Sáng 2-11, Phó Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Hồ Hải chủ trì hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị 17-CT/TW của Bộ Chính trị khoá XI về tiếp tục đổi mới và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với các hội quần chúng.
Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM quyết định tặng bằng khen cho 68 tập thể đã có thành tích xuất sắc trong triển khai thực hiện Chỉ thị 17. Ảnh: V.L |
Báo cáo tại hội nghị, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Dân vận Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thị Bạch Mai, cho biết qua 10 năm thực hiện Chỉ thị 17 đã đạt được nhiều kết quả tích cực.
Các hội đã có những đóng góp thiết thực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của TP trên nhiều phương diện. Đồng thời, phát huy tính chủ động và huy động các nguồn lực góp phần thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, giữ vững và ổn định tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn TP. Qua đó tạo được sự đồng thuận, tăng cường mối quan hệ mật thiết giữa Đảng, nhà nước và nhân dân, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Một số hội, quần chúng còn làm tốt nhiệm vụ tham mưu, đề xuất cho TP.HCM nhiều ý kiến tích cực về chuyên môn, nghiệp vụ, thực hiện tốt chức năng tư vấn, phản biện và giám sát phản ánh những vấn đề phát sinh ngoài xã hội.
Tại hội nghị, Phó Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Hồ Hải nhấn mạnh: TP.HCM là đô thị đặc biệt, một trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục đào tạo, khoa học - công nghệ, đầu mối giao lưu và hội nhập quốc tế, các hội quần chúng là một trong những phương thức tập hợp quần chúng của Đảng. Nhờ làm tốt công tác này, TP đã huy động tổng hợp nguồn lực góp phần phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh TP.
Dù vậy, ông Hải cho rằng việc quản lý và tổ chức hoạt động của các hội quần chúng vẫn còn một số mặt hạn chế. Đa số các tổ chức hội quần chúng hoạt động mang tính chất tập hợp hội viên tự nguyện tham gia, một số hội chưa được cấp phép thành lập nhưng vẫn hoạt động, điều này dễ dẫn đến nguy cơ tiềm ẩn những vấn đề phức tạp liên quan đến an ninh, chính trị.
Từ đó, Phó Bí thư Thành ủy TP.HCM đưa ra một số nhiệm vụ trọng tâm để công tác hội quần chúng ngày càng nâng cao chất lượng, hiệu quả hơn.
Với cấp ủy, tổ chức Đảng được Ban Thường vụ Thành ủy phân công chịu trách nhiệm lãnh đạo chính trị đối với các hội, cần chủ động phối hợp các sở, ngành sát sao, kịp thời chấn chỉnh hạn chế, thiếu sót trong quá trình tổ chức và hoạt động hội quần chúng.
Quản lý chặt chẽ việc thành lập, chia tách, sát nhập, hợp nhất, giải thể, đổi tên, phê duyệt điều lệ hội, việc thành lập các đơn vị, pháp nhân trực thuộc theo đúng quy định. Chú ý việc quản lý, sử dụng tài chính của hội từ các nguồn viện trợ, tài trợ trong và ngoài nước.
Thực hiện công tác quản lý hội theo đúng quy định pháp luật, kịp thời khen thưởng các hội hoạt động hiệu quả, xử lý các hội vi phạm pháp luật, điều lệ hội trong quá trình hoạt động; nghiên cứu các chính sách khuyến khích, tạo điều kiện để hội phát huy vai trò, tiềm năng, thế mạnh trong đóng góp tích cực, hiệu quả và sự phát triển của TP.
Phó Bí thư Thành ủy TP.HCM cũng lưu ý các cơ quan, tổ chức tăng cường công tác giám sát, phản biện xã hội; xử lý các kiến nghị, đề xuất của các hội đối với các cơ quan hành chính nhà nước. Nghiên cứu đổi mới nội dung, phương thức, đa dạng các loại hình tập hợp theo lĩnh vực, loại hình hoạt động...
Hơn 1.350 tổ chức hội thành lập trong 10 năm
Tính đến cuối tháng 4-2022, UBND TP.HCM đã ban hành quyết định thành lập 1.350 hội.
Trong 10 năm, TP.HCM thành lập và phát triển khá nhanh của các hội quần chúng.
Tại TP còn có 739 quỹ xã hội, quỹ từ thiện; hơn 100 chi nhánh, văn phòng đại diện các hội Trung ương trú và 129 tổ chức phi chính phủ nước ngoài được cấp phép hoạt động.