Cơ quan chức năng cho rằng thầy M. - Trường Tiểu học Tiên Sơn, huyện Việt Yên, Bắc Giang chỉ véo tai, véo mũi, sờ mông, sờ đùi đối với 14 học sinh nữ và một học sinh nam, ngoài ra thầy M. không có hành động nào khác. Các hành vi của thầy M. qua xác minh như trên là chưa đủ căn cứ chứng minh có hành vi dâm ô (đối với người dưới 16 tuổi).
Quang cảnh buổi họp báo thông tin vụ thầy giáo quấy rối học sinh ở huyện Việt Yên, Bắc Giang. Ảnh: HÀ PHƯỢNG
Từ sách chuyên khảo đến thực tiễn xét xử
Điều 146 BLHS hiện hành quy định về tội dâm ô người dưới 16 tuổi là khi “có hành vi dâm ô… không nhằm mục đích giao cấu hoặc không nhằm thực hiện các hành vi quan hệ tình dục khác”…
Trước đây và hiện nay vẫn chưa có văn bản nào hướng dẫn chi tiết, liệt kê cụ thể hành vi dâm ô.
Trong sách chuyên khảo, ông Đinh Văn Quế, nguyên Chánh tòa Hình sự TAND Tối cao, đã định nghĩa dâm ô đối với trẻ em là hành vi của người đã thành niên dùng mọi thủ đoạn có tính chất dâm dục đối với người dưới 16 tuổi nhằm thoả mãn dục vọng của mình nhưng không có ý định giao cấu với nạn nhân. Hành vi dâm ô được thể hiện đa dạng như: sờ mó, hôn hít bộ phận sinh dục của nạn nhân; dùng bộ phận sinh dục của mình chà xát với bộ phận sinh dục của nạn nhân hoặc bắt nạn nhân sờ mó, hôn hít bộ phận sinh dục của mình nhằm thoả mãn dục vọng, nhưng không có ý định giao cấu với nạn nhân.
Như vậy, chỉ khi nào có hành vi tác động, va chạm, sờ mó bộ phận sinh dục thì mới có dấu hiệu của hành vi dâm ô. Mà theo định nghĩa thì bộ phận sinh dục là bộ phận thực hiện chức năng sinh sản, do đó mông, đùi không phải là bộ phận sinh dục dù vẫn được coi là bộ phận nhạy cảm trên cơ thể.
Do hành vi của ông M. chưa cấu thành tội dâm ô nên chỉ có thể kỷ luật hành vi vi phạm đạo đức. Nếu đứng ở góc độ nạn nhân, sau khi bị sờ mông các em mắc cỡ, trầm cảm, bị bạn bè cười chê, chọc ghẹo... Các em đã bị xâm phạm danh dự, nhân phẩm. Tuy nhiên, xét theo góc độ pháp lý thì chưa hẳn kết tội được.
Không có văn bản nào hướng dẫn hành vi dâm ô cụ thể là những hành vi gì. Muốn xử hình sự thì nên chăng sửa luật hoặc có văn bản hướng dẫn những hành vi như của thầy M. nêu trên là dâm ô và vẫn xử lý hình sự tội dâm ô được. Tuy nhiên, thực tế do bị áp lực, sợ án oan sai nên cơ quan tố tụng rất e ngại.
Quốc hội từng đề nghị tòa tối cao hướng dẫn
Quốc hội, Thủ tướng, các bộ ngành đã từng nhiều lần đề nghị Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao hướng dẫn cụ thể về các hành vi được coi là hành vi dâm ô theo Điều 146 BLHS 2015. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có văn bản nào giải đáp được các thắc mắc này. Có lẽ TAND Tối cao e ngại nếu quy định hẹp thì có thể bỏ lọt tội phạm, mà quy định rộng quá thì dẫn đến quy định không chặt chẽ, dễ gây oan sai.
Theo tôi, TAND Tối cao, VKSND Tối cao, Bộ Công an, Bộ Tư pháp nên có văn bản liên ngành hướng dẫn chi tiết, liệt kê cụ thể hành vi dâm ô. Ví dụ quy định: người từ đủ 18 tuổi có hành vi dâm ô như sờ mông, sờ đùi… người 16 tuổi, có thể là nữ hoặc là nam, dù nạn nhân có đồng tình để người phạm tội thực hiện hành vi dâm ô hoặc tự nguyện thực hiện hành vi dâm ô với người phạm tội... thì vẫn bị xử lý tội dâm ô. Khi đó anh em mới dám mạnh dạn xử lý hình sự tệ trạng đang diễn ra phổ biến, ảnh hưởng đến tâm lý các em nhỏ.
Còn như luật quy định chung chung như hiện nay thì rất khó xử lý. Khi xã hội có những cái xấu thì pháp luật phải can thiệp để xã hội không bị kéo tụt lùi. Muốn hạn chế tệ trạng dâm ô với người dưới 16 tuổi, nhất là với trẻ em thì phải có cơ chế, quy định cụ thể để xử lý, còn không thì nó vẫn cứ tiếp diễn. Cùng lắm người sờ mông bị lên án, bị kỷ luật thôi. Vụ án này, ông M. thừa nhận có sờ mông, chứ nếu ông không thừa nhận cũng khó chứng minh, trừ khi có các chứng cứ khác.
Thực tiễn xét xử có những vụ sờ mó bộ phận sinh dục nhưng không có người làm chứng, nếu bị cáo thừa nhận, kết quả giám định cho thấy có để lại dấu vết thì toà an tâm xử. Còn nếu không có dấu vết thì dù bị cáo nhận tội, toà xử cũng rất run tay bởi nếu bị cáo chối, liệu căn cứ duy nhất vào lời khai của em bé thì có xử lý được không, có vững tin để kết tội không.
Giả thiết hai gia đình mâu thuẫn nhau, con của bà này chạy vào nhà ông kia chơi. Ông kia có nựng má, hôn trán cháu bé. Rồi bả tố cáo ông này sờ mó bộ phận sinh dục… Trường hợp này toà nào dám xử dâm ô? Pháp luật Việt Nam quy định không được căn cứ vào lời khai duy nhất để kết tội nên anh em rất ngại xử lý những trường hợp như vậy.
Khi vỗ mông còn được coi là chào hỏi thân mật thì...
Chúng ta thường đợi có hậu quả mới xử lý chứ không ngăn chặn từ trong trứng nước. Ở nước ngoài, nhậu xỉn lái xe đã phải đi tù, bởi do anh cố tình vi phạm nên thà xử lý anh để có thể cứu những người khác. Minh Béo chỉ nhắn tin vui vẻ đã phạm tội, vào tù rồi bị trục xuất.
Ở Việt Nam, vỗ mông chỉ coi là hành vi chào hỏi thân mật, thầy nhắn tin yêu trò, rủ giao cấu chỉ là hành vi không đúng mực; hoặc phải gây tai nạn thương tật 61% trở lên hoặc thiệt hại tài sản 100 triệu đồng trở lên mới xử lý hình sự..., nghĩa là chờ hậu quả xảy ra mới xử lý. Một khi người thầy muốn lợi dụng tâm lý các em nhỏ sợ, không dám tố cáo thì khó ngăn chặn tình trạng này tái diễn, nếu không sửa luật để xử nghiêm.
Hiện nay, khi pháp luật về vấn đề dâm ô vẫn còn chung chung như vậy thì muốn hạn chế tình trạng này chỉ có cách tuyên truyền, giáo dục đạo đức thầy cô giáo và các em học sinh thôi. Cần đưa giáo dục giới tính vào trong trường để giảng dạy một cách chính thức, bài bản càng sớm càng tốt, để các em hiểu hành vi nào là không được phép với thân thể của mình, để học sinh có kỹ năng phòng tránh, tự biết cách bảo vệ mình trước những hành vi sai trái của người xung quanh.