Nếu Việt Nam chỉ có Đặng Văn Lâm đang chơi cho Thai-League thì các đội tuyển Philippines, Malaysia, Myanmar… sẽ thiệt quân nhiều hơn. Trong số này riêng Philippines có đến 16 cầu thủ đang chơi ở Thai-League. Nhưng tất nhiên đội bóng bị thiệt quân nhiều nhất vẫn là Thái Lan.
Báo chí Đông Nam Á và giới bóng đá đang lo lắng điều này thành hiện thực theo hai hướng.
Nếu Thái Lan vì bước đi của riêng mình mà áp dụng cứng nhắc giải đấu đấy cùng với quy định CLB không trả cầu thủ về cho đội tuyển (do AFF Cup không phải giải đấu trong hệ thống của FIFA) thì họ quá ích kỷ, nếu không muốn nói là phá hoại giải đấu lớn nhất Đông Nam Á. Giải mà Thái Lan có bề dày thành tích cao nhất lẫn mang đến nhiều niềm vui cho người hâm mộ Thái Lan nhất.
Ngược lại, nếu Thái Lan vẫn đi theo mô hình của bóng đá châu Âu để phát triển theo cách họ tính toán nhưng vẫn tôn trọng AFF Cup thì bóng đá Thái sẽ có rất nhiều. Sự tôn trọng AFF Cup ở đây là quãng dừng hợp lý cho các tuyển thủ được trở về khoác áo đội tuyển thì Thái Lan sẽ được các quốc gia nể trọng lẫn có điểm với AFF mà Thái Lan là LĐ thành viên.
Có ý kiến đưa ra rằng những nhà điều hành bóng đá Thái Lan muốn hủy hoại chất lượng AFF Cup nên bày ra lịch đấu của riêng họ đồng thời làm giảm chất lượng sân chơi Đông Nam Á. Tuy nhiên, họ buộc phải đưa ra quyết định sau khi đã “cân, đong, đo, đếm” và tính lại lộ trình giải như giải châu Âu để giảm thiệt hại mà Thai-League không muốn thất thu những khoản lớn như bản quyền truyền hình hay hợp đồng đã ký kết với nhà tài trợ.
Hy vọng những nhà điều hành Thai-League và LĐBĐ Thái Lan sẽ tìm ra giải pháp thay vì cứ ích kỷ lo cho giải đấu của mình mà làm AFF Cup mất giá.
Đấy chính là lỗ hổng của giải đấu hàng đầu Đông Nam Á dành cho các đội tuyển quốc gia và một lần nữa cho thấy tên gọi “ao làng” là đúng. Nhưng đấy lại là đề tài mà chúng tôi sẽ có dịp đề cập trong phạm vi khác.