Thầy cô học kỹ năng xử lý khủng hoảng truyền thông

(PLO)- Tập viết thông cáo báo chí, tổ chức họp báo cung cấp thông tin là các bài tập thầy cô được thực hành trong buổi tập huấn kỹ năng xử lý khủng hoảng truyền thông.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sáng 3-8, phòng GD&ĐT quận Tân Bình tổ chức buổi tập huấn kỹ năng xử lý khủng hoảng truyền thông trong trường học. Buổi tập huấn với sự tham gia của 165 lãnh đạo các trường học trên địa bàn.

xử lý khủng hoảng truyền thông
Ông Nguyễn Trường Uy, Phó Tổng thư ký toà soạn báo Tuổi trẻ chia sẻ tại buổi tập huấn kỹ năng xử lý khủng hoảng truyền thông. Ảnh: NGUYỄN QUYÊN

Quản lý khủng hoảng truyền thông là kỹ năng quan trọng

Ông Nguyễn Trường Uy, Phó Tổng thư ký toà soạn báo Tuổi Trẻ khẳng định quản lý khủng hoảng truyền thông là một kỹ năng quan trọng trong các trường học cần phải có. Việc chuẩn bị sẵn sàng và đáp ứng kịp thời với các vấn đề truyền thông có thể giúp bảo vệ, nâng cao uy tín của nhà trường và an toàn cho học sinh, phụ huynh và xã hội.

Dẫn lại sự cố cháu bé bị chết do bị bỏ quên trên xe ở Thái Bình, ông Uy đặt câu hỏi khủng hoảng truyền thông của ngôi trường đó do tai nạn/ sự cố, hành vi sai trái hay tin đồn thất thiệt.

XU-LY-KHUNG-HOANG-TRUYEN-THONG-3.jpg
Buổi tập huấn kỹ năng xử lý khủng hoảng truyền thông thu hút 165 lãnh đạo các trường học trên địa bàn quận Tân Bình tham dự. Ảnh: NGUYỄN QUYÊN

Trả lời về vấn đề này, đại diện một vị hiệu trưởng cho biết khủng hoảng trên xuất phát từ hành vi sai trái do lái xe cũng như nhân viên đã tắc trách trong công việc.

Khi khủng hoảng xảy ra, theo ông Uy, trường học cần phải có kế hoạch ứng phó để giải quyết sự việc, kiểm soát tình hình. Việc ứng phó khủng hoảng một cách chuyên nghiệp sẽ giúp bảo vệ và khôi phục uy tín của trường.

Để xử lý khủng hoảng truyền thông, trường học cần thiết lập nhóm, có phân công cụ thể các công việc cho từng đối tượng.

“Các kênh truyền thông hiệu quả để xử lý khủng hoảng gồm website trường, mạng xã hội, email, họp báo, thông cáo báo chí” - ông Uy nhấn mạnh.

Thực hành viết thông cáo báo chí

XU-LY-KHUNG-HOANG-TRUYEN-THONG-5.JPG
Thầy cô thực hành cách thức viết một thông cáo báo chí tại buổi tập huấn. Ảnh: NGUYỄN QUYÊN

Không chỉ học lý thuyết về các bước để xử lý khủng hoảng, tham gia buổi tập huấn, các thầy cô còn được thực hành qua 3 bài tập rất cụ thể.

Đầu tiên các thầy cô thực hành kỹ năng viết thông cáo báo chí về một tình huống xảy ra trong nhà trường như học sinh đánh nhau gây thương tích, phụ huynh tố cáo cô giáo ép học sinh học thêm, một học sinh tử vong tại lớp.

Bà Phạm Thị Ngọc Uyên, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Phạm Văn Hai cho biết lần đầu tiên cô được học cách viết thông cáo báo chí. Bà hiểu rằng trong thông cáo cần nêu những nội dung gì, những từ ngữ nào hạn chế dùng. Đây là vấn đề hữu ích và cần thiết mà trước giờ bà chưa được học.

