Bộ Công an đang lấy ý kiến dự thảo lần 2 thông tư quy định thực hiện nhiệm vụ bảo vệ cưỡng chế thi hành án dân sự của lực lượng cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp trong CAND.
Hiện nay, vấn đề trên được thực hiện theo Quyết định số 1501 của Bộ trưởng Bộ Công an, ban hành năm 2008. Sau 14 năm, với những phát sinh trong thực tế, Bộ Công an xây dựng các quy định ở mức thông tư, chi tiết và chặt chẽ hơn.
Một trong bốn nguyên tắc được Bộ Công an đưa ra, đó là không tổ chức cưỡng chế từ 22 giờ ngày hôm trước đến 6 giờ sáng ngày hôm sau và các ngày nghỉ, lễ tết. Ảnh: BCA |
Theo dự thảo, Bộ Công an nêu bốn nguyên tắc khi bảo vệ cưỡng chế thi hành án dân sự. Trong đó, không tổ chức cưỡng chế thi hành án dân sự trong thời gian từ 22 giờ ngày hôm trước đến 6 giờ sáng ngày hôm sau, các ngày nghỉ, ngày lễ, tết và các trường hợp đặc biệt khác theo quy định của Chính phủ.
Ngoài ra, nghiêm cấm việc lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành nhiệm vụ bảo vệ cưỡng chế thi hành án dân sự để xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.
Vẫn theo dự thảo, Bộ Công an yêu cầu trong kế hoạch, phương án bảo vệ cưỡng chế thi hành án dân sự phải nắm rõ đặc điểm nhân thân, mối quan hệ gia đình, xã hội, thái độ chấp hành của người bị áp dụng biện pháp cưỡng chế; tình hình địa bàn, dân cư, an ninh, trật tự, nơi tiến hành bảo vệ cưỡng chế thi hành án dân sự.
Với những vụ việc cưỡng chế có khả năng xảy ra nhiều diễn biến phức tạp về an ninh, trật tự, người bị áp dụng biện pháp cưỡng chế và thân nhân của họ có biểu hiện chống đối quyết liệt thì phải có lực lượng dự phòng và tăng cường thêm các phương tiện cần thiết (phương tiện phòng cháy, chữa cháy, phương tiện chở đối tượng vi phạm pháp luật, thiết bị dò mìn...).
Quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ bảo vệ cưỡng chế, lực lượng công an phải có mặt tại địa điểm theo kế hoạch từ khi bắt đầu đến khi kết thúc vụ việc cưỡng chế. Tập trung quan sát khu vực tiến hành cưỡng chế đầu tiên và khi di chuyển tài sản. Khi phát hiện có biểu hiện bất thường phải báo cáo ngay cho người chỉ huy để kịp thời ngăn chặn, xử lý.
Tại dự thảo, Bộ Công an cũng hướng dẫn xử lý đối với một số tình huống phát sinh, bao gồm việc người bị áp dụng biện pháp cưỡng chế và thân nhân của họ có sự chống đối.
Điển hình, nếu người bị áp dụng biện pháp cưỡng chế, thân nhân của họ hoặc người khác có hành vi không chấp hành việc cưỡng chế (lăng mạ, cản trở, chống người thi hành công vụ) thì cán bộ công an làm nhiệm vụ phải yêu cầu họ bình tĩnh, tôn trọng pháp luật và lắng nghe ý kiến của người có trách nhiệm giải thích.
Bộ Công an lưu ý tránh việc nhiều người cùng giải thích dẫn đến cách hiểu không thống nhất, gây nên sự thiếu tin tưởng của người bị áp dụng biện pháp cưỡng chế, thân nhân và những người liên quan hoặc những phản ứng tiêu cực. Chú ý quan sát và kịp thời ngăn chặn, khống chế, bắt giữ khi có hành vi chống người thi hành công vụ.
Trường hợp gặp sự cản trở, chống đối mà có người già, trẻ em, phụ nữ…, cán bộ làm nhiệm vụ nhanh chóng triển khai theo phương án để kịp thời ngăn chặn, kiên trì giải thích, thuyết phục, không có lời nói, hành vi thô bạo đối với họ, tránh gây căng thẳng không cần thiết, hạn chế thấp nhất việc đối đầu gây bất bình, lấy giáo dục thuyết phục là chính, khéo léo giải quyết các mâu thuẫn.
Đồng thời, chú ý quan sát, phát hiện những người cầm đầu số đối tượng quá khích để cảm hóa làm giảm bớt sự bức xúc có thể bộc phát dẫn đến vi phạm pháp luật; sẵn sàng khống chế, bắt giữ khi có lệnh của người chỉ huy, không để ảnh hưởng đến uy tín, danh dự, tính mạng, sức khỏe của những người tham gia cưỡng chế…