Thay đổi hệ số môn thi vào lớp 10: Phù hợp xu thế!

Sở GD&ĐT TP.HCM đã chuẩn bị tờ trình gửi UBND TP.HCM về kế hoạch tuyển sinh vào lớp 10. Một định hướng trong nội dung sở tham mưu UBND TP là thay đổi cách tính điểm trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10.

Những năm trước, điểm xét tuyển được tính theo công thức toán, văn (hệ số 2) cộng với điểm ngoại ngữ (hệ số 1) và điểm ưu tiên nếu có. Năm nay, dự kiến các môn sẽ được tính hệ số 1.

Rất đồng tình

Là phụ huynh có con học lớp 9 tại một trường ở quận 5, chị Tuyết Nhung cho biết chị ủng hộ việc điều chỉnh hệ số các môn thi. Bởi hầu hết các gia đình đều đầu tư cho con học ngoại ngữ từ nhỏ nên “sự thay đổi này không ảnh hưởng gì bởi từ đầu con đã học đều các môn” - chị Nhung nói.

Bà Phạm Thị Phương Hồng, Hiệu trưởng Trường THCS Bình Tây, quận 6, chia sẻ đề xuất thay đổi hệ số điểm thi rất phù hợp với điều kiện và tình hình của TP.HCM. “Đối với trường tôi, nếu đề xuất được UBND TP thông qua cũng không ảnh hưởng gì. Ba môn thi tuyển sinh vào lớp 10 trường đã đầu tư và triển khai từ đầu năm học. Riêng môn tiếng Anh, ngoài bộ sách của Bộ GD&ĐT, học sinh còn được học các sách bổ trợ. Tuy nhiên, tôi chỉ lo thay đổi vào thời điểm này sẽ phần nào đó ảnh hưởng đến tâm lý của phụ huynh lẫn học sinh. Nếu điều chỉnh bắt đầu từ năm sau thì sẽ thích hợp hơn” - bà Hồng bày tỏ.

Là người có kinh nghiệm trong việc phân tích dữ liệu kỳ thi lớp 10 tại TP.HCM hàng chục năm nay, ông Trần Mậu Minh, nguyên Hiệu trưởng Trường THCS Trần Văn Ơn, quận 1, đánh giá việc điều chỉnh hệ số để nâng tầm quan trọng của môn ngoại ngữ là cần thiết. Nếu trước đây ngoại ngữ được xem là môn học công cụ để tiếp cận kiến thức thì trong thời kỳ hội nhập, ngoại ngữ là nền tảng kỹ năng cần thiết trong cuộc sống. Vì thế, nâng cao việc dạy và học ngoại ngữ bằng chuyện phân bổ hệ số tuyển sinh bằng văn, toán là hợp lý.

Một tiết học của học sinh lớp 9 Trường THCS Phú Thọ, quận 11.
Ảnh: NGUYỄN QUYÊN

Ông Nguyễn Văn Hiếu cho rằng sự thay đổi này sẽ không làm xáo trộn công tác dạy và học ở các trường phổ thông trong định hướng kế hoạch từ đầu năm học. Nội dung, cách ra đề, hình thức thi giống như các năm trước. Đề thi theo hướng kiểm tra năng lực vận dụng kiến thức của thí sinh vào thực tiễn cuộc sống. 

Không ảnh hưởng tới việc dạy và học

Đề cập đến sự thay đổi trên, một giáo viên dạy tại Trường THCS Nguyễn An Khương, huyện Hóc Môn, cho hay nếu xét riêng trường cô, đây sẽ là lợi thế cho các em. Bởi từ nhiều năm nay, mô hình đào tạo của trường tăng cường đầu tư vào ngoại ngữ. Khi xét tuyển đầu vào, ngoại ngữ là một trong các tiêu chí.

“Trường tôi sẽ có lợi nhưng xét mặt bằng chung trên địa bàn huyện thì đây sẽ là nỗi lo của các trường. Vì thực tế trình độ ngoại ngữ của các em chưa được tốt. Do đó, nếu đề xuất này được thông qua và áp dụng ngay năm nay sẽ hơi đột ngột” - giáo viên này nhận định.

Trái ngược với suy nghĩ trên, thầy Nguyễn Đăng Khoa, giáo viên Trường THCS Tân Túc, huyện Bình Chánh, khẳng định: “Dù có thay đổi vẫn không ảnh hưởng gì. Thực tế, học sinh ngoại thành năng lực ngoại ngữ không bằng nội thành, tuy nhiên hiện giờ quận, huyện nào cũng đủ trường THPT. Đa phần các em ở quận nào sẽ học ở quận đó nên cũng không có gì đáng ngại” - thầy Khoa nói.

Về vấn đề, này ông Trần Mậu Minh bổ sung thêm, hiện tại việc tuyển sinh vào lớp 10 theo chủ trương cố gắng địa phương hóa, khuyến khích chọn trường gần nhà. Các em nội thành có lợi thế về ngoại ngữ hơn các em ở khu vực ngoại thành. Tuy nhiên, nếu các em đăng ký nguyện vọng vào lớp 10 trên địa bàn thì điểm tuyển sinh sẽ lấy từ trên xuống. Học sinh nội thành sẽ cạnh tranh với nhau, các em ngoại thành cũng sẽ tranh tài với nhau.

Theo thầy Minh, trong kỳ thi sẽ có những học sinh ngoại thành muốn đăng ký vào các trường tốp đầu của TP. Đa phần các em này đều xuất sắc, một khi đã xác định các em sẽ biết được năng lực của mình có thể cạnh tranh với các bạn nên cũng không ảnh hưởng gì.

“Thay đổi hệ số sẽ không ảnh hưởng đến việc dạy và học, vì từ trước đến nay giáo viên đã thay đổi phương pháp để phù hợp với tình hình mới chứ không phải chỉ chạy theo chuyện thi cử” - hiệu trưởng một trường THCS ở quận Tân Bình khẳng định.

Nâng cao vai trò của môn ngoại ngữ

Hiện việc dạy và học ngoại ngữ đã trở nên quan trọng. Chính phủ đã ban hành đề án ngoại ngữ quốc gia để các địa phương tập trung đầu tư việc dạy và học ngoại ngữ, biến ngoại ngữ thành thế mạnh của người dân.

TP.HCM cũng có một đề án phát triển ngoại ngữ với mong muốn học sinh TP đạt được chuẩn quốc tế sau khi tốt nghiệp THPT, đủ điều kiện để tiếp cận đến chương trình bậc ĐH ở các nước và tự tin du học. Chính vì vậy, việc nâng tầm môn ngoại ngữ phải được thể hiện qua thời lượng, qua cách đánh giá.

Thông tư 26 về đánh giá học sinh trung học của Bộ GD&ĐT cũng cho thấy được tầm quan trọng của ngoại ngữ. Môn ngoại ngữ cùng môn văn, toán là một trong ba môn để xếp loại học sinh. Học sinh muốn đạt loại giỏi phải có điểm trung bình các môn học từ 8 điểm trở lên, trong đó điểm trung bình của một trong ba môn toán, ngữ văn, ngoại ngữ từ 8 trở lên.

Ngoài ra, thời lượng học môn ngoại ngữ ở bậc THPT bằng với các môn toán, văn. Vì thế, việc điều chỉnh hệ số ba môn thi bằng nhau trong tuyển sinh là định hướng phù hợp.

Ông NGUYỄN VĂN HIẾU, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm