Thi hài là nguồn học liệu tốt nhất cho sinh viên y khoa

(PLO)- Thi hài là nguồn học liệu giúp sinh viên y khoa tăng kĩ năng nhìn - sờ - gõ - nghe, có kiến thức nền tảng về giải phẫu tốt nhất.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 26-12, Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch tổ chức chương trình tham quan mô hình giảng dạy, thực hành giải phẫu trực tiếp.

Chương trình nhằm để các trường ĐH khối ngành sức khỏe trên địa bàn TP.HCM cùng gặp gỡ, học hỏi kinh nghiệm về mô hình giảng dạy, thực hành giải phẫu trên thi hài đang được thực hiện tại Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch. Từ đó góp phần nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu của các trường, cùng nhau phát triển trong lĩnh vực khoa học sức khỏe.

thi hài - 1
Chương trình tham quan mô hình giảng dạy, thực hành giải phẫu trực tiếp tại trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch. Ảnh: THẢO PHƯƠNG

ThS-BS Hồ Nguyễn Anh Tuấn, Phó trưởng bộ môn Giải phẫu, cho biết giải phẫu học là môn cơ sở ngành của sinh viên (SV) khối ngành sức khỏe. Môn này giúp SV biết được các cấu trúc của cơ thể người và sự liên kết giữa chúng. Để học được môn này bắt buộc phải có nguyên liệu học tập. Theo đó, có hai nguồn nguyên liệu học tập chính là mô hình/tranh ảnh và thi hài.

“Mô hình, tranh ảnh có ưu điểm là rõ ràng đẹp mắt giúp thu hút người học, kích thích năng lực học tập. Chi phí đầu tư cho nguồn học liệu này không quá tốn kém, có thể tái sử dụng năm này qua năm khác, dễ dàng tìm kiếm các nguồn cung cấp” - ông Tuấn nêu.

thi-hai1-7747.jpg
Thầy và trò trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch tham quan máy mô phỏng xác. Ảnh: THẢO PHƯƠNG

Tuy nhiên đây chỉ là mô phỏng, không có thật. Có nhiều loại mô hình, tranh ảnh chỉ có hai chiều, không cấu tạo hình nổi 3D, không có khả năng đi được các lớp nông và sâu, không tách rời mạch máu - cơ - thần kinh riêng. Đôi khi kích thước của mô hình không phải 1:1, người học cũng không có cảm giác sờ chạm.

Trong khi bốn kĩ năng quan trọng của người thầy thuốc là nhìn - sờ - gõ - nghe. Kĩ năng sờ rất quan trọng, giúp người học/kỹ thuật viên có thể phân biệt được các chi tiết như mạch máu, cơ,… Người học phải tiếp xúc trực tiếp với chi tiết đó bằng cách chạm “hàng thật” mới xây dựng được cảm giác sờ - chạm.

thi-hai4-590.jpg
Mô hình, tranh ảnh đẹp mắt giúp thu hút người học, kích thích năng lực học tập. Ảnh: THẢO PHƯƠNG

Vì vậy theo ông Tuấn, thi hài vẫn là nguồn học liệu tốt nhất cho sinh viên khối ngành sức khỏe. Hiện nay có rất nhiều thiết bị thay thế cho thi hài như mô hình, máy mô phỏng xác,.. Tuy nhiên các trường khối ngành đào tạo sức khỏe trên thế giới và Việt Nam vẫn muốn tập trung phát triển nguồn học liệu thi hài.

Ông Tuấn cho biết bộ môn Giải phẫu của trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch ngay từ khi bắt đầu thành lập đã tập trung phát triển nguồn thi hài phục vụ cho đào tạo, nghiên cứu khoa học.

thi-hai3-4542.jpg
Sinh viên trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch học tập trên thi hài. Ảnh: THẢO PHƯƠNG

“Trường đã mất rất nhiều thời gian để triển khai hoạt động hiến thi hài cho khoa học. Đến hiện tại, bộ môn Giải phẫu và một số ít bộ môn khác đã có đủ nguồn thi hài được bảo quản theo công nghệ truyền thống (thi hài khô) và theo công nghệ hiện đại (thi hài tươi) để phục vụ cho đào tạo và nghiên cứu khoa học. Việc đầu tư bảo quản, vận hành, xử lý thi hài trước và sau quá trình học cũng tốn rất nhiều chi phí” - ông Tuấn chia sẻ.

Qua nguồn thi hài phong phú của trường, ông Tuấn cho rằng sinh viên đã có cơ hội tìm tòi, nghiên cứu trên thi hài, từ đó có kiến thức nền tảng về giải phẫu tốt hơn so với học trên mô hình hay chất liệu khác. Cạnh đó tỉ lệ và chất lượng đầu ra của nhà trường cũng được từng bước cải thiện.

“Hằng năm nhà trường đều tổ chức lễ tri ân những người hiến thi hài cho khoa học, là dịp để thầy và trò tưởng nhớ, thể hiện lòng biết ơn những người đã hiến xác, giúp sinh viên có cơ hội học tập trên nguồn học liệu vô cùng quý giá” - ông Tuấn bày tỏ.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm