Tỉ trọng tiền mặt trong nền kinh tế so với tổng phương tiện thanh toán vào những năm 2010 rơi vào khoảng 18-19%, đến 2020 còn khoảng gần 12%, thì đến thời điểm hiện nay vẫn ở mức khoảng 11,2%. Tức là tỉ trọng thanh toán tiền mặt có giảm nhưng không đáng kể.
Để đạt được mục tiêu đưa tỉ trọng tiền mặt trên tổng phương tiện thanh toán xuống còn 8% vào cuối năm 2025 như chiến lược phát triển ngành ngân hàng Việt Nam thì cần sự chung tay, hợp sức của nhiều bên gồm cả ngân hàng, trung gian thanh toán, các công ty fintech.
"Miếng bánh" thanh toán số còn rất nhiều
Tại tọa đàm trực tuyến về phát triển thanh toán không dùng tiền mặt do Tập đoàn Dữ liệu quốc tế (IDG) vừa diễn ra mới đây, TS Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia, cho biết dịch COVID-19 là chất xúc tác thúc đẩy kênh thanh toán số tăng trưởng mạnh vượt bậc.
Trong một năm vừa qua, các kênh thanh toán số tăng khoảng 53% so với các hình thức thanh toán tại các chi nhánh và điểm giao dịch ngân hàng. Khách hàng sử dụng kênh thanh toán mới cũng tăng khoảng 41%. Những người lâu nay quen dùng tiền mặt thì đã bắt đầu lại chuyển sang sử dụng thẻ thanh toán không tiếp xúc.
Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, thanh toán không dùng tiền mặt tăng tương đối nhanh trong năm 2020 và 2021, đâu đó tăng ở mức là 30-40% về lượng giao dịch, và tăng tư 70-80% về giá trị giao dịch.
Tuy nhiên tiền mặt vẫn là một phương thức thanh toán khá là phổ biến ở Việt Nam. Hiện lượng tiền mặt lưu thông trong nền kinh tế so với tổng phương tiện thanh toán trong năm là khoảng 11,2%, tức là tỷ trọng không lớn nhưng số lượng giao dịch tiền mặt vẫn còn rất là lớn.
Ông Nguyễn Minh Tâm, Phó Tổng giám đốc, Ngân hàng Sacombank cho biết: Số lượng tài khoản thanh toán cá nhân tại Việt Nam đạt khoảng hơn 100 triệu, loại trừ những cá nhân mở nhiều tài khoản, hay mở tài khoản nhưng không hoạt động thì số lượng tài khoản thanh toán như vậy là nhiều.
Tuy nhiên, tỉ lệ sử dụng để thanh toán không dùng tiền mặt không cao mà chủ yếu sử dụng thẻ để rút tiền mặt tại ATM. Hiện dư địa phát triển lĩnh vực thanh toán số còn rất là rộng. Số lượng người buôn bán nhỏ lẻ đều có tài khoản thanh toán nhưng sử dụng thanh toán trực tuyến lại không nhiều”.
Cần tạo sự thuận tiền cho người tiêu dùng khi có nhu cầu thanh toán không tiền mặt
Chia sẻ về khó khăn của việc thanh toán không tiền mặt, ông Ngô Anh Tuấn, Giám đốc VNPay-QR, cho biết thêm: Thách thức lớn nhất là thay đổi thói quen dùng tiền mặt của người dân. Thứ hai là phải mở rộng các điểm chấp nhận thanh toán POS. Hiện trên toàn quốc có khoảng 300.000 điểm chấp nhận thanh toán qua POS, trong khi đó số hộ kinh doanh nhỏ SME trên cả nước, ước rơi vào khoảng 1,5 – 2 triệu.
"Vậy nếu người dân đã đồng ý sử dụng hình thức thanh toán không tiền mặt rồi mà thiếu số lượng đơn vị chấp nhận thanh toán qua thẻ không phổ biến thì đấy là một cản trở lớn cho người dân. Cuối cùng là phải làm sao để tối ưu sản phẩm và cải thiện trải nghiệm người dùng. Bởi vì khi người dùng họ đã quan tâm đến thanh toán không tiền mặt rồi nhưng nếu sản phẩm vẫn khó sử dụng thì sớm muộn người dùng người ta sẽ lại về phương thức thanh toán truyền thống” - ông Tuấn nhận định.
