Theo trang web Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế (IISS) - nhà tổ chức Đối thoại Shangri-La, hai vấn đề an ninh nổi bật được bàn trong Đối thoại Shangri-La lần này là sự lãnh đạo của Mỹ cùng các thách thức an ninh Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, giảm căng thẳng Triều Tiên.
Ngày 30-5, Mỹ chính thức đổi tên Bộ chỉ huy Thái Bình Dương thành Bộ chỉ huy Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương trong bối cảnh Trung Quốc mở rộng hoạt động quân sự không chỉ ở Thái Bình Dương mà sang cả Ấn Độ Dương.
Việc “Ấn Độ Dương” được đặt phía trước “Thái Bình Dương” cũng như việc Thủ tướng Ấn Độ Modi là người có bài phát biểu trọng tâm đêm khai mạc không ngẫu nhiên. Trong bài viết trên The Strait Times, TS Lynn Kuok tại IISS nhận định Đối thoại Shangri-La lần này là cơ hội để khôi phục Đối thoại an ninh bốn bên của nhóm tứ tấu Ấn Độ, Úc, Nhật và Mỹ. Nhóm tứ tấu này do Thủ tướng Nhật Shinzo Abe nghĩ ra năm 2007 nhưng tan rã năm 2008 sau khi Úc rút ra vì Trung Quốc phản đối đây là hành động không thân thiện.
Thủ tướng Ấn Độ Narenda Modi có bài phát biểu tại Shangri-La. Ảnh: TWITTER
Bước đi của Mỹ diễn ra trong bối cảnh căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc ở biển Đông gần đây tăng mạnh quanh chuyện Trung Quốc quân sự hóa biển Đông. Mỹ xác định vài tháng trước Trung Quốc triển khai các hệ thống tên lửa chống tàu, tên lửa đất đối không, đài nhiễu âm ra quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam). Trung Quốc gần đây lần đầu tiên triển khai một máy bay ném bom H-6K ra đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam).
Theo Reuters, các chuyên gia đang chờ Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis nói cụ thể điều này. Trong khi đó theo South Morning China Post, Trung Quốc đã chọn lựa rất kỹ thành viên phái đoàn sang dự Đối thoại Shangri-La, chuẩn bị đối phó khả năng Mỹ nêu chuyện Trung Quốc quân sự hóa biển Đông ra.
Triều Tiên cũng sẽ là một chủ đề được quan tâm chính tại Đối thoại Shangri-La. Thượng đỉnh Mỹ-Triều dự kiến sẽ được ông Mattis đề cập đến khi phát biểu hôm nay, 2-6.
Ngày 31-5 (giờ Mỹ), Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho biết cuộc gặp giữa ông và Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương đảng Lao động Triều Tiên Kim Yong-chol tại New York kết thúc tốt đẹp, hai bên đã có cuộc nói chuyện thực chất về các ưu tiên trong thượng đỉnh Mỹ-Triều. Ông Kim ngày 1-6 (giờ Mỹ) đến Nhà Trắng chuyển lá thư của lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đến Tổng thống Mỹ Donald Trump. Trước đó cùng ngày, ông Trump nói có thể không chỉ một lần mà sẽ phải cần đến thượng đỉnh lần hai, lần ba mới đạt được thỏa thuận giải trừ hạt nhân Triều Tiên.
Dù các diễn biến ngoại giao đều lạc quan nhưng ông Trump tới lúc này vẫn chưa chính thức nói sẽ đến Singapore tham gia thượng đỉnh vào ngày 12-6. Phát ngôn của lãnh đạo Kim trong cuộc gặp Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov ngày 31-5 càng làm phức tạp thêm kế hoạch thượng đỉnh khi vẫn phàn nàn Mỹ bành trướng ảnh hưởng ở khu vực.