Cụ thể, về thời gian thi lớp 10, nếu thời gian diễn ra kỳ thi THPT Quốc gia năm 2018 vẫn diễn ra từ ngày 22 đến 24-6 thì thời gian thi tuyển sinh lớp 10 vẫn sẽ diễn ra như năm 2017, tức vào ngày 2 và 3-6. Về môn thi tuyển sinh lớp 10 sẽ vẫn là ba môn là toán, ngữ văn và ngoại ngữ như lâu nay.
Tuy nhiên, đại diện lãnh đạo Sở cho biết, về đề thi năm học này, việc kiểm tra, đánh giá ở khối trung học sẽ tiếp tục được đổi mới mạnh mẽ, nhất là thi tuyển sinh lớp 10. Đây sẽ là cơ sở để các trường, đội ngũ giáo viên sẽ phải đổi mới phương pháp giảng dạy cho học sinh.
Cụ thể, theo Ông Phạm Ngọc Tiến, Phó phòng Giáo dục Trung học của Sở GD&ĐT TP, đề thi lớp 10 năm tới sẽ được đổi mới theo định hướng tăng cường tính ứng dụng thực tiễn và tích hợp kiến thức liên môn. Ví dụ như môn toán, đề thi không chỉ nằm trong kiến thức môn toán mà còn lồng ghép kiến thức các môn tự nhiên khác như vật lý, hóa học, sinh học. Hoặc như môn ngữ văn, ngoài kiến thức văn học thông qua những văn bản xã hội, bố cục theo ngữ văn đơn thuần sẽ lồng thêm dữ liệu kiến thức về giáo dục công dân, lịch sử, địa lý... Việc đổi mới này sẽ đòi hỏi học sinh cần nắm thêm các kiến thức của các môn học để có thể làm tốt bài thi của mình, không chỉ hiểu kiến thức môn học đơn thuần mà còn hiểu và biết ứng dụng thực tế trong đời sống.
Cũng theo ông Tiến, trong ba môn thi tuyển sinh lớp 10 thì môn toán sẽ có sự thay đổi nhiều nhất. Sẽ có khoảng 30% là kiến thức của các bộ môn khác như lí, hóa, sinh, địa lý, những kiến thức này sẽ chiếm 3/10 điểm môn thi.
Tuy nhiên, lãnh đạo Sở GD&ĐT cũng cho biết, việc thay đổi này sẽ được Sở thông báo, hướng dẫn và tập huấn cụ thể cho các trường và giáo viên trong năm học để các trường nắm và kịp thời thay đổi giảng dạy. Việc đổi mới này cũng sẽ không gây quá bất ngờ hay nặng nề về kiến thức cho thầy trò, chủ yếu vẫn là tính ứng dụng kiến thức chứ không nặng về lý thuyết, công thức. Do đó để việc dạy, học và ôn tập của thầy trò cũng sẽ nhẹ nhàng hơn, tránh học vẹt, học máy móc quá nhiều.
Để thuận lợi, Sở cũng sẽ công bố đề thi mẫu để giáo viên, học sinh nắm bắt và dễ hình dung cấu trúc đề thi.
Học sinh trao đổi bài sau khi thi trong kỳ thi tuyển sinh lớp 10 vừa qua tại TP.HCM. Ảnh: PHẠM ANH.
Cùng với đó, việc kiểm tra, đánh giá định kỳ ở bậc trung học cũng như nhiều kỳ thi khác cấp TP như thi học sinh giỏi năm học này cũng sẽ có nhiều thay đổi. Sở GD&ĐT TP.HCM cũng yêu cầu các trường phải đổi mới kiểm tra, đánh giá theo nguyên tắc đánh giá năng lực HS theo quá trình và theo kết quả. Các bài kiểm tra trên lớp cần tăng dần các dạng câu hỏi vận dụng, câu hỏi liên hệ với việc giải quyết những vấn đề của thực tiễn cuộc sống. Có thể tham khảo nội dung bài khảo sát lớp 7, khảo sát tuyển sinh vào lớp 6 Trần Đại Nghĩa để vận dụng.
Bên cạnh đó, đề thi HS giỏi THCS và THPT cũng sẽ tăng các câu hỏi vận dụng thực tiễn để đánh giá năng lực của HS, tránh nặng kiến thức hàn lâm, lý thuyết.