Chúng tôi làm việc ở một ngân hàng đã hơn bảy năm (hợp đồng lao động không xác định thời hạn). Vừa rồi ngân hàng chúng tôi bị sáp nhập vào ngân hàng khác, ngân hàng này đã tổ chức cuộc thi sát hạch (cuộc thi sát hạch hàng năm của ngân hàng với mục đích đánh giá nhân viên) nếu chúng tôi không đậu thì bị chấm dứt hợp đồng lao động. Một số người trong chúng tôi đã bị chấm dứt hợp đồng lao động với lý do trên. Vậy ngân hàng có làm đúng luật hay không ? không đồng ý thì chúng tôi kiện ra tòa được không?
Hoàng Anh (leoriole@gmail.com)
Luật sư NGUYỄN ĐỨC CHÁNH, Đoàn luật sư TP.HCM, trả lời: Do câu hỏi của bạn chưa rõ thông tin. Nên chúng tôi xin tư vấn hai trường hợp như sau:
Trường hợp 1: Trường hợp Ngân hàng sáp nhập chưa tiếp nhận lao động và tiến hành việc sửa đổi bổ sung hợp đồng lao động (gọi tắt là HĐLĐ).
Theo khoản 1 Điều 45 Bộ luật Lao động 2012, quy định về nghĩa vụ của người sử dụng lao động khi sáp nhập, hợp nhất, chia, tách doanh nghiệp, hợp tác xã thì trong trường hợp sáp nhập thì người sử dụng lao động kế tiếp phải chịu trách nhiệm tiếp tục sử dụng số lao động hiện có và tiến hành việc sửa đổi, bổ sung HĐLĐ.
Trong trường hợp không sử dụng hết số lao động hiện có, thì người sử dụng lao động kế tiếp có trách nhiệm xây dựng và thực hiện phương án sử dụng lao động theo quy định tại Điều 46 của Bộ luật trên. Nội dung chủ yếu của phương án là danh sách và số lượng người lao động tiếp tục được sử dụng, người lao động đưa đi đào tạo lại để tiếp tục sử dụng; danh sách và số lượng người lao động nghỉ hưu; Danh sách và số lượng người lao động được chuyển sang làm việc không trọn thời gian; Người lao động phải chấm dứt HĐLĐ; Biện pháp và nguồn tài chính bảo đảm thực hiện phương án. Khi xây dựng phương án sử dụng lao động phải có sự tham gia của tổ chức đại diện tập thể lao động tại cơ sở.
Vì vậy, trường hợp như này phải xem xét người sử dụng lao động là Ngân hàng có phải thuộc trường hợp không sử dụng hết lao động hiện có hay không? Và họ có tiến hành xây dựng, thực hiện phương án sử dụng lao động theo Điều 46 như trên để chấm dứt HĐLĐ hay không?. Nếu có thì Ngân hàng đã thực hiện đúng quy định và trong trường hợp người sử dụng thì phải trả trợ cấp mất việc làm cho người lao động theo quy định. Còn nếu không thì việc chấm dứt HĐLĐ là trái luật.
Trường hợp 2: Ngân hàng sáp nhập đã tiếp nhận lao động và tiến hành sửa đổi, bổ sung hợp HĐLĐ theo quy định.
Theo quy định tại điểm a Khoản 1 Điều 38 Bộ luật Lao động 2012 và khoản 1 Điều 12 Nghị định 05 của Chính phủ thì người sử dụng lao động có quyền chấm dứt HĐLĐ trong trường hợp “người lao động thường xuyên không hoàn thành công việc theo HĐLĐ”.
Tuy nhiên, người sử dụng lao động phải quy định cụ thể tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành công việc trong quy chế của doanh nghiệp, làm cơ sở đánh giá người lao động thường xuyên không hoàn thành công việc theo HĐLĐ. Quy chế đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ do người sử dụng lao động ban hành sau khi có ý kiến của tổ chức đại diện tập thể lao động tại cơ sở.
Như vậy, nếu Ngân hàng có quy định về việc đánh giá mức độ hoàn thành công việc, trong đó có tiêu chí thi sát hạch làm cơ sở để đơn phương chấm dứt hợp đồng theo điểm a khoản 1 Điều 38 Bộ luật trên, thì việc đơn phương chấm dứt HĐLĐ của ngân hàng là đúng.
Ngược lại, nếu như Ngân hàng không có quy định cụ thể tiêu chí không hoàn thành công việc thì việc đơn phương chấm dứt hợp đồng của Ngân hàng là trái pháp luật. Lúc này, người lao động có quyền khởi kiện tranh chấp về đơn phương chấm dứt HĐLĐ tại tòa án cấp huyện (nơi có trụ sở của Ngân hàng) để yêu cầu giải quyết tranh chấp và bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho mình.