Thêm bằng chứng về mộ liệt sĩ ở Tân Sơn Nhất

Thượng tá Nguyễn Hữu Lâm, Trưởng phòng Chính sách Quân khu 7, xác nhận 10 giờ sáng 10-7, lực lượng quy tập, tìm kiếm mộ liệt sĩ của TP.HCM đã phát hiện nhiều di vật tại khu vực đã khoanh vùng, đánh dấu mộ tập thể tại sân bay Tân Sơn Nhất. 

Khu mộ tập thể này được các nhân chứng cung cấp thông tin cho là nơi an táng khoảng 600 liệt sĩ đã hy sinh khi tấn công chiếm sân bay Tân Sơn Nhất hồi Tết Mậu Thân năm 1968. 

Thượng tá Lâm cho biết các di vật được phát hiện gồm nắp dây nịt, ví da, ảnh và một số nhẫn nghi là vàng. Đặc biệt, cũng tại vị trí phát hiện các di vật, đất có màu đen và mịn khác với đất bình thường. Các di vật này sẽ được bảo quản chặt chẽ và mẫu đất sẽ được đem đi phân tích để xem đó có phải là hài cốt các liệt sĩ hy sinh năm 1968 tại sân bay Tân Sơn Nhất hay không.

Theo Thượng tá Lâm, ngay trong chiều 10-7, Đội quy tập K70 thuộc Cục Chính trị Quân khu 7 trực tiếp có mặt tại hiện trường để tiến hành tìm kiếm kỹ càng hơn tại vị trí đã phát hiện các di vật nói trên. 

Lực lượng công binh tham gia khảo sát khu vực mộ tập thể của các liệt sĩ tại sân bay Tân Sơn Nhất ngày 6-7. Ảnh: PĐ

Cùng ngày, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Huỳnh Thanh Khiết, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP.HCM, cho biết những di vật lực lượng quy tập vừa phát hiện đã được bảo quản cẩn thận để tiếp tục phân tích, thẩm định kỹ lưỡng, khoa học để có kết luận chính xác. 

Ông Khiết cũng cho hay các di vật vừa phát hiện đã củng cố thêm niềm tin, cộng với các tài liệu do các nhân chứng cung cấp để tiếp tục khai quật mộ tập thể này một cách tỉ mỉ, công phu với tâm nguyện tìm được hài cốt các chú, các bác. Theo đó, sáng nay (11-7), lực lượng quy tập mộ liệt sĩ chuyên nghiệp thuộc Ban quản trang TP sẽ được bổ sung tham gia tìm kiếm tập trung, khẩn trương và không bỏ sót những chi tiết nghi ngờ đó là di vật, hài cốt các liệt sĩ.

“Hiện các lực lượng tìm kiếm, quy tập mộ liệt sĩ đã được huy động tham gia tìm kiếm mộ tập thể khu vực phía Tây sân bay Tân Sơn Nhất. Với tinh thần quyết tâm, tập trung lực lượng tìm kiếm, quy tập chuyên nghiệp những mong sớm tìm được hài cốt để đưa các anh, các chú, các bác về Nghĩa trang liệt sĩ TP trước kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh, liệt sĩ 27-7-1947 – 27-7-2017” - ông Khiết chia sẻ.

Rà soát danh sách liệt sĩ tham gia trận đánh

Trước đó, Thượng tá Nguyễn Hữu Lâm cho biết cùng với việc tìm kiếm, quy tập tại vị trí nghi có mộ liệt sĩ trong sân bay Tân Sơn Nhất, các cơ quan, đơn vị liên quan sẽ tiến hành xác minh, rà soát danh sách các liệt sĩ, phiên hiệu các đơn vị tham gia đánh vào sân bay Tân Sơn Nhất năm 1968.

Hiện các tài liệu lưu giữ cuộc tấn công vào sân bay gồm các tiểu đoàn 16, 267 và 269 từ Long An, biệt động thành, đặc công... Theo Thượng tá Lâm, các nhân chứng cho rằng vì đây là nhiệm vụ bí mật và đảm bảo bí mật nên cấp trên giao cho đơn vị nào thì đơn vị đó biết chứ không lộ thông tin ra bên ngoài. Thậm chí có đơn vị hy sinh gần hết nên manh mối thông tin có sự hạn chế.

Trong khi đó, theo ông Nguyễn Xuân Thắng, người đã dày công thu thập và giải mật các tài liệu từ phía Mỹ tại thời điểm đó, có bảy đơn vị của ta (Sư đoàn 5, Tiểu đoàn 10 đặc công, Tiểu đoàn 2 và Tiểu đoàn 6 địa phương, Tiểu đoàn 267, Tiểu đoàn 269 và Tiểu đoàn 16 quân chủ lực...) tham gia tấn công sân bay Tân Sơn Nhất với khoảng 2.400 cán bộ, sĩ quan, chiến sĩ. Ngoài mộ tập thể hơn 100 hài cốt đã được quy tập, vẫn còn 600-700 liệt sĩ đang nằm lại ở hố chôn thứ hai.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Bị can Lê Viết Chữ

Nguyên Bí thư tỉnh ủy Quảng Ngãi Lê Viết Chữ bị bắt

(PLO)- Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an xác định: Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, nguyên Bí thư tỉnh ủy Quảng Ngãi Lê Viết Chữ đã nhận tiền của Nguyễn Văn Hậu để tạo điều kiện giúp Công ty Cổ phần Tập đoàn Phúc Sơn trúng thầu.