Trong tuần qua, những thông tin về việc đưa môn lịch sử vào danh sách các môn tự chọn trong chương trình giáo dục phổ thông mới, được triển khai từ năm học 2022-2023 đã nhận được nhiều sự quan tâm của bạn đọc.
Nhiều bạn đọc cho rằng việc đưa lịch sử trở thành môn học tự chọn thì môn này sẽ bị “khai tử” vì không có học sinh lựa chọn. Điều này cũng sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến việc nhiều học sinh sẽ hạn chế về nền tảng kiến thức hiểu biết lịch sử Việt Nam và thế giới. Do đó, có không ít ý kiến đề xuất ngành giáo dục nên nghiên cứu thay đổi cách dạy hiệu quả hơn thay vì đưa lịch sử thành môn tự chọn.
Môn lịch sử rất quan trọng
Bạn đọc Quang Trungbình luận: “Lịch sử là môn học quan trọng, mỗi công dân đều cần phải có kiến thức và am hiểu lịch sử. Học lịch sử không phải gói gọn trong vài năm, mà phải biết quá trình hình thành và phát triển của một đất nước. Lịch sử cũng không đóng khuôn trong một lãnh thổ quốc gia, mà cũng phải biết sơ bộ về những sự kiện quan trọng cả thế giới. Chúng ta học lịch sử để biết về sự sinh tồn, phát triển văn hóa, văn minh của dân tộc. Chính vì thế, lịch sử cần giữ đúng vị thế là một môn học quan trọng trong chương trình chứ không phải tự chọn học hay không”.
Học sinh Trường THPT Lê Quý Đôn (quận 3, TP.HCM) trong một giờ học tích hợp lịch sừ - địa lý tại trường. Ảnh: PHẠM ANH |
“Dân ta thì phải biết sử ta, học sinh cấp 2 là độ tuổi đang hình thành tư duy độc lập, xác định tư tưởng, chính kiến của riêng mình mà không được học đầy đủ về lịch sử thì không nên. Bởi đây là giai đoạn các em cần chú ý và uốn nắn tư tưởng nhất. Nếu không bắt buộc môn này thì xem như cho các em tự bơi, kiến thức không có, lập trường chưa vững thì rất dễ tiếp cận thông tin sai lệch về lịch sử” - bạn đọc Trần Anh bày tỏ.
Bạn đọc Phan Thanh nêu: “Thực thế cho thấy hiện nay nhiều học sinh vẫn chưa xem trọng việc học môn lịch sử, bởi theo các em thì môn này khô khan, khó học, khó tiếp thu. Vấn đề cần giải quyết bây giờ là làm thế nào để các em ham muốn tìm hiểu lịch sử nước nhà, được tự hào về dân tộc với những áng sử hào hùng của ông cha. Phải khơi gợi lòng tự tôn, tự hào dân tộc chứ không phải biến nó thành một trong nhiều sự lựa chọn không còn quan trọng nữa”.
Nên đổi cách giảng dạy môn lịch sử
Đánh giá việc đưa môn lịch sử sẽ trở thành một môn tự chọn, ThS Dương Thành Thông, giảng viên Khoa lịch sử, Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM, cho biết với tư cách một người học sử, nghiên cứu, giảng dạy lịch sử, ông cũng như nhiều thầy cô khác rất buồn với quyết định trên.
Song phải nhìn nhận một thực tế là, từ lâu rồi, không phải đợi đến nay môn lịch sử mới trở thành một môn “tự chọn” đối với nhiều học sinh. Vì thế, Bộ GD&ĐT đã có sự cân nhắc kỹ, trong đó có tính đến phản ứng của xã hội, nên ThS Thông cho rằng quyết định này được đưa ra trên những cơ sở khoa học và thực tiễn nhất định.
Theo ThS Thông, vấn đề đang đặt ra hiện nay là làm sao để môn lịch sử nhận được sự quan tâm của người học chứ không phải là môn bắt buộc hay tự chọn. Có nhiều cách để hướng đến mục tiêu đó. Trong nhiều năm qua, khi môn sử là bắt buộc thì một thực trạng đáng buồn vẫn xảy ra là người học vẫn “chán” môn sử.
ThS Thông phân tích: “Không chỉ môn lịch sử, bất kỳ môn học nào cũng cần phải có sự đổi mới, cải tiến phương pháp dạy học. Cho nên phải thay đổi, phải cải tiến, kể cả khi lịch sử là môn học tự chọn hay bắt buộc. Thêm nữa, việc này phải xuất phát từ việc xác định mục tiêu: Học lịch sử để làm gì. Có vẻ đơn giản và không mới, song tôi cho rằng đến nay chúng ta vẫn đang loay hoay, chưa trả lời được một cách chân xác nhất.
Việc đó kéo những câu chuyện khác: Chúng ta dạy học trò cái gì? Dạy thế nào? Học trò có cần những kiến thức đó trên thực tế không? …
Cuối cùng, theo tôi, việc thay đổi, cải tiến cần phải đồng bộ, căn bản, từng bước, đừng ôm đồm. Hiện nay, chúng ta đã có chỗ, có nơi đã nhận ra và đã thay đổi (ví dụ như sách giáo khoa) nhưng có vẻ chưa đồng bộ, dẫn đến hiệu quả chưa như mong muốn”.
Các bạn trẻ không thờ ơ với lịch sử, văn hóa dân tộc
Theo tôi, việc lựa chọn môn lịch sử (để học ở bậc phổ thông) và ngành lịch sử (làm việc ở các trường đại học) không đồng nghĩa với việc “quan tâm” hay không với lịch sử, văn hóa dân tộc.
Tôi cho rằng các bạn trẻ không hề thờ ơ với lịch sử, văn hóa dân tộc, mà vấn đề đang đặt ra là họ không hào hứng với những gì chúng ta truyền tải. Thêm nữa, trong giảng dạy cũng cần hiểu được sự khác biệt giữa hai môi trường phổ thông và đại học.
Khoa học lịch sử cũng giống như những khoa học khác, ngoài đam mê, người học cũng cần có những yếu tố, kỹ năng khác để thành công với ngành, nghề lựa chọn. Cho nên ở bậc đại học, chúng ta cũng không nên quá lo lắng bởi sự “ít lựa chọn” ngành lịch sử, bởi ở bậc đào tạo này, “tinh” cần hơn là “đa”.
ThS DƯƠNG THÀNH THÔNG,
giảng viên Khoa lịch sử Trường ĐH KHXH&NV