Có thể nói, Việt Nam là một trong những quốc gia tổ chức nhiều cuộc thi sắc đẹp nhất thế giới và cũng rất nhiệt tình tham gia các cuộc thi nhan sắc quốc tế thuộc đủ mọi cấp độ.
Huỳnh Trần Ý Nhi đăng quang Hoa hậu thế giới Việt Nam 2023. Ảnh: BTC |
Những người ủng hộ cho việc thi nhan sắc thì cho rằng đây là một ngành công nghiệp hái ra tiền nên cần phải duy trì, phát triển. Quả vậy, thi sắc đẹp mang lại nhiều lợi ích cho nhiều nhóm tham gia vào quy trình thi sắc đẹp.
Nhóm có lợi đầu tiên là những người tổ chức thi, kế đến là những người, những công ty huấn luyện hoa hậu, giới làm tóc, thời trang, ngành công nghiệp mỹ phẩm và dĩ nhiên là những người đẹp dự thi cũng có khả năng “đổi đời” sau khi đạt giải cao trong các cuộc thi nhan sắc.
Tuy nhiên, các cuộc thi nhan sắc cũng đã nhận được nhiều lời chỉ trích. Một trong những chỉ trích đó là các cuộc thi nhan sắc biến cơ thể phụ nữ thành hàng hóa và các tiêu chuẩn đẹp chỉ nhằm thỏa mãn cái nhìn của đàn ông (male gaze) đối với phụ nữ mà thôi.
Những người phê bình còn nhận thấy các cuộc thi nhan sắc chủ yếu đáp ứng các tiêu chuẩn về sắc đẹp của các nước phương Tây như làn da phải trắng, chân phải thon dài. Cuộc thi hoa hậu quốc gia Ấn Độ năm 2019 bị dư luận phản đối vì các thí sinh dự thi đều có làn da trắng, trong khi người Ấn Độ thì làn da không được như vậy.
Điều đó là một biểu hiện sự thống trị của các tiêu chuẩn về sắc đẹp qua góc nhìn của các nước phương Tây. Do đó, dư luận e ngại rằng cuộc thi sắc đẹp này có thể dẫn đến chuyện nhiều cô gái trẻ sẽ làm mọi cách để có được làn da trắng để được gọi là đẹp dù có thể dẫn đến những hệ lụy về mặt sức khỏe.
Những cuộc thi nhan sắc nơi độ tuổi thanh thiếu niên cũng gây ra những hệ quả không tốt cho các em sau này. Một nghiên cứu của Anna L. Wonderlich và cộng sự thuộc Đại học Minnesota (Mỹ) công bố năm 2007 về việc so sánh giữa nhóm 11 cô gái từng dự thi các cuộc thi nhan sắc với 11 cô chưa bao giờ thi.
Kết quả cho thấy những cô gái từng dự thi sắc đẹp có sự không hài lòng về các số đo của cơ thể cao hơn, có nhiều sự ngờ vực trong các mối quan hệ với người khác hơn, khó điều hòa cảm xúc hơn.
Mặc dù, các cuộc thi nhan sắc sau này có chú trọng đến các yếu tố “bên trong” như lòng nhân hậu hay trí tuệ nhưng thật khó để đánh giá trí tuệ hay lòng nhân hậu chỉ qua một vài câu hỏi từ ban giám khảo.
Do vậy, cái chính vẫn là đề cao vẻ bề ngoài của người phụ nữ chứ không phải là những yếu tố khác. Vì vậy, có thể khiến các cô gái trẻ chỉ lao mình vào việc chăm chút cho vẻ bề ngoài hơn là những yếu tố khác vì thấy rằng vẻ ngoài mới mang lại giá trị cho bản thân.
Trên đây là ý kiến của độc giả Lê Minh Tiến gửi về báo Pháp Luật TP.HCM bày tỏ quan điểm của mình về các cuộc thi sắc đẹp với nỗi băn khoăn “Thi sắc đẹp để làm gì?” trong bối cảnh gần đây có rất nhiều cuộc thi sắc đẹp diễn ra, nhất là sau phát ngôn của tân Hoa hậu một cuộc thi sắc đẹp đã làm dấy lên bàn cãi trong cộng đồng mạng.
Quý vị và các bạn nghĩ như thế nào về vấn đề này, có thể gửi ý kiến của mình về báo Pháp Luật TP.HCM. Chúng tôi sẽ đăng tải trên trên trang plo.vn nếu thấy phù hợp.