Những dự án dạy học đã tạo hiệu ứng lớn ở cuộc thi “Giáo viên sáng tạo trên nền tảng công nghệ thông tin” do Sở GD&ĐT TP.HCM vừa tổ chức.
Trải nghiệm để học và chia sẻ
Thay vì ngồi nghe giảng ở lớp, thầy trò Trường THCS Văn Lang (quận 1, TP.HCM) đã làm dự án “Chuyện đời quanh em” cho hơn 160 học sinh (HS) khối 8 và 9. Dự án do thầy Hoàng Long Trọng, giáo viên văn của trường triển khai từ tháng 9-2016 đến nay.
HS được chia thành chín nhóm, mỗi nhóm đi tìm một nhân vật vượt lên số phận do các em tự phát hiện hoặc giáo viên giới thiệu, chẳng hạn như cô giáo bị liệt tay phải Nguyễn Thị Hường, người cha nghèo nhưng đầy tình yêu con ở xóm ổ chuột... Từ đó, sản phẩm của các em sẽ là những đoạn phim, phóng sự ảnh hoặc nhật ký về nhân vật.
Theo thầy Trọng, những câu chuyện của các em đã khiến nhiều người không khỏi xúc động và giúp HS học được nhiều điều về kiến thức, về nghị lực, tình yêu thương.
Em Hồ Ngọc Gia Hân (lớp 9/3) cảm nhận mình trưởng thành lên rất nhiều trong cả suy nghĩ lẫn ý thức về cuộc sống khi tham gia dự án. “Gặp những hoàn cảnh đó em mới thấy mình thật may mắn và biết trân trọng những gì mình đang có. Chính họ đã tiếp nhiều sức mạnh cho em để em có thêm nghị lực vượt qua những khó khăn trong cuộc sống” - Gia Hân chia sẻ.
Tương tự, với mong muốn giúp dân nghèo có ánh sáng sạch, rẻ và sử dụng lâu dài, thầy trò Trường THPT Ernst Thalmann (quận 1, TP.HCM) đã thực hiện dự án “Ánh sáng hạnh phúc” do thầy Phạm Thư Tùng (dạy vật lý) và thầy Mai Xuân Long (dạy toán) triển khai từ đầu năm học này.
Dự án có 45 HS của bảy lớp từ khối 10 đến 12 tham gia. Sản phẩm là những chiếc đèn “ve chai” sử dụng năng lượng mặt trời do thầy trò tự tay mày mò chế tạo và lắp đặt giúp người dân nghèo ở xóm trọ dưới chân cầu Tám Nó (quận 8). Đến nay hàng chục chiếc bóng đèn đã đến được với người dân xóm nghèo.
Thầy trò Trường THPT Ernst Thalmann đang mày mò chế tạo những chiếc bóng đèn “ve chai” trong dự án “Ánh sáng hạnh phúc”. Ảnh: P.ANH
Em Phạm Ngọc Thảo Nguyên, lớp 10A3 cho hay nhờ tham gia dự án này mà em đã biết làm rất nhiều việc, học được nhiều kiến thức mà lâu nay em chỉ biết qua sách vở như tụ điện, điện thế, cường độ dòng điện... “Giờ tụi em còn rất thành thạo sử dụng máy cưa, hàn mạch điện, khoan. Và vui nhất là thấy sản phẩm của mình làm ra giúp được người khác.”
Dự án “Hẻm” do thầy Nguyễn Văn Tư và cô Nguyễn Thị Thúy Hằng (dạy địa lý của Trường THPT Lương Thế Vinh) triển khai từ tháng 11-2016. Học trò hai lớp 11A5 và 11A6 đã không quản ngại những buổi trưa nắng hay tối khuya để lặn lội đến từng con hẻm tìm hiểu ba chủ đề đặc trưng là mỹ quan đô thị, văn hóa ứng xử và ẩm thực hẻm. Từ đó, các em sẽ tạo ra sản phẩm cụ thể như phóng sự, phim tài liệu, trang web... về chủ đề mà mình chọn.
Thay đổi nhận thức cả thầy lẫn trò
Muốn đổi mới cách học thông thường ở lớp về một tiết học lịch sử địa phương, cô Huỳnh Quang Thục Uyên (THPT chuyên Lê Hồng Phong) mạnh dạn cho hai lớp 10D1 và 10D2 thực hiện dự án “Học sử qua tên các con đường”. “Mặc dù ban đầu thấy rất khó nhưng cái lớn nhất mà cả chúng tôi được là học cách vượt qua trở ngại, biết thế nào là làm việc nhóm. HS cũng học được nhiều kỹ năng như giao tiếp, quay phim, phỏng vấn...” - cô Uyên nói.
Dạy học theo dự án đòi hỏi cả thầy lẫn trò phải đầu tư lớn về thời gian, công sức, trí tuệ và đôi khi cả tài chính. Đây cũng là những khó khăn không nhỏ nhưng hiệu quả cũng rất lớn khi chính học trò được trải nghiệm để học hỏi, ứng dụng kiến thức.
Chia sẻ cảm xúc sau dự án “Ánh sáng hạnh phúc”, thầy Phạm Thư Tùng cho biết trong quá trình làm, thầy trò gặp rất nhiều khó khăn khiến đôi lúc muốn bỏ dự án. Chỉ riêng tài chính thầy đã tốn gần 20 triệu đồng, đây là số tiền lớn đối với thu nhập giáo viên. Thời gian cũng hạn chế nên thầy trò chỉ tranh thủ sau giờ học và những ngày nghỉ.
“Phải đến khi thấy đèn chiếu sáng và người dân hài lòng thì thầy trò mới thấy nhẹ nhõm. Vui nhất là thầy trò thực sự là những cộng sự để cùng học hỏi và hỗ trợ lẫn nhau” - thầy Tùng nói.
Đánh giá về dạy học dự án, ông Nguyễn Văn Thành, Hiệu trưởng Trường THPT Ernst Thalmann, cho rằng hoạt động này đã góp phần đưa kiến thức vào thực tế, kết nối giữa các môn học với nhau và nhất là tạo sự đoàn kết của HS giữa các khối lớp. Một dự án thành công là sự nỗ lực của cả tập thể và tiến bộ từng ngày của HS.
Các dự án năm nay có tiến bộ vượt bậc về sự sáng tạo và công phu, từ ý tưởng đến quy mô. Trong đó có nhiều dự án mang tính ứng dụng cao, giàu nhân văn và có sức lan tỏa đến xã hội. Chính những dự án đã thay đổi cả từ người dạy, người học lẫn cả cái nhìn của phụ huynh đối với giáo dục. Đó cũng là mục đích mà ngành giáo dục hướng tới khi thầy trò gắn kiến thức với thực tế, với nghiên cứu khoa học, tăng cường tính tích cực và tự học. Ông NGUYỄN HỒNG TUẤN, Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin và chương trình giáo dục của Sở GD&ĐT TP.HCM |