chỗ này không có khó gì khi giải thích cả. Bởi vì nguồn gốc tài sản của nhiều cán bộ công chức, của nhiều người dân không chỉ bằng chính thu nhập của người đó mà bằng thu nhập của các thành viên trong gia đình. Bố làm thanh tra nhưng vợ kinh doanh; bố làm thanh tra nhưng con kinh doanh… thì chỗ đó hoàn toàn dễ hiểu. Chúng ta không gắn thu nhập cụ thể của một người với khối tài sản người ta phải kê khai. Bởi vì theo quy định của pháp luật phải kê khai tài sản cả của mình, của vợ và con mình (chưa thành niên). Chỗ này rất rõ ràng, mạch lạc.
Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Đức Lượng và Ngô Văn Khánh đồng chủ trì buổi họp báo. Ảnh: TTXVN
Tài sản thực rất khớp với bản kê khai
. Người Cao Tuổi: Có thông tin cho rằng bản kê khai tài sản của ông Lê Sỹ Bảy (Vụ trưởng Vụ Thanh tra khối kinh tế ngành - Vụ I ) và ông Ngô Văn Khánh, Phó Tổng TTCP, thiếu minh bạch?
+ Chúng tôi thấy chưa có chỗ nào khẳng định là việc kê khai tài sản của hai trường hợp này là không minh bạch cả. Có những trường hợp đã được kiểm tra, kết luận là tài sản thực tế và tài sản kê khai khớp đúng. Như vậy việc kê khai là chính xác, đầy đủ, không thể nói là không minh bạch. Việc kê khai đâu chỉ một lần mà còn kê khai hằng năm để phục vụ đánh giá cán bộ trong cơ quan nên có sự xem xét đối chiếu bản cũ - mới xem có khớp đúng không. Cho đến nay chúng tôi chưa có thông tin nào là việc kê khai hằng năm có sự sai lệch, mà khớp đúng, logic, theo đúng quy định của pháp luật. Ngoài kê khai thường niên, mỗi lần bổ nhiệm lại phải kê khai tài sản theo quy định để cơ quan thẩm định cán bộ họ lại thẩm định lần nữa. Tôi khẳng định không có thông tin nào nói việc kê khai tài sản của những đồng chí đó là không minh bạch và chỉ có một kết luận là các đồng chí đó kê khai đúng theo quy định của pháp luật.
Liên quan việc công khai và sử dụng bản kê khai tài sản như thế nào đã được pháp luật liên quan quy định rõ. Vì vậy tôi rất mong các đồng chí (báo chí) sử dụng bản kê khai đúng quy định của pháp luật về minh bạch tài sản thu nhập vì việc này liên quan đến bí mật đời tư của cá nhân mà pháp luật bảo vệ.
. Người Cao Tuổi: Câu trả lời của TTCP thẳng thắn nhưng chưa thỏa đáng. Ở đây chúng tôi muốn biết được nguồn gốc tài sản từ bản kê khai tài sản của Phó Tổng TTCP Ngô Văn Khánh như thế nào chứ không phải kê khai đúng hay không. Ít ra thì phải biết được vì sao ông Khánh có được số cổ phiếu nhiều như vậy, có thể nói việc này của bố vợ tôi cho hay như nguyên tổng TTCP Trần Văn Truyền giải thích là của cô em nuôi cho?
+ Khái niệm minh bạch ở đây là hiểu theo quy định của pháp luật Việt Nam chứ không phải nói không rõ nguồn gốc là không minh bạch. Pháp luật Việt Nam không quy định phải làm rõ nguồn gốc tài sản trước khi Luật Phòng, chống tham nhũng sửa đổi năm 2012. Theo đó, chỉ từ 2012 mới quy định giải trình nguồn gốc tăng thêm thôi chứ không phải giải trình nguồn gốc tất cả tài sản từ trước đến nay. Chúng ta phải hiểu theo quy định của pháp luật chứ không phải hiểu theo ý mình được.
Có trách nhiệm của nguyên tổng TTCP
. Người Cao Tuổi: Liên quan đến các thông tin về việc bổ nhiệm sai ông Lê Sỹ Bảy làm vụ trưởng Vụ I, TTCP đã xử lý như thế nào? Và TTCP có thể giải thích rõ việc bổ nhiệm hàng loạt cán bộ cấp vụ, cấp phòng trước khi nguyên Tổng Thanh tra Trần Văn Truyền về hưu?
+ Trong tám tháng đầu năm 2011, TTCP có bổ nhiệm 23 cán bộ hàm cấp vụ. Cùng với việc bổ nhiệm một số cán bộ chuẩn bị nhân sự cho ba đơn vị mới là Vụ Thẩm định, giám sát và xử lý sau thanh tra; Vụ Kế hoạch tài chính tổng hợp và Phòng Tiếp dân xử lý đơn thư với số lượng tối thiểu là 10 cán bộ cấp vụ và 15 cán bộ cấp phòng, cho nên số lượng cán bộ được bổ nhiệm khi ấy đội lên khác thường có lý do là như vậy.
Tuy nhiên, so với quy định Chính phủ việc bổ nhiệm như vậy là quá số lượng. Vì Chính phủ quy định một vụ chỉ tối đa một vụ trưởng và ba vụ phó nhưng ở đây có cục có bốn cục phó, có vụ năm vụ phó. Thứ hai có một vài điều kiện chưa đảm bảo thời gian công tác, chứng chỉ lý luận chính trị, cá biệt có trường hợp sau bổ nhiệm rất ngắn đã vi phạm pháp luật đến mức phải cách chức. Chúng tôi tự kiểm điểm thấy mình có khuyết điểm và đã xác định rõ trách nhiệm cụ thể từng cá nhân, từng tổ chức và cũng đã có kế hoạch sửa chữa.
. Nông Nghiệp Việt Nam: Về việc bổ nhiệm cán bộ, TTCP đã kiểm điểm rồi, vậy ai chịu trách nhiệm đối với những trường hợp bổ nhiệm không đúng?
+ Công tác cán bộ là trách nhiệm tập thể trong đó có trách nhiệm người đứng đầu. Việc bổ nhiệm cán bộ thuộc trách nhiệm của tập thể Ban Cán sự Đảng TTCP nhiệm kỳ trước đây, trong đó có trách nhiệm người đứng đầu là bí thư Ban Cán sự Đảng - tổng TTCP.
THU HẰNG
Báo Thanh Niên: Vụ nắn đường Trường Chinh, cách đây hai năm người dân có gửi đơn khiếu kiện đến TTCP, vậy TTCP có nhận được đơn của người dân hay không? Vụ việc này có được xếp vào những vụ khiếu kiện phức tạp cần thanh tra? + TTCP có nhận được đơn thư của người dân nhưng dưới dạng khiếu nại đền bù, quyền và lợi ích của người dân. Còn khiếu nại tại sao đường lại cong thì TTCP chưa nhận đơn nào. Nhưng chúng tôi có biết qua phản ảnh thông tin đại chúng và người có trách nhiệm đã giải trình. Trong cuộc họp với Hà Nội vừa rồi, Tổng Thanh tra Huỳnh Phong Tranh có nhắc đến việc này. Tuy nhiên, vấn đề này hiện đang thuộc thẩm quyền của Hà Nội và các cơ quan của TP này. Và việc giải quyết khiếu nại, tố cáo phải theo thẩm quyền quy định. Nhưng với chức năng quản lý nhà nước về lĩnh vực thanh tra, đây cũng là nội dung mà TTCP phải quan tâm trong thời gian tới. Còn có coi đó là vụ việc phức tạp để tiến hành thanh tra không thì còn phải tùy theo giải quyết của Hà Nội. |