Ngày 5-12, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) Việt Nam tổ chức tọa đàm “Chia sẻ kinh nghiệm kết nối, hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp tại các tỉnh, thành phía Nam”.
Phát biểu tại tọa đàm, bà Trần Thị Huyền Thanh, Uỷ viên Đoàn Chủ tịch Trung ương Hội LHPN Việt Nam, cho biết phụ nữ phía Nam đối mặt nhiều rào cản khởi nghiệp, đặc biệt trong việc tiếp cận vốn, quản lý và mở rộng quy mô.
Theo bà Thanh, hiện, chỉ có 3% doanh nghiệp khởi nghiệp do phụ nữ làm chủ, chủ yếu quy mô nhỏ, hạn chế tham gia chuỗi giá trị.
"Kinh tế toàn cầu biến động và công nghệ số làm thay đổi cấu trúc xã hội, nhiều doanh nghiệp phải giải thể. Trước tình hình này, Hội LHPN Việt Nam cần chiến lược hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp hiệu quả hơn" - bà Thanh cho hay.
Phụ nữ khởi nghiệp gặp nhiều trở ngại
Chia sẻ tại tọa đàm, bà Châu Hồng Anh, Giám đốc Công ty LCC và Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nữ Doanh nhân TP.HCM, cho biết dựa trên năng lực và sở thích mà phân ra thành bốn nhóm phụ nữ khởi nghiệp phổ biến. Việc hiểu rõ đặc điểm của từng nhóm sẽ giúp xây dựng các chương trình hỗ trợ phù hợp, nâng cao khả năng thành công trong khởi nghiệp.
"Nhóm đầu tiên là những người có năng lực và yêu thích công việc kinh doanh. Đây là nhóm có tiềm năng thành công cao nhất, nhờ sự kết hợp giữa khả năng và đam mê.
Nhóm thứ hai là những người có năng lực nhưng không thực sự yêu thích kinh doanh, thường tham gia vì lý do khác hoặc hoàn cảnh bắt buộc. Dù sở hữu nền tảng tốt, họ thiếu động lực để phát triển bền vững.
Nhóm thứ ba, phổ biến hơn là những người đam mê khởi nghiệp nhưng thiếu năng lực cần thiết. Họ muốn làm nhiều thứ nhưng lại chưa được trang bị đầy đủ kiến thức, kỹ năng, hoặc kinh nghiệm thực tế.
Cuối cùng, nhóm ít phổ biến hơn là những người không có năng lực và cũng không yêu thích kinh doanh nhưng bị buộc phải làm vì hoàn cảnh. Đối tượng này thường đối mặt với nhiều thách thức và cần sự hỗ trợ lớn để duy trì hoạt động" - bà Hồng Anh phân tích.
Cũng theo bà Hồng Anh, phụ nữ khởi nghiệp thường vấp phải rào cản văn hóa, gia đình và quan niệm truyền thống về vai trò của phụ nữ. Cạnh đó, trong quá trình khởi nghiệp, việc có một đội ngũ đồng hành là yếu tố then chốt nhưng thường bị xem nhẹ.
"Ở nhiều quốc gia, các doanh nghiệp thường có cố vấn hoặc chuyên gia hỗ trợ về pháp lý và tinh thần. Tuy nhiên, tại Việt Nam, nhiều phụ nữ khởi nghiệp chưa có người cố vấn hoặc chưa dám chia sẻ khó khăn của mình, đặc biệt là về tài chính và gia đình” - bà Hồng Anh nói về những trở ngại mà phụ nữ gặp phải khi khởi nghiệp.
Triển khai đồng bộ nhiều giải pháp
Tại tọa đàm, PGS.TS Nguyễn Đức Lộc, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Đời sống xã hội, cho biết để tạo ra một hệ sinh thái khởi nghiệp toàn diện và công bằng hơn cho phụ nữ tại các tỉnh phía Nam, cần triển khai đồng bộ nhiều giải pháp.
“Trọng tâm giải pháp là cải thiện khả năng tiếp cận vốn thông qua các chương trình tín dụng ưu đãi và quỹ hỗ trợ dành riêng cho nữ doanh nhân. Đồng thời, các cơ sở cần tăng cường đào tạo kỹ năng quản lý và phát triển mạng lưới hỗ trợ chuyên biệt.
Việc cải thiện môi trường pháp lý, đơn giản hóa thủ tục hành chính cũng rất quan trọng. Ngoài ra, chúng ta cần đẩy mạnh truyền thông để thay đổi nhận thức xã hội về vai trò của phụ nữ; xây dựng cơ sở dữ liệu về nữ doanh nhân sẽ giúp hoạch định chính sách hiệu quả hơn” - PGS.TS Nguyễn Đức Lộc đề xuất
Phát biểu kết thúc tại tọa đàm, bà Nguyễn Thị Kiều Oanh, Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Hội LHPN Việt Nam, bày tỏ hy vọng với những giải pháp trao đổi trong buổi tọa đàm hôm nay, sẽ góp phần thúc đẩy hoạt động hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp thích ứng với xu hướng kinh doanh mới; góp phần nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ.
Phụ nữ Việt Nam có nhiều đóng góp tích cực cho kinh tế - xã hội
Theo ông Nguyễn Hữu Nam, Phó Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI, chi nhánh khu vực TP.HCM), cho biết tỷ lệ nữ lãnh đạo cấp cao tại Việt Nam hiện nay là 33%; khu vực Đông Nam Á và Châu Á - Thái Bình Dương lần lượt là 38% và 31%.
"Mặc dù phụ nữ giữ các vị trí quan trọng và nòng cốt trong xã hội nhưng vẫn chưa thực sự đạt được như chúng ta kỳ vọng trong bình đẳng giới. Tuy nhiên, qua các khảo sát gần đây cho thấy phụ nữ ngày càng được ghi nhận và có nhiều đóng góp tích cực cho sự phát triển của xã hội, đặc biệt là trong phát triển kinh tế" - ông Nam nói.