Hồi cuối tháng 3, Công ty VPF lấy phiếu thăm dò lẫn tổ chức họp trực tuyến xin ý kiến các CLB về việc V-League trở lại nhưng đã thất bại vì dịch COVID-19 chưa có dấu hiệu lắng xuống và nhiều đội không tán thành phương án chơi cách ly tập trung không có khán giả. Tuy nhiên, trong cuộc họp đã nảy sinh một số ý kiến khi giải tiếp diễn có thể chỉ đá một lượt thay vì hai lượt như cũ hoặc V-League không có đội xuống hạng giúp các đội tiết kiệm chi phí thuê ngoại binh…
Cái lợi cho giảm thiểu về kinh phí có thể sẽ nảy sinh cái hại lớn hơn là những giải đấu không xuống hạng sẽ triệt tiêu động lực của các đội và các cầu thủ.
Cần biết VPF mới chỉ tạo ra hai cuộc thảo luận góp ý kiến cho các đội V-League bởi lo ngại thiệt hại nhiều thứ, chủ yếu là nguồn thu từ tài trợ, quảng cáo và phí dự giải hao hụt đi. Riêng với các đội hạng Nhất hay giải Cúp Quốc gia thuộc quyền tổ chức của mình, chưa thấy VPF đả động. Dù không thể quyết điều gì, VPF vẫn chuyển những quan điểm đã tham khảo từ các đội V-League lên xin ý kiến VFF.
V-League nếu không xuống hạng thì nhiều đội, nhiều cầu thủ sẽ đá chơi bởi không có động lực. Ảnh: TRÂM ANH
Nửa tháng sau, Chủ tịch VFF Lê Khánh Hải có quyết định quy hoạch các giải đấu, bắt đầu từ mùa sau nhưng ai cũng hiểu sẽ áp dụng ngay từ mùa bóng này. VFF cho biết dựa trên cơ sở đồng thuận cao từ các CLB và sự thông qua của ban chấp hành nhằm tạo điều kiện cho các địa phương phát triển phong trào, VFF điều chỉnh số lượng đội tham dự giải V-League, hạng Nhất và hạng Nhì, mỗi giải có 14 đội.
Theo đó, VFF thông báo mùa giải 2020, đội xếp thứ 12 tại giải hạng Nhất sẽ xuống thi đấu tại giải hạng Nhì vào năm 2021; giải bóng đá hạng Nhì có ba đội lên thi đấu tại giải bóng đá hạng Nhất vào năm 2021. VFF nói thêm về việc tăng số đội giải hạng Nhất và điều chỉnh số lượng đội bóng ở giải hạng Nhì sẽ góp phần nâng cao tính cạnh tranh, tăng chất lượng các giải đấu, đúng với lộ trình trong việc quy hoạch.
Hiện tại, V-League có 14 đội, hạng Nhất 12 đội và hạng Nhì 13 đội. VFF đang gặp khó ở chỗ quyết định từ mùa sau mỗi giải đấu cùng có 14 đội và nếu vẫn giữ nguyên 1,5 suất lên V-League mà giải chỉ diễn ra có một lượt, liệu có ổn? Việc không có đội V-League rớt hạng có thể làm vui lòng một số ít CLB yếu từng đề xuất với VPF nhưng ngược lại, nó đánh mất đi động lực của các đội cả ở V-League lẫn hạng Nhất. Hai giải quan trọng trong việc tạo mặt bằng đội tuyển và đội trẻ quốc gia.
VFF chưa có chỉ đạo cho VPF khi các giải vô địch quốc gia thi đấu trở lại sẽ chơi theo phương thức nào, V-League có rớt hạng, giải hạng Nhất có lên hạng hay không. Việc này VFF cần phải ngồi lại với CLB thương thảo thật kỹ lưỡng để tránh đi những tranh cãi không đáng có và nhất là tránh lợi bất cập hại.
Số lượng và chất lượng của giải đấu VFF muốn tăng số lượng các đội đá giải hạng Nhất và hạng Nhì trên lý thuyết sẽ giúp cho bóng đá Việt Nam tránh đi kiểu xây dựng tháp ngược với cách tạo chân đế vững chắc từ hạng dưới, làm nền tảng cho sự kế thừa ở V-League. Nó cũng tạo cho sự phát triển phong trào ở các địa phương cùng nguồn nhân lực tiềm năng có thể sàng lọc nhân tài lên đội tuyển quốc gia. Tuy nhiên, nhìn vào thực tế bóng đá Việt Nam những năm qua, dễ thấy sự chênh lệch rất lớn giữa các giải đấu, từ kinh phí ổn định duy trì đội bóng, mô hình tổ chức cho đến chất lượng về chuyên môn. Bên cạnh niềm hy vọng tính cạnh tranh của giải đấu tăng lên nhờ có nhiều đội, mặt trái của nó còn là những nguy cơ khó lường khi có một số CLB không muốn lên hạng vì chất lượng chưa cao và không đủ tiền. Đã từng có vài đội bóng có suất thăng hạng nhưng do chưa sẵn sàng về nhiều mặt đã chấp nhận chịu phạt khiến cho các giải đấu giảm đi ý nghĩa và tôn chỉ mục đích. Hoặc nếu họ chỉ tham dự miễn cưỡng vì chưa hội tụ đầy đủ điều kiện trong sự xuê xoa của các nhà làm giải, người trong cuộc sẽ không cảm thấy hạnh phúc. |