TTCP họp báo: Lãnh đạo thanh tra giàu nhờ con làm kinh doanh

“Trước thông tin lãnh đạo TTCP sở hữu khối tài sản lớn, người dân muốn biết được mức thu nhập của lãnh đạo TTCP hiện nay là là bao nhiêu và người dân cũng mong được lãnh đạo TTCP chia sẻ kinh nghiệm làm thế nào để được sở hữu số tài sản lớn như vậy?”, báo Pháp Luật TP.HCM đặt câu hỏi.

Trả lời, Phó Tổng Thanh tra Trần Đức Lượng cho biết thu nhập của cán bộ thanh tra dựa vào thang bảng lương của cán bộ công chức nói chung và có thêm phụ cấp nghề. Một số vị trí có thêm bồi dưỡng như những người trực tiếp tiếp dân, kèm theo đó là công tác phí theo quy định… Ngoài ra có thêm nguồn nữa là trích để lại từ nguồn thanh tra phát hiện sai phạm và thu hồi. Qũy này để mua sắm phục vụ thanh tra và một phần trích bồi dưỡng cán bộ công chức ngành.

Còn về việc lãnh đạo thanh tra có nhiều tài sản, ông Hào chia sẻ nguồn gốc tài sản của lãnh đạo TTCP theo kê khai bao gồm của nhiều người trong gia đình, chứ không riêng gì dựa vào thu nhập của chính người đó. Có khi bố làm thanh tra nhưng vợ hoặc con làm doanh nghiệp chẳng hạn.

Chưa thỏa mãn với câu trả lời, nhiều báo khác tiếp tục đặt câu hỏi về thu nhập hàng tháng của chính lãnh đạo TTCP và vấn đề xác minh nguồn gốc và minh bạch tài sản đối với lãnh đạo TTCP như thế nào. Ông Lượng cho biết không thể nhớ ngay đến thang, bậc lương và các khoản thu nhập của lãnh đạo TTCP là bao nhiêu và đây cũng là vấn đề riêng tư nên đề nghị PV có nhu cầu thì liên hệ vụ hành chính tổng hợp để lấy thông tin.

Về chế định minh bạch tài sản, ông Lượng khẳng định: “Chúng tôi chưa thấy tài sản hai trường hợp này (ông Lê Sỹ Bảy - Phó Vụ trưởng Vụ I và ông Ngô Văn Khánh, Phó tổng TTCP-PV) không minh bạch, có những trường hợp đã kiểm tra tài sản thực tế với bảng kê khai khớp nhau. Tôi khẳng định không có thông tin nào nói việc kê khai của các đồng chí đó là không minh bạch và khẳng định kê khai đó là đúng theo quy định”.

Còn vấn đề công khai và xác minh nguồn gốc tài sản thì theo quan niệm minh bạch của Việt Nam được quy định trong luật Phòng, chống tham nhũng sửa đổi, và Nghị định 78 đã quy định rất rõ mức độ công khai đến đâu và như thế nào vì vấn đề này có liên quan đến bí mật đời tư đã được pháp luật bảo vệ. Riêng về vấn đề minh bạch theo quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành, từ năm 2013 mới có yêu cầu người kê khai giải trình phần tài sản tăng thêm còn tài sản có trước đó không phải giải trình. Còn trước năm 2012 thì chỉ quy định kê khai tài sản chứ không có quy định yêu cầu phải giải trình nguồn gốc tài sản.

Liên quan đến bổ nhiệm ồ ạt vào năm 2011, ông Lượng giải thích là do đặc thù của việc thành lập thêm ba vụ mới nên phải bổ sung cán bộ để đáp ứng nhiệm vụ theo yêu cầu. Chính vì vậy làm cho số lượng được bổ nhiệm thời điểm đấy đội lên khác bình thường. So với quy định Chính phủ, việc bổ nhiệm như vậy là quá số lượng vì Chính phủ quy định một vụ chỉ có tối đa một vụ trưởng và ba vụ phó nhưng có vụ có đến bốn, năm vụ phó và có trường hợp chưa đảm bảo thời gian công tác, trình độ chính trị, có trường hợp sau bổ nhiệm thời gian ngắn vi phạm nghiêm trọng. “Chúng tôi xác định rõ trách nhiệm từng cá nhân, từng bộ phận và xem xét xử lí. Kết quả kiểm điểm trong thực tế đã làm quyết liệt trong năm 2012 và 2013 được cơ quan thẩm quyền đánh giá kiểm điểm theo tinh thần trung ương IV đạt yêu cầu”, ông Lượng nói.

Về phần trách nhiệm của việc bổ nhiệm này, ông Lượng cho hay công tác cán bộ là trách nhiệm tập thể, trong đó có trách nhiệm người đứng đầu, bí thư ban cán sự Tổng thanh tra nhiệm kì bổ nhiệm.

T.HẰNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm