Thể thao Người khuyết tật Việt Nam tranh huy chương Paralympic Paris 2024

(PLO)- 11 ngày thi đấu thể thao ngoạn mục sẽ diễn ra tại Thế vận hội dành cho người khuyết tật Paralympic Paris 2024 với 4.500 vận động viên tranh tài ở 22 môn thể thao, trong đó đoàn Việt Nam có 7 tuyển thủ tham gia thi đấu các môn bơi, cử tạ và điền kinh.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Màn rước đuốc Paralympic Paris 2024 đã diễn ra với ngọn đuốc bắt đầu hành trình qua 12 thành phố đăng cai dọc theo biên giới từ Anh đến Pháp qua đường hầm eo biển Manche nhân lên thành 12 ngọn lửa tỏa sáng lung linh. Sự xuất hiện của ngọn đuốc đã thổi bùng lại cơn sốt chung của người yêu thể thao khi chỉ còn một ngày nữa là đến Lễ khai mạc Paralympic Paris 2024.

Giá trị nhân văn của Paralympic Paris 2024

Chương trình Thế vận hội dành cho người khuyết tật bao gồm 22 môn thể thao và 23 nội dung thi đấu với 549 sự kiện diễn ra sôi nổi từ ngày 28-8 đến ngày 8-9. Paralympic Paris 2024 tổ chức chính tại Paris và các vùng ngoại ô như Clichy-sous-Bois, La Courneuve, Versailles, Saint-Quentin-en-Yvelines và Vaires-sur-Marne.

Bên cạnh thúc đẩy sự cạnh tranh cho các vận động viên khuyết tật, Paralympic còn là cơ hội để các thành phố chủ nhà cải thiện khả năng tiếp cận cho cư dân và du khách khuyết tật. Trong 7 năm dẫn đến Paralympic Mùa hè Bắc Kinh 2008, chính phủ Trung Quốc đã đầu tư hơn 150 triệu USD vào cơ sở hạ tầng, cải tạo 14.000 cơ sở và 60 điểm du lịch nổi tiếng.

Paralympic Paris 2024
Lễ rước đuốc trong đường hầm eo biển Manche. Ảnh: GETTY.

Tương tự, London đã tăng cường thang máy và lối đi không có bậc thang vào hệ thống giao thông công cộng ngầm của mình. Gần đây nhất, Paris đã đầu tư hơn 1,5 tỷ euro vào cải thiện giáo dục, việc làm và khả năng tiếp cận cho người khuyết tật. Paralympic tôn vinh những thành tích thể thao đáng nể của một nhóm người từng bị kỳ thị trong lịch sử, truyền cảm hứng cho khán giả trên toàn cầu.

Quy mô và sự đa dạng của Paralympic đã tăng lên đáng kể qua từng năm. Năm 1960 đã chào đón 400 vận động viên từ 23 quốc gia tham gia 8 môn thể thao. Hơn 50 năm sau, tại Thế vận hội Paralympic Mùa hè 2012 ở London, hơn 4.200 vận động viên đại diện cho 164 quốc gia đã tham gia 20 môn thể thao. Paralympic Paris 2024 là cuộc chơi lớn nhất và đa dạng nhất từ ​​trước đến nay với sự góp mặt của nhiều vận động viên khuyết tật vĩ đại nhất của thế hệ này.

Thể thao người khuyết tật Việt Nam đã nhập làng Paralympic Paris 2024

Phó Cục trưởng Cục TDTT - Trưởng đoàn Thể thao người khuyết tật Việt Nam tại Paralympic Paris 2024 Nguyễn Hồng Minh cho biết, đoàn Thể thao người khuyết tật Việt Nam đã gia nhập Làng vận động viên và đã ổn định nơi ăn, chốn ở.

the-thao-nguoi-khuyet-tat-viet-nam-tranh-huy-chuong-paralympic-paris-2024 (1).jpg
Đoàn Thể thao người khuyết tật Việt Nam tranh tài ở Paralympic Paris 2024. Ảnh: CCT.

Tại đây, đoàn thể thao người khuyết tật Việt Nam được sắp xếp ở trong 4 căn phòng của toà nhà D5. Ông Nguyễn Hồng Minh cho biết, vị trí ban tổ chức bố trí cho đoàn Thể thao người khuyết tật Việt Nam rất thuận tiện, gần nhà ăn.

Nhà ăn tại Làng vận động viên rất rộng rãi, thức ăn đa dạng, đủ các châu lục và thức ăn cho người theo Hồi giáo. "Nhà ăn phục vụ 24-24, các vận động viên Việt Nam cảm thấy ngon miệng trong những bữa đầu ăn ở đây", Trưởng đoàn Nguyễn Hồng Minh cho biết.

Đoàn Thể thao người khuyết tật Việt Nam tham dự Paralympic Paris 2024 với 14 thành viên, trong đó có 4 cán bộ đoàn, 3 HLV và 7 VĐV. Các tuyển thủ gồm: Lê Văn Công, Nguyễn Bình An, Đặng Thị Linh Phượng, Châu Hoàng Tuyết Loan (cử tạ), Đỗ Thanh Hải, Lê Tiến Đạt (bơi) và Phạm Nguyễn Khánh Minh (điền kinh).

the-thao-nguoi-khuyet-tat-viet-nam-tranh-huy-chuong-paralympic-paris-2024 (3).jpg
Đô cử Lê Văn Công là niềm hy vọng huy chương cho Thể thao người khuyết tật Việt Nam. Ảnh: CCT.

Mục tiêu của đoàn Thể thao người khuyết tật Việt Nam ở cuộc chơi lớn Paralympic Paris 2024 là giành huy chương, trong đó kỳ vọng lớn nhất ở môn cử tạ, đặc biệt là đô cử Lê Văn Công.

Thể thao người khuyết tật Việt Nam lần đầu tiên tham dự Paralympic tại Sydney 2000, với 2 VĐV và không giành được huy chương nào. Ở ba kỳ Paralympic sau đó tại Hy Lạp, Bắc Kinh, và London, số lượng các VĐV đã tăng dần (4, 9, và 11).

Đến Thế vận hội Paralympic Rio (2016), đoàn thể thao người khuyết tật Việt Nam gây ấn tượng mạnh khi giành được 1 HCV, 1 HCB, và 2 HCĐ. Đến kỳ Olympic Tokyo 2020, đoàn Thể thao người khuyết tật Việt Nam giành 1 tấm HCB của đô cử Lê Văn Công ở hạng cân 49 kg.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm