Thêm ưu đãi​ thuế cho ô​tô sản xuất trong nước

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nam miền Nam

Sau khi được giảm 50% lệ phí trước bạ đến hết tháng 5 năm nay, ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước tiếp tục nhận được ưu đãi về thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB). Điều này sẽ góp phần làm tăng khả năng cạnh tranh cho các công ty sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước.

Tăng sức cho công ty ô trong nước

Ảnh hưởng của làn sóng dịch COVID-19 lần thứ tư đã kìm hãm đà hồi phục của thị trường ô tô. Việc bán hàng của các hãng xe như Toyota, Ford, Mitsubishi... tại Hà Nội, TP.HCM… phải tạm dừng hoạt động và gần như rơi vào cảnh đóng băng, đặc biệt trong giai đoạn từ tháng 6 đến tháng 9-2021.

Không chỉ hoạt động bán hàng, các nhà máy sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước còn bị ảnh hưởng vì thiếu chip, linh kiện lắp ráp do chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gãy.

Nhằm giúp doanh nghiệp sản xuất ô tô phục hồi sau thời gian đóng băng vì dịch bệnh, Bộ Tài chính đề xuất giãn thời gian nộp thuế tiêu thụ đặc biệt đến cuối năm 2022. Ảnh: QH

Đầu năm, người Việt mua 53.000 ô tô

Theo báo cáo của Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), doanh số bán hàng của toàn thị trường trong tháng 2-2022 chỉ đạt 22.802 xe, giảm 26% so với tháng 1-2022. Tuy nhiên, tính chung trong hai tháng đầu năm, toàn thị trường Việt Nam tiêu thụ hơn 53.500 ô tô, tăng 34% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tính đến hết tháng 2-2022, doanh số bán hàng của xe lắp ráp trong nước tăng 41% trong khi xe nhập khẩu tăng 25% so với cùng kỳ năm ngoái. 

Vì vậy, để kịp thời hỗ trợ các hãng ô tô, Bộ Tài chính vừa trình Chính phủ ban hành nghị định gia hạn thời hạn nộp thuế TTĐB đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước năm 2022 theo trình tự, thủ tục rút gọn. Tổng số tiền được gia hạn khoảng 11.000 tỉ đồng.

Để việc gia hạn thời hạn nộp thuế TTĐB năm 2022 không dẫn đến điều chỉnh dự toán thu ngân sách nhà nước và phù hợp với thời điểm hiện nay, Bộ Tài chính đề xuất Chính phủ: Gia hạn thời hạn nộp thuế đối với số thuế TTĐB phải nộp phát sinh của kỳ tính thuế tháng 6, tháng 7, tháng 8 và tháng 9-2022 đối với ô tô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước. Trong thời gian được gia hạn nộp thuế TTĐB, cơ quan thuế không tính tiền chậm nộp đối với số tiền thuế TTĐB được gia hạn.

Thuế TTĐB là loại thuế gián thu đánh vào một số mặt hàng đặc biệt do các doanh nghiệp (DN) sản xuất và tiêu thụ. Như vậy, loại thuế này do các DN sản xuất đóng nhưng người tiêu dùng sẽ chịu thuế với mức thuế được cộng vào giá bán. Đại diện một công ty sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước cho biết hiện thuế TTĐB với ô tô sau khi bán phải nộp ngay, như thuế phát sinh trong tháng 2-2022 thì phải nộp trước ngày 20-3-2022. Vì vậy, việc gia hạn thời gian nộp thuế là rất cần đối với các công ty ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước.

“Việc gia hạn thời gian nộp thuế giúp chúng tôi có khả năng duy trì dòng tiền vượt qua khó khăn, đặc biệt là trong thời điểm ngành ô tô đang trên đà phục hồi sau đại dịch” - đại diện công ty này chia sẻ.

Đại diện một số hãng sản xuất ô tô khác cũng đánh giá việc được giảm 50% lệ phí trước bạ và nếu được gia hạn nộp thuế TTĐB như đề xuất của Bộ Tài chính sẽ giúp tăng sức cạnh tranh cho ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước so với xe nhập ngoại. Để từ đó, DN ô tô nội sẽ có chính sách hỗ trợ thêm cho khách hàng mua xe nhằm kích cầu người tiêu dùng mua ô tô tăng lên.

