Đem ‘Ánh sáng hạnh phúc’ đến xóm nghèo

Sau gần ba tháng mày mò, những chiếc bóng đèn “ve chai” sử dụng năng lượng mặt trời của các em học sinh (HS) Trường THPT Ernst Thalmann, quận 1, TP.HCM đã được chế tạo thành công và đến với hơn 20 hộ dân ở xóm trọ nghèo dưới chân cầu Tám Nó, quận 8, TP.HCM.

Chiếu sáng xóm trọ nghèo

Những chiếc bóng đèn này được hình thành từ những chai nhựa pet và những vật dụng tôn cũ, pin mặt trời, đèn LED, nước javel do các em và các giáo viên hướng dẫn tìm kiếm hoặc bỏ tiền mua. Các thầy trò gọi vui đây là những bóng đèn “ve chai”. Ban ngày bóng tự tích điện vào ắcquy từ năng lượng mặt trời, ban đêm chúng tự phát sáng giúp người dân trong xóm có ánh sáng dùng cho sinh hoạt.

Nhờ dự án này, hơn 20 hộ dân và cả con hẻm dẫn qua xóm trọ nghèo dưới chân cầu Tám Nó được chiếu sáng, trẻ con và người lớn đều rất vui mừng. Cô Thanh, một hộ dân trong khu xóm trọ, cho biết gia đình cô rất vui khi được các em HS lắp tặng chiếc bóng đèn “ve chai” năng lượng mặt trời. Gia đình cô Thanh thêm ánh sáng để sinh hoạt, đứa con học lớp 3 cũng có đủ ánh sáng để học bài. Cô Thanh bày tỏ mong muốn các thầy và trò Trường THPT Ernst Thalmann tiếp tục lắp thêm nhiều chiếc bóng đèn nữa cho những hộ dân nghèo ở các xóm lân cận.

Các em học sinh đang mày mò chế tạo bóng đèn “ve chai”.

Điện không đủ thắp sáng

Ý tưởng ban đầu thực hiện dự án này là của thầy Phạm Thư Tùng, dạy môn vật lý. Dự án khi thực hiện có thêm thầy Mai Xuân Long, dạy toán, cùng 45 HS từ lớp 10 đến lớp 12 Trường THPT Ernst Thalmann.

Nói về ý tưởng này, thầy Tùng cho hay trong một lần tham gia hoạt động tình nguyện ở quận 8, thầy thấy xóm trọ dưới chân cầu Tám Nó đều là những hộ lao động nghèo, sống trong những phòng trọ lụp xụp, điều kiện thắp sáng còn thiếu thốn. Mỗi nhà ở đây chỉ xài một bóng đèn điện nhỏ để tiết kiệm vì giá một ký điện các hộ thuê nhà phải trả là 5.000 đồng. Tất nhiên một bóng đèn nhỏ thì làm sao đủ thắp sáng cho mọi sinh hoạt trong nhà. Từ đó thầy nảy ra ý tưởng phải làm điều gì đó giúp người dân nghèo có ánh sáng và có thể sử dụng lâu dài.

“Khi tôi đem ý tưởng này bàn với thầy Long cũng như HS ở các lớp tôi dạy thì được mọi người ủng hộ. Từ đó chúng tôi và gần 50 HS của sáu lớp từ lớp 10 đến lớp 12 bắt tay thực hiện dự án với tên gọi “Ánh sáng hạnh phúc”…” - thầy Tùng chia sẻ.

Theo thầy Tùng, mục đích của dự án còn giúp các em HS được trải nghiệm, vận dụng những kiến thức liên môn như toán, lý, hóa, sinh, văn, giáo dục công dân và tin học vào thực tế.

Lắp đặt đèn “ve chai” tại nhà dân.

Niềm vui của cư dân xóm trọ Tám Nó và những học sinh. Ảnh: Trường THPT Ernst Thalmann cung cấp

Thử nghiệm trong nhà kho

Để thực hiện dự án, các em được chia thành năm nhóm chuyên môn gồm thi công, mô hình, điện tử, design, truyền thông. Các em được hai thầy hướng dẫn, tập huấn các kỹ năng cần thiết. Các em phân công người đi tìm, mua vật liệu; người hàn điện, cắt khoan tôn, nối mạch điện... Khi có sản phẩm, các em thử nghiệm lắp bóng đèn đến khi thuần thục rồi mới chính thức thi công cho các hộ dân.

Em Nguyễn Phùng Nhân, lớp 11A2, nhóm trưởng nhóm thi công, cho biết để hoàn chỉnh sản phẩm nhóm phải mất một tháng. Các em tìm vật liệu và thay đổi vật liệu liên tục cho đến khi hài lòng về sản phẩm. Trước khi xuống nhà dân thi công, nhóm phải nhiều lần thi công thử tại nhà kho của trường và của một giáo viên trong trường để… chắc ăn.

Em Phạm Ngọc Thảo Nguyên, lớp 10A3, cho hay nhờ tham gia dự án này mà em sử dụng máy cưa thành thạo, biết trét silicon, hàn mạch điện, khoan, đo điện thế...

Giàu tính sáng tạo

Đây là dự án giàu tính sáng tạo. Các em đã tận dụng tối đa công nghệ thông tin, tự tay khoan cắt những vật dụng, tạo ra những con chip nhỏ, đúc kết thành sản phẩm hoàn chỉnh và khoa học. Dự án mang tính giáo dục cao, thiết thực và rất nhân văn khi mang ánh sáng đến cho cộng đồng. Đây còn là kinh nghiệm quý cho nhiều giáo viên học hỏi trong quá trình đổi mới phương pháp giảng dạy.

BÙI MINH TÂM, Hiệu trưởng Trường THPT Lương Thế Vinh, quận 1, TP.HCM

________________________________

Đèn “ve chai” gồm một chai nhựa đầy nước và miếng tôn gắn ngang thân chai để khuếch tán ánh sáng. Bên trong chai được lắp đèn LED, bộ nạp ắcquy. Trên miếng tôn được lắp pin mặt trời. Khi có ánh sáng mặt trời, điện sẽ tự nạp vào ắcquy nhờ pin mặt trời, tối đến đèn sẽ phát sáng.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm