Cá lia thia là loại cá thiên nhiên, có kích thước nhỏ (con lớn thường dài 10cm), thường sống trong vùng bưng biền, nước nhiễm phèn, đầm lầy bao phủ bởi cỏ năn, cỏ bàng ở các huyện Đức Huệ, huyện Thạnh Hoá, Mộc Hoá (Long An).
Loại cá dễ kiếm và mau sinh sôi nẩy nở này được xem như lộc của trời ban cho vùng đất nhiễm phèn của Long An, người dân chỉ cần một cái rổ ra sau nhà quay cù (dồn cá lại rồi bao vây, lấy rổ xúc cá) là có cá lia thia để ăn.
Nhờ vậy, người dân đã chế biến ra món mắm chua cá lia thia để đổi khẩu vị hoặc làm quà tặng người thân, bạn bè nhân các dịp lễ, Tết.
Theo chân người bắt cá lia thia
Trước đây, sản lượng cá lia thia dồi dào đã giúp hàng trăm lao động địa phương có thêm việc làm tăng thêm thu nhập từ nghề dặm (bắt) cá. Tuy nhiên, những năm trở lại đây do việc nuôi trồng thủy sản và đất nông nghiệp được chuyển đổi cây trồng nên lượng cá lia thia cũng giảm dần.
Những ngày cuối tháng giêng, chúng tôi có dịp theo chân người dân đi dặm cá lia thia trên các cánh đồng hoang nằm hai bên tuyến đường 839 dọc biên giới Việt Nam – Campuchia (thuộc huyện Đức Huệ) mới thấy sự kỳ công của việc săn bắt này.
Sáng sớm nhóm ba người gồm anh Võ Văn Mẫu, anh Cao Văn Phượng và Trần Văn Ngọc (xã Mỹ Thạnh Đông, huyện Đức Huệ, Long An) đã có mặt họp nhóm để lên kế hoạch cho chuyến đi. Mỗi người một chiếc xe máy, một cái rổ to bằng cái thúng và dụng cụ đựng cá để phía sau xe.
Bắt đầu trên con đường không tên thuộc xã Bình Thành, nơi có cánh đồng bưng bát ngát tiếp giáp biên giới Campuchia. tạu đây, một khu đất rộng, có những đường mương nhỏ đầy cỏ năn, hoa súng được nhóm anh Mẫu chọn làm bắt cá lia thia.
Dừng chân tại con đê gần nơi bắt cá, mấy anh ngồi bẹp xuống đất để lót dạ bằng những hộp cơm mua trước đó, ngồi cạnh nhau trò chuyện vui vẻ để sẳn sàng cho công việc bắt cá lia thia.
Vừa đủ năng lượng cho công việc, ba người cầm những dụng cụ đã đem, mỗi người chọn cho mình một mương nước dài hơn 500 mét để bắt đầu vớt cá.
Xuống mương nước các anh bắt đầu quay cù hay nói cách khác là dậm cá. Theo những người dân ở đây, vì lia thia không bắt được, mà phải đạp bao vây dồn cá chung quanh vừa rổ, sau đó dùng rổ để xúc cá.
Vớt được rổ cá đầu tiên với vài chục con cá, anh Mẫu chia sẻ: “Tôi làm nghề này cũng gần 15 năm, từ nhỏ thấy nhiều người đi bắt về bán cá có tiền nên đi theo. Chỗ gần thì đi khoảng 20km, xa thì 100km, đi riết rồi cũng quen. Khi thấy khu vực nào mặt nước có những đám bọt tròn nằm im ắng là nơi đó có nhiều cá lia thia sinh sống. Ngoài ra, nhìn rõ màu nước, cỏ năn là biết vùng nước này có cá lia thia hay không. Trước đây thì cá nhiều, hiện giờ thì cá ít, mỗi ngày kiếm từ 1 đến 2kg cá, cũng được khoảng 500 ngàn”.
Nói xong anh Mẫu lội xuống vùng nước khác tiếp tục công việc của mình. Cách đó hai mương nước, vớt được vài lần, thấy cá trong thau đựng cũng được vài chục con cá, vừa bứt những cọng cỏ năn đậy lên rổ cá anh Cao Văn Phượng cho biết, cá lia thia đồng có kích thước nhỏ, khi trưởng thành cũng chỉ bằng đầu đũa, chiều dài chừng 5 cm sống ẩn khuất trong vùng nước cạn, trong đám cỏ, ít di chuyển.
Để bắt được cá lia thia, người dân phải trầm mình cả ngày dưới trảng cỏ, vạt năn ở đầm lầy và phải vận động liên tục trên đồng nước để quay cù. Cá lia thia có thể xuất hiện quanh năm nhưng nhiều nhất là dịp cuối năm, sau khi mùa nước nổi đi qua. So với nghề khác thì nghề này có vất vả nhưng bù lại thời gian hoàn toàn do mình chủ động. Mình có thể nghĩ hay đi bắt do mình tự lên kế hoạch rồi đi”.
Hơn một giờ đồng hồ, cánh đồng hơn 2 ha với hàng chục mương nước lội thu hoạch hơn nửa kg cá anh Võ Văn Mẫu (xã Mỹ Thạnh Đông) lên bờ nghỉ ngơi để chuẩn bị chuyển sang khu vực khác.
Cứ thế, công việc dậm cù bắt cá lia thia được tiếp tục cho đến quá giờ trưa, cả nhóm dậm cá gom lại và cột chặt thau rổ lên xe chạy về điểm thu gom cá của bà Đoàn Thị Út, xã Mỹ Thạnh Đông, huyện Đức Huệ để bán cá.
Đậm đà hương vị mắm chua cá lia thia
Điểm thu mua cá lia thia của bà Út Lớn (tên thường gọi của bà Đoàn Thị Út) là nơi tập kết của người dân dặm cá lia thia và cũng là nơi chia sẻ kinh nghiệm dặm cá cũng như chuyện đồng án.
Gia đình bà Út cũng là dân bắt bắt cá lia thia mấy chục năm, sau này chuyển sang thu gom cá để sản xuất mắn cá lia thia.
Bà Đoàn Thị Út cho biết: “Trước đây cá nhiều lắm, ai muốn ăn thì cứ bơi xuồng ra đồng đi xúc, đi một buổi là được vài ký, ăn không hết thì đem làm mắm. Ban đầu gia đình làm để ăn, rồi biếu cho người quen, họ thưởng thức thấy ngon rồi kêu tui làm bán. Rồi cứ thế, tôi nghỉ đi bắt cá lia thia, chuyển sang thu gom rồi làm mắm chua cá lia thia để bán, đến nay đã hơn chục năm”.
Theo bà Út, những năm trước đây cá nhiều, có ngày bà thu gom của người bắt từ 200 đến 400 kg. Thời điểm hiện nay cá lia thia có giá từ 250.000 đến 300.000 đồng/kg, cá ít nên một ngày hơn 100 kg. Mắm cá lia thia bà làm hoàn toàn tự nhiên, không hóa chất, đóng gói bằng hũ thủy tinh, có nhãn hiệu và tem truy xuất nguồn gốc nên được khách hàng lựa chọn.
Để mắm cá lia thia Út Lớn khẳng định được thương hiệu, vợ chồng bà Út phải mất đến hai năm thử nghiệm, thậm chí, có lúc vợ chồng bà muốn bỏ cuộc. Song, với mong muốn tự tạo việc làm cho gia đình và người dân địa phương đã thôi thúc gia đình vượt qua khó khăn, ổn định sản xuất đến hôm nay.
Theo nhiều người sành ăn, mắm cá lia thia ăn nguyên chất là ngon nhất, chỉ cần cho thêm tỏi, ớt để giữ nguyên bản chất vốn có của mắm. Mắm có thể ăn kèm với thịt luộc cùng rau sống, chuối chát, rau rừng sẽ cảm nhận được hương vị thơm ngon của vị mắm chua.
Ngoài ra, hương vị mắm chua đem kho tiêu, thêm tép mỡ, hành, ớt... làm cho người thưởng thức không thể nào quên được cái vị vừa bùi, vừa béo, thơm của món ăn dân dã, đồng quê của đất Long An.