Kích cầu thị trường ô tô

PGS-TS Đinh Trọng Thịnh, Học viện Tài chính, cho rằng gia hạn nộp thuế TTĐB thực chất là hỗ trợ các công ty ô tô sản suất, lắp ráp trong nước bằng cách được lùi thời hạn nộp vào chu kỳ sau chứ không được miễn và vẫn phải nộp đầy đủ thuế. Vì vậy, giãn nộp thuế không thể giúp giảm giá bán xe trong nước.

Tuy nhiên, theo ông Thịnh, việc giãn thời gian nộp thuế giúp giảm áp lực tài chính cho các DN sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước, giúp họ không phải đi vay, không phải trả lãi. Và khi bớt áp lực dòng tiền, các DN ô tô sẽ có nhiều chính sách kích cầu thị trường hoặc có thể giảm giá ở những mẫu xe cũ.

Chuyên gia ô tô Nguyễn Minh Đồng cũng cho biết gia hạn nộp thuế TTĐB đã từng được áp dụng trong năm 2020 đi kèm với chính sách hỗ trợ giảm 50% phí trước bạ cho ô tô trong nước. Mục đích ưu đãi thuế, phí là để tăng sức cạnh tranh cho DN sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước, kéo doanh số bán hàng tăng lên.

Tuy vậy, vị chuyên gia này cho rằng sẽ khó có chuyện giá ô tô giảm vì hiện nay ngoài vấn đề thị trường đầu ra thì chi phí đầu vào đang tăng cũng là trở ngại cho DN ô tô sản xuất, lắp rắp trong nước.

Ông Đồng cũng lưu ý chính sách gia hạn nộp thuế TTĐB với ô tô nội chỉ nên áp dụng thời gian ngắn chứ không nên kéo dài. Bởi nếu kéo dài có thể bị kiện vi phạm cam kết quốc tế về không phân biệt đối xử giữa hàng hóa sản xuất trong nước với nhập khẩu.

“Thuế TTĐB nên giảm cho các DN phụ trợ trong ngành ô tô trong nước, để họ phát huy được năng lực cung ứng linh kiện chất lượng cho các hãng xe hoặc xuất khẩu. Ngoài ra, về lâu dài Nhà nước nên giảm thuế TTĐB đối với các dòng xe dung tích động cơ thấp, thân thiện môi trường” - ông Đồng kiến nghị.

Ô tô điện hưởng lợi nhờ được giảm thuế

Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế TTĐB. Theo đó, từ ngày 1-3-2022 đến 28-2-2027, ô tô điện chạy bằng pin được sản xuất, lắp ráp trong nước loại chở người từ chín chỗ trở xuống chỉ chịu mức thuế suất 3%; loại chở người từ 10 đến dưới 16 chỗ chịu mức thuế suất 2%; loại chở người 16-24 chỗ chịu mức thuế suất 1%; loại vừa chở người vừa chở hàng chịu mức thuế suất 2%.

Mức thuế trên giảm khá nhiều so với hiện tại. Cụ thể, hiện TTĐB áp dụng với ô tô điện loại chín chỗ trở xuống là 15%, xe 10-16 chỗ là 10% và 16-24 chỗ là 5%.

Mục tiêu giảm thuế TTĐB là để góp phần bảo vệ môi trường và đón đầu xu thế chung của ngành công nghiệp ô tô điện chạy pin. Đặc biệt, việc triển khai chính sách ưu đãi nhằm thu hút nhà đầu tư, tạo cơ hội cho các DN tại Việt Nam sản xuất ô tô điện chạy pin sử dụng trong nước lẫn xuất khẩu.

Đánh giá về tác động tới thu ngân sách nhà nước, Bộ Tài chính cho biết việc giảm thuế suất thuế TTĐB đối với xe điện chạy pin khiến nguồn thu ngân sách giảm khoảng 2.000-3.000 tỉ đồng, bình quân mỗi tháng khoảng 170-250 tỉ đồng. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm