Thêm cổ phiếu ngân hàng có hâm nóng được sàn?

Sau làn sóng doanh nghiệp bất động sản nô nức lên sàn, giờ đến lượt nhiều ngân hàng cũng rục rịch tính chuyện niêm yết. Nhiều nhà đầu tư đang đặt kỳ vọng vào thị trường...

Cổ phiếu “vui”?

Từ đầu năm đến nay, hàng loạt ngân hàng như Ngân hàng TMCP Quân đội (MB), Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB), Ngân hàng TMCP Nam Việt (Navibank) và Ngân hàng TMCP Liên Việt (LienVietBank) đánh tiếng sẽ niêm yết cổ phiếu. Tuy nhiên, thông tin chính thức về việc này thì cũng chỉ dừng lại trong nội bộ hoặc trong khuôn khổ một đại hội cổ đông.

Do vậy, mới đây Ngân hàng TMCP Eximbank chính thức được Sở giao dịch chứng khoán TP.HCM chấp thuận cho niêm yết cổ phiếu ít nhiều đã hâm nóng lại thị trường và thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư.

Bình luận về việc nhiều ngân hàng chào sàn, bà Hồng Vân, nhà đầu tư ở sàn chứng khoán Beta (quận 4, TP.HCM), cho biết: “Cổ phiếu của ngân hàng chào sàn là tất yếu vì xét về thực lực thì hoạt động của các ngân hàng hiện nay khá minh bạch”. Cùng chia sẻ với nhận định này, ông Tiến Ba, nhà đầu tư ở sàn SSI (quận 1), cho rằng khi cổ phiếu ngân hàng lên sàn sẽ giúp thị trường phong phú. Vì hiện nay dù có giao dịch ở chợ OTC hay lên sàn chính thì cổ phiếu ngành ngân hàng vẫn luôn được đánh giá là cổ phiếu “vua”.

Không làm loãng thị trường

Một lo ngại là khi nhiều cổ phiếu ngân hàng chào sàn có khiến thị trường chứng khoán điều chỉnh không.

Phân tích về việc này, ông Nguyễn Ngọc Trường Chinh, Phó Tổng Giám đốc Công ty Chứng khoán Sen Vàng, khẳng định: “Chuyện đó không đáng ngại. Từ đây đến cuối năm, thị trường có tốt thì chỉ số chứng khoán cũng chỉ dao động xung quanh mốc 600 điểm. Nên nếu nói khi thêm cổ phiếu ngân hàng, thị trường có ảnh hưởng hay không thì câu trả lời là không”.

Cũng theo ông Chinh, hiện tại tính trên hai sàn TP.HCM và Hà Nội thì mới chỉ có năm ngân hàng niêm yết cổ phiếu. Đó là cổ phiếu Ngân hàng ACB, Sacombank, Vietcombank, Vietinbank và Ngân hàng Sài Gòn-Hà Nội (SHB). Về quy mô và thực lực của ngành ngân hàng thì việc mới có bấy nhiêu cổ phiếu niêm yết là quá ít.

“Không chỉ nhà đầu tư được lợi do có thêm hàng hóa lựa chọn và hạn chế mua lầm phải cổ phiếu giá cao, mà kênh huy động vốn cũng sẽ phát triển ổn định từ những nguồn hàng chất lượng” - ông Chinh phân tích.

Ông Phạm Minh Tuấn, Trưởng phòng Môi giới Công ty Chứng khoán Saigonbank Berjaya, cũng cho rằng việc nhiều cổ phiếu ngân hàng lên sàn hoàn toàn không làm cho thị trường bị pha loãng. Ông Tuấn phân tích: Thị trường chứng khoán Việt Nam là một trong những thị trường mới nổi nên quy mô còn rất nhỏ, còn thiếu sức hút đối với các quỹ đầu tư lớn của nước ngoài. Vì vậy, khi các ngân hàng lên sàn chính là nhân tố tích cực làm gia tăng quy mô thị trường, đồng thời hấp dẫn đối với nhà đầu tư, các tổ chức, đặc biệt là các quỹ đầu tư lớn trên thế giới.

Cũng theo ông Tuấn, không thể nói do thị trường đang tốt mà các ngân hàng chen nhau lên sàn. Vì một khi lên sàn, các ngân hàng sẽ phải tuân thủ rất nhiều quy định như phải có số vốn 80 tỷ đồng, kinh doanh hai năm liền có lãi.... Ngoài ra, khác với doanh nghiệp, một ngân hàng trước khi lên sàn phải nộp hồ sơ lên ngân hàng nhà nước và phải đạt được một số tiêu chuẩn do ngân hàng nhà nước quy định thì mới được chấp thuận. Và thực tế đã có nhiều ngân hàng không đáp ứng được các tiêu chí này.

BÙI NHƠN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm