Hiện tượng thoái hóa khớp
Khớp động là khớp được cấu tạo với hai đầu xương bao bọc bởi phần sụn khớp mà trong thành phần bao gồm tế bào sụn khớp, glucosamin, collagen type 2. Tế bào sụn khớp không được sản sinh thêm trong suốt cuộc sống của con người. Kết quả là thành phần sụn khớp bị mòn theo thời gian, không được tái tạo nếu tế bào sụn khớp bị chết đi, dẫn đến hiện tượng thoái hóa khớp.
Gân có thành phần cơ bản là collagen dày đặc, giúp chuyển lực từ cơ vào xương để giúp cử động khớp. Khi chúng ta lớn tuổi, các gân và đặc biệt là vùng gân bám vào xương dễ bị thoái hóa và đứt khi hoạt động quá mức. Như vậy nguyên nhân của thoái hóa khớp và gân là tình trạng sử dụng quá mức, tình trạng chấn thương lặp đi lặp lại nhiều lần do đứt dây chằng hay do đặc trưng của môn thể thao đang chơi. Một số nghiên cứu cho thấy yếu tố gen cũng đóng góp vào nguyên nhân gây thoái hóa khớp sớm.
Thể thao gây thoái hóa khớp thế nào?
"Mỗi ngày chơi thể thao 30-60 phút là đủ. Nếu có dấu hiệu đau, cần đi khám sớm để biết nguyên nhân và phòng ngừa các biến chứng do chơi quá mức" |
Mỗi môn thể thao có đặc trưng là sẽ sử dụng một số khớp đặc nhiều hơn các khớp khác. Ví dụ, ở các vận động viên chạy marathon ngay khi kết thúc cuộc chạy, áp lực trong sụn khớp tăng rất cao. Đây là yếu tố thúc đẩy quá trình hư hại và mòn sụn khớp tăng nhanh. Hoặc các môn chơi có đối kháng trực tiếp như bóng đá, hay có yếu tố tiềm ẩn nguy cơ gây đứt dây chằng như trượt tuyết sẽ làm sụn khớp mau hư hơn vì chấn thương đứt dây chằng và giập sụn khớp mà không được điều trị đúng. Các môn sử dụng tay quá đầu thường xuyên lặp đi lặp lại như tennis, cầu lông, bơi lội sẽ làm tăng áp lực lên nhóm gân chóp xoay vai, khiến gân này thoái hóa dễ bị viêm và đứt.
Như vậy có mâu thuẫn không khi chính các bác sĩ lại khuyên bệnh nhân và người bình thường nên chơi thể thao để giữ vững sức khỏe, tăng cường sức đề kháng của cơ thể chống lại bệnh tật? Thật ra không có gì mâu thuẫn. Chơi thể thao giúp tăng cường sức khỏe, sức đề kháng của cơ thể là điều đã được chứng minh và không cần bàn cãi. Tuy nhiên, chính cách thức chơi và cách chọn môn chơi đã “giúp” người ta mau thoái hóa khớp hơn. Chúng ta hãy thử phân tích điều này. Khi còn trẻ thông thường người ta phải lao vào học tập, làm việc nhằm tạo được chỗ đứng trong xã hội. Việc này không may rất đúng trong cuộc sống hiện nay của chúng ta khi các cô cậu học trò suốt ngày phải học, trường học cũng không có đủ sân chơi và điều kiện để các bạn học sinh, sinh viên chơi thể thao.
Đến khi thành đạt, lúc này chúng ta đã ở tuổi trung niên. Các vấn đề sức khỏe bắt đầu bộc lộ, chúng ta mới bắt đầu chơi thể thao. Chúng ta chọn một môn chơi nào đó mình ưa thích hay sếp của mình ưa thích để thực hiện cả hai nhiệm vụ: vừa lòng sức khỏe mình và vừa lòng sếp. Bác sĩ khuyên mỗi ngày nên chơi đều đặn ít nhất khoảng 30 phút là tốt cho sức khỏe. Chúng ta lý luận như vậy chơi luôn hai giờ thì khỏe gấp bốn. Hậu quả là các khớp và gân không có thời gian để thích nghi, chúng bị quá tải mỗi ngày. Cơ thể lên tiếng bằng các cơn đau nhưng ý nghĩ chơi để khỏe hơn làm nhiều người bỏ qua lời kêu cứu này.
Người cẩn thận đi tham khảo ý kiến bác sĩ được khuyên sử dụng những môn thể thao khác thích hợp hơn, nhưng lòng “đam mê” môn thể thao đang chơi khiến chúng ta không bỏ được và sử dụng thuốc như một phương án để duy trì thú vui hiện tại. Kết quả cuối cùng khi bác sĩ “phán” khớp bị thoái hóa nặng, lúc này đã trễ. Người ta đã có thể nghe được tiếng lách cách của dao kéo trong việc điều trị thoái hóa khớp. Điều tương tự cũng xảy ra đối với gân.
Muốn chơi thể thao để... khỏe
Làm thế nào để chơi thể thao vừa khỏe mà tránh thoái hóa khớp hay gân? Gợi ý là phụ huynh nên cho trẻ chơi thể thao sớm, liên tục và đều đặn ngay khi còn nhỏ. Không cần quá nhiều. Mỗi ngày chơi thể thao 30-60 phút là đủ. Nếu có dấu hiệu đau, cần đi khám sớm để biết nguyên nhân và phòng ngừa các biến chứng do chơi quá mức. Khi chúng ta có tuổi, việc chọn môn chơi sẽ phức tạp hơn vì phụ thuộc vào tình trạng khớp hay gân nào đã có nguy cơ bị thoái hóa.
Khớp gối với các triệu chứng sớm của thoái hóa như đau trong lúc vận động mạnh sẽ không thích hợp với các môn chơi chạy nhảy nhiều như đá banh, cầu lông, quần vợt, bóng chuyền... Nếu khớp vai bị đau, các môn chơi sử dụng tay quá đầu nhiều như quần vợt, cầu lông, bơi lội, bóng bàn... sẽ không thích hợp.
Việc tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi chọn một môn chơi thích hợp, cường độ chơi, thời gian chơi... giúp chúng ta tránh bị thoái hóa khớp, gân cơ. Khi bị chấn thương, người bệnh cần đi bác sĩ khám để đánh giá mức độ tổn thương, điều trị tận gốc chấn thương, và nếu cần phải chọn môn chơi khác nếu chấn thương không cho phép chơi tiếp môn cũ.
Theo TS.BS TĂNG HÀ NAM ANH (TTO)