Ngày 23-9, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận đã có phiên giải trình trước Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội về đổi mới kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH-CĐ.
Sau khi Bộ trưởng Phạm Vũ Luận giới thiệu những nét chính của kỳ thi đổi mới, nhiều đại biểu bày tỏ đồng tình chỉ còn một kỳ thi quốc gia nhưng cũng còn nhiều băn khoăn, lo lắng về hàng loạt vấn đề mang tính chất kỹ thuật của kỳ thi.
Không thể phó mặc cho các trường ĐH
Nhiều đại biểu đề nghị bộ trưởng làm rõ việc tại sao lại thành lập hai loại cụm thi khác nhau (một do các trường ĐH chủ trì, một do địa phương chủ trì). Rồi tiêu chí nào để thành lập cụm thi; liệu việc thành lập cụm thi ở địa phương và cụm thi do các trường ĐH chủ trì có dẫn tới hệ lụy không công bằng trong thi cử do lo ngại địa phương coi thi “lỏng tay” hơn? Học sinh (HS) thi ở cụm địa phương ban đầu không có ý định vào ĐH nhưng sau đó được điểm cao, đổi ý thì có được đăng ký vào các trường ĐH không…
Giải đáp các điều này, ông Phạm Vũ Luận cho biết logic của việc tổ chức thành hai loại cụm là do một số tỉnh miền núi có huyện rộng bằng cả tỉnh dưới đồng bằng, trong khi đó nhiều em không có nhu cầu vào ĐH, bắt HS đi lại quá xa xôi thì tốn kém và vất vả nên tổ chức cụm thi do địa phương tổ chức. Còn những HS muốn vào ĐH thì thi ở cụm do các trường ĐH tổ chức. Trả lời về tiêu chí cụm thi, ông Luận cho biết sẽ căn cứ vào năng lực của các trường ĐH (cơ sở vật chất, đội ngũ, kinh nghiệm tổ chức thi) để xác định trường ĐH nào được chủ trì cụm thi và sẽ công bố sớm.
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận: “Địa phương phải chấn chỉnh để kỳ thi nghiêm túc, để không có chuyện dễ dãi, tiêu cực”. Ảnh: HH
Ông Luận thừa nhận thực tế có chỗ này nghiêm, chỗ kia không nghiêm nhưng vi phạm chỉ là cá biệt, như vụ Đồi Ngô ở Bắc Giang trước đây, khi phát hiện đã xử lý nghiêm. “Tinh thần phải đổi mới, thầy phải đổi mới, trò phải đổi mới, thi cử phải đổi mới. Địa phương phải chấn chỉnh để kỳ thi nghiêm túc, để không có chuyện dễ dãi, tiêu cực, tạo sự công bằng trong thi cử” - ông Luận nhấn mạnh. Ông Luận cũng nói thêm rằng không thể phó mặc cho các trường ĐH, Bộ vẫn phải thanh tra, kiểm tra các trường ĐH để đảm bảo chất lượng, thực chất, độ tin cậy.
Về việc xét tuyển vào ĐH đối với HS thi ở địa phương, ông Luận cho biết: Cơ hội vào ĐH với các HS thi ở cụm địa phương không đóng lại vì nhiều trường xét tuyển căn cứ điểm học tập ba năm THPT hoặc lớp 12, hoặc có bài test, năm vừa rồi có trường xét như vậy. Cũng có trường ĐH tuyên bố sử dụng kết quả ở cụm địa phương thì Bộ không ngăn cấm. Tuy nhiên, ông Luận khẳng định: “Chắc chắn thi cụm do trường ĐH tổ chức thì việc dùng kết quả đó ở nhiều trường ĐH sẽ không lăn tăn, lo lắng”.
Đề thi sẽ không gây sốc
Trả lời chất vấn của ĐB Nguyễn Thanh Hải (Hòa Bình) về công tác chuẩn bị ngân hàng đề thi nhằm đảm bảo phân hóa trình độ HS, phương thức học tập của HS có thay đổi không, ông Luận cho biết Bộ chủ động hoàn toàn về đề thi. Những thay đổi trong đề thi không làm các HS bị sốc, khó khăn, bất ngờ, lúng túng mà chỉ có tác động tích cực, giống như kỳ thi năm 2014. Đề thi yêu cầu không phải học thuộc lòng mà kiểm tra năng lực nhận thức, hiểu biết.
ĐB Nguyễn Kim Thúy (Đà Nẵng) đặt câu hỏi vì sao Bộ đổi mới thi bất ngờ, Bộ có đặt mình vào địa vị của HS không, liệu đây có phải là phương án đổi mới cuối cùng, nếu không Bộ cho biết Bộ có định công bố lộ trình đổi mới để khóa sau khỏi bất ngờ...
Trả lời các câu hỏi này, ông Luận khẳng định đổi mới thi không bất ngờ, mọi việc đều làm có lộ trình, kỳ thi tuyển sinh và tốt nghiệp năm 2014 là một minh chứng. HS thấy thoải mái, phụ huynh ghi nhận, xã hội đồng tình.
Còn kỳ thi thay đổi nữa không, ông Luận cho biết khi chương trình mới ban hành (sau 2015), lúc đó sẽ có phương án thi mới hẳn 100%, còn hiện HS đang học chương trình cũ. Ông Luận khẳng định phải đổi mới phương pháp dạy, học của chương trình cũ, sách giáo khoa cũ để nâng cao chất lượng. “Chúng ta phải vừa làm vừa lớn lên, thầy cô giáo cũng phải thay đổi phương pháp dạy, HS cũng thay đổi dần cách học, không thể để các cháu đứng ngoài công cuộc đổi mới” - ông Luận nhấn mạnh.
Theo ông Luận, năm sau phương pháp dạy và học cũng sẽ tiếp tục thay đổi nhưng thay đổi đúng hướng, không phải hôm nay rẽ phải, mai rẽ trái rồi lại quay về chỗ cũ. “Chúng ta đi theo lộ trình, theo chương trình mới. Quá trình này là quá trình cải tạo cái cũ theo cái mới. Chúng ta đang bàn đến phương án thi của giai đoạn quá độ, không chấp nhận cái cũ nữa. Tuy chưa đủ điều kiện để triển khai cái mới hoàn chỉnh nhưng phải hướng tới cái mới hoàn chỉnh” - ông Luận phân tích.
HUY HÀ
Mở đầu phiên giải trình, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận tóm tắt những nét chính của kỳ thi đổi mới năm 2015. Theo đó, sẽ chỉ còn một kỳ thi quốc gia để xét tốt nghiệp THPT và là căn cứ để các trường tuyển sinh vào ĐH, CĐ. Bộ dự kiến thành lập khoảng 20 cụm thi do các trường ĐH chủ trì, ngoài ra sẽ có các cụm thi do tỉnh tổ chức. Đề thi sẽ ra theo hướng không kiểm tra học thuộc lòng mà kiểm tra mức độ hiểu biết, vận dụng kiến thức tổng hợp của HS. Việc xét công nhận tốt nghiệp THPT sẽ dựa vào kết quả bốn môn thi và kết quả học tập của lớp 12 nhằm kết hợp đánh giá quá trình học, khắc phục học lệch của HS. _________________________________________ Phát biểu kết luận phiên giải trình, GS Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng đề nghị Bộ GD&ĐT cần tổ chức kỳ thi thật tốt để bảo đảm mục tiêu kết hợp này. Giải pháp giao cho các trường ĐH chủ trì cụm thi là giải pháp mạnh, có thể bảo đảm kết quả để xã hội tin cậy. Tuy nhiên, cũng cần có lộ trình. Về cụm thi ở địa phương, GS Đào Trọng Thi cho rằng Bộ cần tính toán kỹ hơn. “Chắc chắn tính nghiêm túc của hai cụm thi này sẽ khác nhau, như vậy sẽ không tạo mặt bằng chung, thi ở cụm thi ĐH chắc chắn điểm thấp hơn ở cụm thi địa phương. Như vậy là không công bằng cho thí sinh, kể cả trong xét tốt nghiệp và xét tuyển ĐH. Như vậy có nên có cụm thi ở địa phương không, Bộ cần tính toán để loại trừ những bất cập” - ông nhấn mạnh. |