Tại trường THPT Trưng Vương (quận 1), đông đảo phụ huynh và học sinh khối lớp 10 đến nghe tư vấn lựa chọn các khối học theo nhóm ngành, tổ hợp môn trước khi nhập học.
Đông đảo phụ huynh và học sinh lớp 10 đến nghe tư vấn lựa chọn các khối học theo nhóm ngành, tổ hợp môn trước khi con em mình nhập học. Ảnh: THẢO PHƯƠNG |
Cô Trương Thị Bích Thuỷ - hiệu trưởng nhà trường cho biết, năm nay khối 10 có 15 lớp với 680 HS. Các lớp học được tổ chức theo bốn nhóm ngành gồm: Khoa học công nghệ STEM; Khoa học công nghệ STEAM; Khoa học xã hội; Khoa học xã hội - nghệ thuật.
Về việc đăng kí nhóm ngành học, hiệu trưởng này cho hay, HS được đăng kí các nguyện vọng ưu tiên 1, 2,... làm căn cứ để xếp lớp. HS đăng kí online vào ngày 15, 16-7 và nộp hồ sơ đăng kí trực tiếp tại trường vào ngày 21-7.
Điều kiện mở lớp tối thiểu từ 30 HS. Trường hợp nếu lớp thiếu HS, nhà trường sẽ cho học ghép lớp. Nhà trường cho HS đăng kí tự do, không khống chế số lượng lớp học, sau đó sẽ linh động sắp xếp lớp tuỳ theo số lượng HS đăng kí.
“Vì chương trình học năm nay có độ phân hoá sâu nên sẽ có một số khó khăn. Ví dụ HS đăng kí vào lớp KHXH nhưng có những môn chỉ có 10 HS. Lúc đó nhà trường sẽ phải bố trí học ghép lớp. Thời khoá biểu cũng sẽ được bố trí làm sao để HS vẫn học được môn mong muốn dù lớp không đủ chỉ tiêu. Đây là một bài toán mà mình phải lên thuật giải để sắp xếp sao cho các HS đều được học theo nguyện vọng và mong muốn của bản thân” - cô Thuỷ nhấn mạnh.
Phụ huynh học sinh cẩn thận ghi chép lại thông tin về kỳ tuyển sinh lớp 10 tại trường THPT Trưng Vương (quận 1, TP.HCM). Ảnh: THẢO PHƯƠNG |
Về chương trình học, HS học 8 môn bắt buộc, 3 chuyên đề và 5 môn lựa chọn. Cụ thể, HS học 8 môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc gồm Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ 1 (Tiếng Anh/Tiếng Nhật), Lịch sử, Giáo dục thể chất, Giáo dục quốc phòng an ninh, Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp; Nội dung giáo dục của địa phương.
Tiếp theo, HS chọn học 3 chuyên đề là nhóm 3 môn định hướng theo các môn của khối thi ĐH-CĐ gồm khối A, B, A1, D, D7, C. Các chuyên đề này nhằm phân hoá sâu, tăng cường kiến thức cho HS.
Cuối cùng, HS chọn học 5 môn lựa chọn từ ba nhóm môn đó là Khoa học xã hội (Lịch sử, Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật); Khoa học tự nhiên (Vật lý, hoá học, sinh học); Công nghệ và Nghệ thuật (Công nghệ, Tin học, Nghệ thuật). Ở nhóm này, HS phải chọn mỗi nhóm tối thiểu một môn.
Phụ huynh cẩn trọng đọc kĩ thông tin tại bảng thông báo của nhà trường. Ảnh: THẢO PHƯƠNG. |
Đối với các HS chọn nhóm ngành Khoa học xã hội - nghệ thuật, ngoài học các môn bắt buộc và môn chuyên đề, HS sẽ được học một trong hai môn Âm nhạc và Mỹ thuật.
Theo cô Bích Thuỷ, vì cơ cấu giáo viên các môn nghệ thuật không có sẵn nên nhà trường sẽ mời các giáo viên hợp đồng về dạy. Đặc biệt, các cụm trường bàn với nhau sẽ mời chung các giáo viên hợp đồng để sắp xếp lịch thuận tiện cho giáo viên được dạy nhiều trường. Ngoài ra, đối với môn Tiếng Anh, nhà trường sẽ có hợp đồng với một trung tâm, tổ chức để mời giáo viên nước ngoài về dạy.
Đến nghe tư vấn chọn nhóm ngành học cho con, chị NCD cho biết trước đó con đã có định hướng thi khối KHTN nhưng chưa biết sẽ chọn lớp gì. Sau khi nghe nhà trường tư vấn, chị D. đã hiểu rõ và có sự lựa chọn nhóm ngành cho con học. Chị sẽ đăng ký cho con vào nhóm ngành Khoa học công nghệ STEM để định hướng thi khối A.
“Hôm nay nghe thông báo bổ sung môn Lịch sử vào nhóm môn bắt buộc, tôi cảm thấy rất hài lòng. Vì các con cần phải biết lịch sử của đất nước mà con sinh ra và lớn lên. Ngoài ra, có thêm các môn nghệ thuật để HS lựa chọn là điều rất tốt. Trước đây HS chỉ tập trung học các môn văn hóa, không có sự giải trí nào. Bây giờ được học các môn nghệ thuật giúp các HS thư giãn sau các tiết học căng thẳng. Đồng thời tạo môi trường giúp phát hiện năng khiếu của HS” - chị D. nói thêm.
Linh động sắp xếp lớp tuỳ theo số lượng HS đăng ký
Thầy Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng trường THPT Nguyễn Du (quận 10. TP.HCM) cho biết, với kỳ tuyển sinh lớp 10 năm nay. Nhà trường tổ chức giảng dạy gồm 17 lớp, bình quân mỗi lớp có 35-37 HS. Bao gồm 8 môn bắt buộc theo Bộ giáo dục và đào tạo. Sẽ có 1 lớp tổ hợp khoa học tự nhiên bao gồm Vật lý, hóa học, sinh học và 1 lớp tổ hợp khoa học xã hội bao gồm Địa lý, giáo dục kinh tế, pháp luật. Và nhóm môn học tự chọn bao gồm công nghệ, tin học, thanh nhạc (nhóm này sẽ được lựa chọn phù hợp với sở thích và năng lực của HS).
Thầy Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng trường THPT Nguyễn Du (quận 10. TP.HCM) tận tình giải đáp thắc mắc của phụ huynh. Ảnh: TÚ NGÂN |
“Cho HS tự do lựa chọn tổ hợp mình mong muốn, nhà trường sẽ linh động sắp xếp lớp tùy theo số hs đăng ký, nếu như lớp nào ít HS quá thì nhà trường sẽ tổ chức tư vấn lại cho PHHS để vừa đảm bảo chỉ tiêu của lớp học, vừa đảm bảo HS được học theo nguyện vọng mong muốn” - Hiệu trưởng nhà trường cho biết.
Thầy Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng trường THPT Nguyễn Du thông tin thêm: “Riêng về môn lịch sử kế hoạch giảng dạy của trường không gặp khó khăn, chỉ cần tinh giảm chương, bài theo yêu cầu của Bộ giáo dục để cấu trúc còn lại 54 tiết. Giáo viên giảng dạy đảm bảo tốt, không cần thay đổi hay giảm bớt so với trước đây”.
Nhà trường ưu tiên để phụ huynh tự lựa chọn đưa ra những lựa chọn phù hợp cho con em mình. Ảnh: TÚ NGÂN |
“Phụ huynh cần sáng suốt lựa chọn tổ hợp cho con, điểm đảm bảo định hướng khối thi CĐ, ĐH… Nhà trường ưu tiên để phụ huynh tự lựa chọn, song cũng định hướng phụ huynh đưa ra những lựa chọn phù hợp cho con em mình. Định hướng của nhà trường mong mỏi nhằm đáp ứng quá trình giáo dục, nội lực của đơn vị” – Thầy Phú thông tin.
Cẩn thận ghi chép lại từng chi tiết trong kỳ tư vấn tuyển sinh lớp 10, Chị ĐTV (quận 3, TP.HCM) cho biết, trước đó con gái chị khá hoang mang trước nhiều sự lựa chọn sắp tới. Tuy nhiên, chị ĐTV bày tỏ sau khi nghe tư vấn từ nhà trường chị V đã nhìn rõ được sơ đồ tổ hợp môn để lựa chọn cho con con mình nhóm ngành học phù hợp với năng lực và khối thi.
Chị ĐTV cẩn thận ghi chép thông tin cho con tại buổi tư vấn tuyển sinh. Ảnh: TÚ NGÂN. |
“Về cơ bản tôi đã hiểu rõ cách thức lựa chọn tổ hợp môn cho con mình, tôi đặc biệt hài lòng với việc trường THPT Nguyễn Du vì sẽ cho HS thay đổi nguyện vọng môn học khi các con không cảm thấy phù hợp và muốn đổi nguyện vọng sau này” - Chị V. chia sẻ.