Tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 7, ngày 20-5, Quốc hội đã nghe các báo cáo, thẩm tra về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2023; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2024.
Ngân hàng lãi lớn
Theo đó, Quốc hội đề nghị Chính phủ có đánh giá, phân tích về nguyên nhân, mức độ tác động của tăng trưởng tín dụng đến tình hình phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 và làm rõ việc các ngân hàng thương mại lãi lớn năm 2023 trong bối cảnh doanh nghiệp khó khăn.
Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đánh giá năm 2023 đã là một năm thực sự khó khăn đối với các doanh nghiệp, khi có 172.600 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 20,5% so với năm 2022. Bình quân, một tháng có gần 14.400 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.
Tuy nhiên cũng trong năm 2023, các ngân hàng thương mại, từ ngân hàng trong nhóm Big4 cho đến các ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân vẫn lãi lớn. Lũy kế cả năm 2023, lợi nhuận sau thuế toàn ngành đạt hơn 198.446 tỷ đồng.
Năm 2023, có 15/28 ngân hàng (gồm 27 ngân hàng trên sàn và Agribank) ghi nhận lợi nhuận tăng trưởng dương.
Có thể điểm qua tình hình tăng trưởng lợi nhuận nổi bật của một số ngân hàng trong nhóm Big4 như sau:
Năm 2023, Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) ghi nhận lợi nhuận trước thuế hợp nhất hơn 41.200 tỷ đồng, tăng 10% so với năm trước; Ngân hàng Đầu tư & Phát triển Việt Nam (BIDV) ghi nhận 27.649 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 20,6% so với cùng kỳ;
Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) đạt 25.100 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 18,8% so với cùng kỳ; còn tại Ngân hàng Nông nghiệp Việt Nam (AGRIBANK), lợi nhuận trước thuế đạt 25.859 tỷ đồng, tăng 14,7% so với thực hiện năm 2022.
Trong nhóm ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân, Sacombank có tốc độ tăng trưởng lợi nhuận mạnh nhất, lên tới 51% so với năm 2022. Các ngân hàng tăng trưởng lợi nhuận cao tiếp theo là Nam A Bank (+46%), Saigonbank (+40%), HDBank (+27%), VietBank (+24%).
Tại báo cáo thẩm tra, bên cạnh việc ghi nhận những kết quả đạt được trong năm 2023, Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng tình hình kinh tế - xã hội năm này còn hạn chế, tồn tại cần khắc phục.
Cơ quan thẩm tra của Quốc hội nêu chín nhóm vấn đề cần quan tâm. Đáng chú ý, Uỷ ban Kinh tế đánh giá công tác điều hành tăng trưởng tín dụng còn bất cập; tăng trưởng tín dụng đạt thấp hơn mục tiêu đề ra, tiếp cận tín dụng khó khăn.
Thị trường vốn (trái phiếu doanh nghiệp và chứng khoán) còn nhiều vấn đề khiến nhu cầu vốn trung và dài hạn cho nền kinh tế phần lớn qua kênh tín dụng ngân hàng, làm gia tăng áp lực và tiềm ẩn rủi ro đối với hệ thống ngân hàng.
Các khó khăn đè nặng doanh nghiệp
Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, trong 4 tháng đầu năm 2024, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường là 86.400 doanh nghiệp, tăng 12,2% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân một tháng có 21.600 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.
Thông tin tại buổi tọa đàm đối thoại chính sách diễn ra mới đây (17-5) cũng cảnh báo rằng sức khoẻ của doanh nghiệp đang rất đáng báo động, số lượng doanh nghiệp rút khỏi thị trường đang có xu hướng gia tăng. Thêm vào đó, số lượng doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường cao hơn nhiều lần so với doanh nghiệp đăng ký thành lập mới. Điều này cho thấy các khó khăn đè nặng doanh nghiệp suốt thời gian qua đã khiến bức tranh phát triển doanh nghiệp chưa khả quan.
Trong khi đó, tín dụng có dấu hiệu "đông cứng" khi tăng trưởng tín dụng quý 1 thấp nhất trong 10 năm qua dù lãi suất cho vay đã hạ rất thấp. “Nhu cầu tín dụng của các doanh nghiệp chưa tăng mạnh do hiệu suất kinh doanh giảm, doanh nghiệp cắt giảm các khoản vay”, nhóm nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) nêu.
TS Nguyễn Quốc Việt nhận xét: Năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp trong nước yếu kém, họ cũng gặp khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn và thị trường. Đây là những vấn đề đáng báo động, sẽ tác động tiêu cực đến nền kinh tế trong trung và dài hạn. Hơn thế, nó phản ánh sự thiếu hụt các động lực tăng trưởng mạnh mẽ, nếu kéo dài sẽ có nguy cơ suy thoái
Vì vậy, Việt Nam cần có những biện pháp mạnh mẽ để kích thích đầu tư, tiêu dùng trong nước, đồng thời nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, hướng đến phát triển kinh tế bền vững trong tương lai
Nhóm nghiên cứu của VEPR cũng nhận xét rằng, trong khi doanh nghiệp khó khăn chồng chất, ngân hàng vẫn báo lãi là một nghịch lý. Theo báo cáo của VEPR, có một nghịch lý là trong khi doanh nghiệp và người dân khó khăn, cần san sẻ, thì bức tranh ngân hàng lại rất khác biệt khi vẫn duy trì mức sinh lời cao từ hoạt động cho vay. Khi đại dịch Covid-19 ập đến vào đầu 2020, gần như ngay lập tức chính sách tiền tệ được nới lỏng bằng định hướng hạ lãi suất nhằm hỗ trợ kinh tế. Tuy nhiên các ngân hàng lại giảm lãi suất huy động nhanh hơn so với lãi suất cho vay khiến cho biên lãi thuần (NIM – thước đo mức sinh lời của hoạt động cho vay) tăng.
Thậm chí 2 năm sau Covid-19, NIM của các ngân hàng vẫn còn cao hơn so với khoảng thời gian trước dịch. Một lý do mà các ngân hàng giải thích cho việc này là các hợp đồng cho vay thường có kỳ hạn dài hơn hợp đồng tiền gửi tiết kiệm nên biến động lãi suất sẽ có ảnh hưởng chậm hơn tới lãi suất cho vay.
“Xét về bản chất kỳ hạn thì điều này đúng. Tuy nhiên đến giờ thì đã là 4 năm kể từ khi lãi suất được định hướng giảm, thì có lý do gì mà lãi suất cho vay chưa giảm tương xứng với mức giảm lãi suất huy động”, TS Nguyễn Quốc Việt đặt vấn đề.
Lợi nhuận của ngân hàng có sự phân hóa
Quý đầu năm 2024, tính toán của SSI Research cho thấy, ngành ngân hàng duy trì tăng trưởng lợi nhuận nhưng tốc độ tăng chậm hơn: Lợi nhuận sau thuế quý 1-2024 của các ngân hàng niêm yết tăng nhẹ 9,6% so với cùng kỳ, chiếm 49,2% tổng lợi nhuận toàn sàn.
Thống kê báo cáo tài chính của 28 ngân hàng thương mại cho thấy, tổng lợi nhuận sau thuế quý I-2024 của các ngân hàng đạt khoảng 72.096 tỷ đồng, tăng 9,6% so với cùng kỳ năm trước. 10 ngân hàng có lợi nhuận sau thuế cao nhất quý I-2024 không có sự biến động mạnh, vẫn là những cái tên quen thuộc như: Vietcombank, Techcombank, BIDV, VietinBank, MB, ACB, HDBank, SHB, VPBank và LPBank.
Dù vậy tăng trưởng lợi nhuận các ngân hàng cũng có sự phân hóa hơn so với năm 2023, một số ngân hàng công bố tăng trưởng lợi nhuận rất cao trong khi nhiều ngân hàng công bố tăng trưởng lợi nhuận một chữ số hoặc thậm chí giảm.
Trong quý đầu năm, nhóm các ngân hàng vẫn tăng trưởng lợi nhuận hai chữ số so với cùng kỳ bao gồm SHB (tăng 11,4%); OCB (21,3%); HDBank (46,5%); VPBank (tăng 90,4%); LPBank (84,9%).
Ở chiều ngược lại, ABBank là ngân hàng có lợi nhuận giảm mạnh nhất, giảm 68,5% so với quý I-2023; VietBank giảm 63,6%; Saigonbank giảm 36,3%; PGBank giảm 24,2%; VietA Bank giảm 7,7%; VIB giảm 7,1% ; MSB giảm 2%; Eximbank giảm 24,3%.
Nổi bật phải kể đến việc ngân hàng MB công bố lợi nhuận sau thuế quý đầu năm giảm 11,2% còn 4.624 tỷ đồng, nợ xấu của MB cũng tăng mạnh. Tại thời điểm ngày 31-3-2024, tổng nợ xấu của MB ở mức hơn 15.294 tỷ đồng, tăng 56% so với cùng kỳ.
Trong báo cáo mới nhất, Công ty Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư & Phát triển (BSC) dự báo thận trọng về lợi nhuận ngành ngân hàng năm 2024 với lý do có nhiều yếu tố bất định và cuộc đua lãi suất đang nóng dần. Ngoài ra, chuyên gia BSC nhận thấy rủi ro từ việc các ngân hàng cạnh tranh lãi suất đầu ra đang khiến triển vọng phục hồi biên lợi nhuận (NIM) trở nên hạn chế hơn.