XU-LY-KHUNG-HOANG-TRUYEN-THONG-4.JPG
Bài tập nhóm của các thầy cô về kỹ năng trao đổi với báo chí. Trong ảnh: Ông Nguyễn Trường Uy đóng vai phóng viên đặt ra các câu hỏi để ban giám hiệu trả lời. Ảnh: NGUYỄN QUYÊN

Bài tập thứ hai, các thầy cô được thực hành kỹ năng trả lời báo chí qua bài tập nhóm. Trong đó một người đóng vai hiệu trưởng, một người đóng vai hiệu phó và một người đóng vai phóng viên đến xác minh một sự việc xảy ra trong trường đó có thể là một vụ ngộ độc, tin đồn thất thiệt về trường.

Bà Đào Thuỵ Xuân Thảo, Hiệu trưởng Trường Mầm non Bàu Cát, thích thú khi được tham gia buổi tập huấn.

“Buổi học hôm nay rất thiết thực và hiệu quả. Chúng tôi không chỉ được học những quy trình cụ thể để giải quyết khủng hoảng truyền thống mà còn được chuyên gia hướng dẫn thực hành tại chỗ. Đây là điều quan trọng để mọi người ghi nhớ, khắc sâu hơn bài học” - bà Thảo nói và cho biết buổi chuyên đề đã giúp bà có kỹ năng để xử lý các vấn đề trong trường học để từ đó ba mẹ hiểu và đồng hành.

XU-LY-KHUNG-HOANG-TRUYEN-THONG-6.jpg
Một cuộc họp báo giả định được tổ chức với sự tham gia của các thầy cô. Ảnh: NGUYỄN QUYÊN

Bài tập cuối cùng gây sôi động cả khán phòng khi giả định tổ chức một cuộc họp báo với sự cho phép của cấp trên để giải quyết những tin đồn thất thiệt đang khiến dư luận xôn xao. Trong đó 5 thầy cô đóng vai là ban giám hiệu trường, các thầy cô còn lại sẽ đóng vai là những phóng viên đặt câu hỏi. Bài tập là cơ hội để các cô thể hiện kỹ năng ứng xử, giải quyết các vấn đề.

Bà Đặng Thị Mỹ Dung, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Thanh Tuyền cho biết qua việc tham gia vào tình huống giả định một cuộc họp báo đã cho thấy thái độ, ứng xử của lãnh đạo nhà trường rất quan trọng. Khi trả lời các câu hỏi, người lãnh đạo cần bình tĩnh, lắng nghe và trả lời với một thái độ cầu thị.

XU-LY-KHUNG-HOANG-TRUYEN-THONG-2.jpg
Theo nhiều thầy cô, buổi tập huấn rất bổ ích và thiết thực. Ảnh: NGUYỄN QUYÊN

“Một chuyên đề bổ ích với cách dạy rất thú vị, đi vào trọng tâm vấn đề. Buổi tập huấn đã giúp chúng tôi nắm được những kỹ năng cần thiết để xử lý khủng hoảng truyền thông trong nhà trường. Đây là vấn đề hiệu trưởng các trường chưa từng được đào tạo nhưng lại rất quan trọng trong thời đại hiện nay. Sự cố xảy ra trong trường không tránh khỏi, do đó được học và biết sẽ giúp chúng tôi ứng xử và giải quyết một cách tốt nhất” - bà Dung nói.

Trường học xảy ra rất nhiều vấn đề như ngộ độc thực phẩm, bạo lực học đường, vấn đề ứng xử của thầy cô giáo.

Thực tế cho thấy việc trao đổi thông tin với truyền thông hiện nay của các hiệu trường còn thiếu kinh nghiệm do họ chưa được trang bị những kiến thức cần thiết.

Buổi tập huấn với sự tham gia của chuyên gia sẽ giúp các thầy cô nắm vững những kỹ năng cần thiết để xử lý khủng hoảng một cách hiệu quả. Không những thế, buổi tập huấn còn giúp cho các hiệu trưởng nắm được kỹ năng truyền thông về những điều tích cực trong trường.

Nếu thực hiện công tác truyền thông tốt, phụ huynh sẽ hiểu hơn và sẵn sàng đồng hành cùng nhà trường trong các hoạt động giáo dục.

Ông PHAN VĂN QUANG, Trưởng phòng GD&ĐT quận Tân Bình

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm