Thầy Hàn mới, ‘gồng’ V-League và đội tuyển cũ

Ngày 11-10 đánh dấu một sự kiện mới của bóng đá Việt Nam khi lần đầu tiên VFF chọn thầy Hàn Quốc, sau chín đời thầy ngoại với đủ thứ trường phái khác nhau.

Chia sẻ với báo giới trong buổi lễ giới thiệu với đôi mắt hấp háy tinh nghịch, ông Park nói rõ quan điểm huấn luyện cầu thủ luôn đạt một trạng thái thể lực và tinh thần tốt nhất. HLV người Hàn muốn học trò ra sân phải kiểm soát bóng thật nhiều và chơi bằng các bài phối hợp ngắn, nhanh và chuẩn xác.

Triết lý bóng đá của HLV Park Hang-seo chẳng có điều gì gây băn khoăn cho giới chuyên môn cả. Bởi rõ ràng ai cũng thấy và biết cầu thủ Việt Nam cách đây gần 10 năm đã chơi bóng nhỏ, nhuyễn theo kiểu… Calisto từng vô địch AFF Cup 2008.

HLV Park Hang-seo với mục tiêu đổi chất bóng đá Việt. Ảnh: CTV

Những đời thầy nội lẫn ngoại của làng bóng sau này đều đi theo con đường ấy, được các nhà quản lý VFF cho là phù hợp với thể trạng của cầu thủ. Thậm chí các HLV Phan Thanh Hùng, Hoàng Văn Phúc hay mới nhất là Hữu Thắng đã chọn cách chơi giống hệt cái kiểu của tân HLV Park Hang-seo vừa nói. Ngay cả ông thầy tạm quyền Mai Đức Chung có hai trận thắng Campuchia cũng mặc định cho cầu thủ phải đá phối hợp nhóm nhỏ, chính xác là hợp lý nhất.

Dĩ nhiên, trong nhiều tình huống và thời điểm khác nhau, biết đâu tân HLV người Hàn Quốc sẽ bày ra những chiêu trò khác giúp cầu thủ sáng tạo, chơi bóng hay hơn.

Thế nhưng sự thành bại của một triều đại HLV mới không phải dựa vào tuyên bố và những lời hứa. Bóng đá Việt Nam hiện tại qua bộ mặt V-League có gì mới, hay đang đi trên lối mòn cũ?

Cứ nhìn vào kết luận các bài học của VFF sau thất bại ở SEA Games 29 thì rõ: Tiền đạo Việt Nam thiếu sắc bén, cầu thủ thiếu kinh nghiệm thi đấu; các CLB trong giải V-League đa số sử dụng tiền đạo ngoại; thể hình cầu thủ Việt Nam đa số nhỏ, thiếu sức mạnh, kỹ thuật cơ bản cần phải cải thiện nhiều (vai trò đào tạo ban đầu tại CLB),…

Bóng đá Việt Nam vừa có thầy Hàn mới, chỉ còn ngại nền tảng V-League cũ thì không thể có đội tuyển mới với những bài học kinh nghiệm rất cũ.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm