Những người cha được đến Trường Sa trực tiếp thăm con đang đóng quân trên đảo chính là món quà hết sức đặc biệt mà Đảng bộ, Chính quyền TP.HCM dành cho các chiến sĩ, là tình cảm trân quý mà đất liền gửi tới các chiến sĩ trẻ đang làm nhiệm vụ nơi đảo xa.
“Minh ơi, ba đây nè!”
Là một thành viên trong Đoàn công tác số 5, TP.HCM, ông Nguyễn Văn Bình (ngụ phường Bình Hưng Hòa B, quận Bình Tân, TP.HCM) cho biết mình hạnh phúc, vinh dự khi được mời ra thăm con trai là Nguyễn Nhật Minh, chiến sĩ trên đảo Sinh Tồn, thuộc huyện đảo Trường Sa.
Để chuẩn bị cho chuyến đi, ông Bình đã háo hức mua sắm quà cho con và đồng đội, nào là khô cá sặc, rồi bánh kẹo các loại... Quà đã mua xong, tiếp đó là những ngày chờ đợi dài khiến ông cứ hồi hộp, mong chờ. “Lúc đi khám sức khỏe tôi cũng lo nữa, lo không đạt rồi không được ra thăm con!” – ông Bình tâm sự.
|
Ông Bình trên chuyến tàu KN-290 đi ra đảo Sinh Tồn, huyện đảo Trường Sa thăm con trai. Ảnh: NT |
Ông Bình có lẽ là một trong các thành viên rất đặc biệt trong đoàn công tác. Từng là bộ đội nhưng đây là lần đầu ông ra Trường Sa trong vai trò là gia đình chiến sĩ.
Trên hải trình kéo dài nhiều ngày, ông Bình sau khi ăn cơm thì lại ra bong tàu trông ngóng. Phía xa, đảo Sinh Tồn với những mái nhà, cây xanh dần hiện ra.
Gần 13 giờ 30 phút, xuồng cập vào khu vực neo đậu, đưa các thành viên trong đoàn công tác lên đảo thì bất ngờ tiếng loa báo động reo vang “báo động phòng không cấp 1, báo động phòng không cấp 1…” khiến các bước chân càng thêm vội vã.
|
Hai cha con ông Bình và Nhật Minh gặp nhau trên đảo Sinh Tồn. Ảnh: NT |
Ông Bình tất tả chạy vào khu vực gần cột mốc chủ quyền hỏi vang: “Có ai biết cháu Minh, Bình Tân ở đâu không?” Một số cán bộ chiến sĩ hỏi qua, biết người đàn ông vóc gầy, nón vải xấp xải sau ót, vai mang khăn rằn là người cha đi tìm con thì chỉ tay về hướng trạm xá của đảo, gửi lời: “Chú chạy qua bên kia, hình như Minh ở bên đó”.
Ông Bình lật đật vừa chạy vừa nói, “không biết thằng Minh ở đâu”. Đến cửa trạm xá, ông gọi “Minh ơi, ba đây nè! Minh ơi…”. Nhưng không ai trả lời. Một số cán bộ bên trong chạy ra, kêu các chiến sĩ chạy tìm Minh giúp ông.
Sau khi quay ra khu vực cột mốc chủ quyền thì hai cha con gặp nhau, tay bắt, mắt rươm rướm. Ông Bình ôm chầm lấy con trai trong khi những người đi cùng cười hòa trong niềm vui chung.
|
Ông Hùng, ngụ quận Phú Nhuận cũng không khỏi hạnh phúc khi gặp, chứng kiến sự trưởng thành của con trai Nhật Quang sau thời gian làm nhiệm vụ trên đảo Sinh Tồn. Ảnh: NT |
“Tôi cảm xúc không biết nói sao. Giờ gặp con mừng lắm. Thời gian dài thì không dài, ngắn thì không ngắn nhưng rất nhớ con. Được Uỷ ban MTTQ Việt Nam TP.HCM tạo điều kiện ra thăm con tôi rất vui, rất cảm ơn” – ông Bình xúc động. Còn Minh sau đó giải thích với ba rằng dù đã được cấp trên thông báo chuẩn bị gặp người thân từ đất liền ra thăm, nhưng trong tình huống báo động sẵn sàng chiến đấu anh vẫn ưu tiên nhiệm vụ trước, sau đó mới trở về gặp ba.
Được ra Trường Sa là niềm vinh dự
Ông Bình từng bộ đội xuất ngũ, gia đình có truyền thống cách mạng. “Con trai ra Trường Sa công tác gia đình rất hãnh diện. Mong cháu đi làm nhiệm vụ cho cháu trưởng thành, sau này trở về có ích cho gia đình, xã hội” – ông Bình nói.
Ngồi cạnh và nắm chặt tay cha, Minh cho biết nhiệm vụ bảo vệ biển đảo của Tổ quốc rất quan trọng. Anh ra đảo với tinh thần phấn khởi, mong muốn thực hiện thật tốt nghĩa vụ của một người chiến sĩ hải quân.
|
Đại diện đoàn công tác nhận một phần quà từ Nguyễn Vinh, một chiến sĩ làm nhiệm vụ trên đảo gửi về gia đình. Ảnh: NT |
Nghe con nói, ông Bình mắt sáng rỡ, khuôn mặt tỏ rõ niềm vui khi thấy con trai đã trưởng thành. “Lúc đi Minh nặng có hơn 50 cân mà giờ gần 70 cân rồi, xưa giờ Minh trầm tính, ít nói mà giờ nói năng đàng hoàng chững chạc quá!” – ông bộc bạch.
Minh cho biết khi gặp cha anh rất vui: “Sau khi lên đường đi nghĩa vụ tôi có nhìn nhận lại bản thân và thấy rằng gia đình thật quý giá. Thấy thương, yêu cha mẹ mình ở nhà nhiều hơn”. Minh nói và cho biết đó cũng là động lực để mình ở đây bảo vệ chủ quyền, biển đảo, mảnh đất máu thịt của tổ quốc.
|
Ông Bình cho biết, cảm thấy vui mừng khi chứng kiến sự trưởng thành, chính chắn của con trai Nhật Minh. Ảnh: NT |
Biết Nguyễn Vinh, một chiến sĩ đi nghĩa vụ cùng với Minh không có người nhà ra thăm, ông Bình đã gửi một ít quà từ đất liền tặng anh.
Nguyễn Vinh sau đó cũng qua những người trong đoàn công tác, gửi một đoạn clip với nội dung: “Mẹ ơi! Con sẽ cố gắng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà đơn vị và quân đội giao và sớm về với gia đình”.
Ông Huỳnh Mạnh Hùng (ngụ quận Phú Nhuận, TP.HCM) cũng xúc động xen lẫn tự hào khi gặp con trai là Huỳnh Nhật Quang tại đảo Sinh Tồn. “Vinh dự vì tôi được mời tham gia trong đoàn công tác. Ra đây thấy con trai trưởng thành, sống ngăn nắp, kỷ luật. Môi trường quân đội đã rèn luyện cháu được như vậy, tôi rất yên tâm” – ông Hùng chia sẻ.
|
Nhật Minh cũng cho biết, việc được đi ra Trường Sa làm nhiệm vụ là niềm vinh dự rất lớn của bản thân và gia đình. Ảnh: NT |
Còn ông Đặng Tài Nguyên (ngụ phường Bình Hưng Hòa, quận Bình Tân) cũng được gặp con trai là chiến sĩ Đặng Anh Tuấn làm nhiệm vụ tại đảo Trường Sa.Trước đó, ông Nguyên cũng chuẩn bị nhiều đặc sản mang ra cho con và các đồng đội. “Con tôi đi nghĩa vụ ở Trường Sa là niềm vui, tự hào của gia đình. Cháu đã trưởng thành, chững chạc hơn nhiều so với thời gian ở nhà. Sau này cháu khi trở về sẽ trở thành người có ích cho gia đình, xã hội” – ông Nguyên nói.
Trưởng đoàn công tác TP.HCM, bà Trần Kim Yến, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM, cho biết những món quà tuy giá trị không lớn nhưng đó là tình cảm, sự quan tâm gửi gắm của cán bộ, nhân dân TP.HCM đến các chiến sĩ.
“TP.HCM luôn chung tay, là hậu phương vững chắc cùng các đồng chí xây dựng Trường Sa thành trung tâm kinh tế, văn hóa xã hội trên biển của cả nước. Chúng tôi luôn ở bên các đồng chí!” – bà Yến nói.
Gửi về đất liền một quả bàng vuông, Nguyễn Nhật Minh chia sẻ: “Tôi có chuẩn bị để gửi về cho gia đình một quả bàng vuông. Đây là phần quà ý nghĩa, rất quý từ đảo Trường Sa. Tôi gửi về nhà để chưng lên tủ, khi có khách tới chơi gia đình có thể tự hào nói rằng đó là món quà mà chỉ những người lính đi làm việc bảo vệ Tổ quốc ở Trường Sa mới có”.