Níu chân người dùng bằng niềm tin
TS Cấn Văn Lực cho biết, theo đề án phát triển hệ thống ngân hàng đến năm 2025, tầm nhìn 2030, NHNN muốn hạ tỉ lệ thanh toán tiền mặt trong nền kinh tế xuống dưới 8%, tôi cho rằng đây là chiến lược khá là tham vọng và nó đòi hòi các công ty hoạt động trong lĩnh vực trung gian thanh toán, ngân hàng phải thúc đẩy rất nhanh.
Vậy để thu hút sự quan tâm của người tiêu dùng, để thay đổi thói quen từ thanh toán tiền mặt sang thanh toán không tiền mặt thì cần phải làm gì?
Theo bà Phạm Minh Tú – Phó Giám đốc, Trung tâm Dịch vụ số, Tổng công ty Mobifone: “Để số lượng người dùng thanh toán online ngày càng nhiều thì sản phẩm, dịch vụ thanh toán trực tuyến phải giải quyết song song giữa hai vấn đề đó là thiết kế giao diện dễ sử dụng nhưng lại cũng cần phải nâng cấp độ bảo mật an toàn thông tin tài khoản lên mức cao nhất”.
Ông Ngô Anh Tuấn, Giám đốc VNPay-QR nêu quan điểm: “Hiện các tài khoản ngân hàng đã có sự liên kết, từ ngân hàng người dùng có thể dễ dàng chuyển tiền sang ngân hàng khác nhưng với ví điện hay mã QR code lại khác.
Do đó, cần có một môi trường đồng nhất, để giúp người dùng ví điện tử của đơn vị A thì vẫn được chấp nhận thanh toán tại điểm chấp nhận thanh toán của đơn vị B. Điều này không chỉ giúp tiết kiệm nguồn lực mà còn gia tăng trải nghiệm cho người dùng, để mỗi lần thanh toán không cần phải kiểm tra xem mã QR code là của bên ngân hàng nào và ứng dụng thanh toán của mình có được chấp nhận thanh toán tại đây hay không”.
Trong khi đó, ông Nguyễn Đình Thắng, Chủ tịch Câu lạc bộ Vina Fintech, lại cho rằng: Ngoài vấn đề công nghệ, trải nghiệm thuận tiện thì để tạo được niềm tin cho khách hàng thì phải nhìn vào cái gốc, xem điều khách hàng quan tâm lo lắng nhất là cái gì thì mới giải quyết được vấn đề.
"Trong vai trò là khách hàng thì tôi lo lắng ở 2 mặt sau: Thứ nhất đó là thông tin cá nhân của tôi có bị lộ ra ngoài không. Thứ hai là tài khoản ngân hàng có được bảo mật tốt không và cách giải quyết các vấn đề khúc mắc có nhanh chóng hay không" - ông Thắng nêu quan điểm.
Đáng chú ý, để thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, ông Nguyễn Đình Thắng kiến nghị Chính phủ cần sớm hoàn thiện hành lang pháp lý để nhanh chóng đưa phương thức thanh toán Mobile Money vào thử nghiệm; thúc đẩy nhanh cơ sở dữ liệu quốc gia để có thể nhanh chóng xác định được nhân thân; có cơ chế chính sách cho chia sẻ dữ liệu và tăng cường bảo mật an ninh, an toàn…
Ngoài ra, ông Thắng cho rằng hệ sinh thái thì cần được kết nối liên thông giữa các ngân hàng. Các ngân hàng đừng có ngại cạnh tranh với các công ty fintech, bởi mỗi một ngân hàng có một lợi thế cạnh tranh riêng và mỗi ví điện tử có một hệ sinh thái khác nhau và mỗi bên đều sở hữu những thế mạnh riêng. Cùng cộng hưởng không khiến ai bị triệt tiêu mà ngược lại, nó sẽ giúp tất cả các bên có cơ hội để tận dụng hết được lợi thế của nhau và cùng phát triển. Khi đó, điều này cũng sẽ đem lại cho người dùng trải nghiệm tốt nhất có thể.