Sau 120 phút làm bài, thí sinh đã hoàn thành bài thi môn Văn - môn tự luận duy nhất của kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024.
Mức điểm phổ biến 6,5 đến 7,5
Ths Phan Quan Thông, Tổ trưởng chuyên môn tổ ngữ Văn, Trường THPT Hùng Vương, quận 5 nhận xét đề thi có cấu trúc tương đồng với đề minh hoạ cũng như đề chính thức các năm gần đây.
Phần đọc hiểu 3 điểm là một đoạn trích từ văn bản “Dòng sông và những thế hệ của nước” của tác giả Nguyễn Quang Thiều có dung lượng vừa phải, nội dung vừa gần gũi vừa khơi gợi được cảm xúc của người đọc về sự tiếp nối của các thế hệ nghệ sỹ trong lịch sử nghệ thuật của nhân loại, bao gồm 4 câu hỏi thuộc ba mức độ nhận thức từ nhận biết, thông hiểu đến vận dụng.
Các câu hỏi của đề thi năm nay tập trung kiểm tra năng lực đọc hiểu nội dung văn bản của học sinh.
Phần làm văn 7 điểm, bao gồm hai câu nghị luận xã hội và nghị luận văn học.
Trong đó, câu 1 chiếm 2 điểm, yêu cầu học sinh viết một đoạn văn nghị luận xã hội dung lượng 200 chữ bàn về ý nghĩa của việc tôn trọng cá tính. Vấn đề nghị luận được nêu rõ ràng, gần gũi, tạo điều kiện cho học sinh thể hiện những suy nghĩ của bản thân, nhất là góc nhìn của tuổi trẻ, về vấn đề mỗi con người cần được tôn trọng cá tính.
Câu 2 chiếm 5 điểm, dạng đề khá quen thuộc, đã được các thầy cô ôn tập kỹ càng trong quá trình ôn thi. Nội dung ra đề là một tác phẩm trọng tâm, nằm trong dự đoán của giáo viên và học sinh.
Tuy nhiên, điểm đặc biệt của câu nghị luận văn học nằm ở hai điểm. Dung lượng đoạn trích khá dài với thời gian làm bài. Học sinh cần ôn kỹ nội dung tác phẩm, nắm vững phương pháp, phân chia thời gian làm bài hợp lý mới có thể hoàn thành tốt câu hỏi này.
Việc chọn ngữ liệu này tạo được sự kết nối cảm xúc với học sinh, khơi gợi trong các em tình yêu đất nước, quê hương thông qua những hình ảnh gần gũi, bình dị về đất nước của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm.
“Đề Văn năm nay an toàn, vừa sức, đáp ứng được những mong đợi của giáo viên và học sinh năm cuối chương trình 2006. Dự đoán mức điểm học sinh đạt được đa số từ 6,5 đến 7,5 điểm. Điểm sáng là đề thi năm nay đã tạo và duy trì cảm xúc cho thí sinh ở tất cả các câu hỏi khi đi từ sự tiếp nối giữa các thế hệ nghệ sĩ, sự tôn trọng cá tính của mỗi cá nhân đến những cảm nhận gần gũi, bình dị nhưng mới mẻ về đất nước” - thầy Thông nói.
Đề Văn có điểm sáng
Cô Nguyễn Thị Hà, giáo viên Trường THPT Quỳnh Lưu 4, tỉnh Nghệ An cho hay đề Văn thi tốt nghiệp THPT năm nay không mới, cấu trúc đề quen thuộc.
Tuy nhiên, đề thi tốt nghiệp THPT cũng có những điểm sáng đáng chú ý.
Phần đọc hiểu, văn bản đề cập đến một vấn đề khá mới đó là dòng chảy nghệ thuật. Văn bản đọc hiểu hay, cách viết giàu hình ảnh, đúc kết những trải nghiệm của nghệ sĩ Nguyễn Quang Thiều. Các câu hỏi ở phần này ở mức nhận biết, thông hiểu, vận dụng. Riêng câu 4 cách nêu vấn đề có khả năng tạo hứng thú cho học sinh nhờ khả năng liên tưởng, kết nối phù hợp giữa văn chương và đời sống xã hội.
Câu nghị luận xã hội là vấn đề có ý nghĩa trong đời sống con người, đặc biệt là người trẻ trong xã hội hiện đại. Lứa tuổi học sinh THPT, nhiều em muốn khẳng định cá tính riêng, đồng thời cũng có băn khoăn không nhỏ về hình ảnh của mình trong mắt người khác.
Phần nghị luận văn học đề đã chọn đoạn thơ hay nhất, tiêu biểu cho vẻ đẹp của cả đoạn trích Đất Nước. Tuy nhiên, nếu trích ngữ liệu ngắn hơn thì sẽ phù hợp với thời gian làm bài và tạo điều kiện cho học sinh có thể phân tích sâu và kĩ.
Câu hỏi phụ yêu cầu thí sinh nhận xét về sự kết hợp giữa cảm xúc và suy tư của tác giả thể hiện trong đoạn thơ. Để làm tốt câu này các em cần nắm vững phong cách nghệ thuật của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm và soi chiếu vào văn bản để nhận ra biểu hiện cụ thể của dấu ấn riêng ấy.
“Đây là câu hỏi hay, mang tính phân hoá cao, hướng tới đối tượng học sinh khá giỏi và có thể kích thích các em thể hiện vốn hiểu biết sâu sắc, vững vàng của mình.
Điểm tôi thích nhất ở đề bài này chính là có một sợi dây liên kết ngầm ở các phần. Đó chính là cá tính của con người trong nghệ thuật và cuộc sống. Từ đó, đề gợi suy ngẫm cho mỗi thí sinh về mối quan hệ hai chiều giữa cá nhân và xã hội, giữa nghệ thuật và cuộc đời. Tóm lại, nếu đoạn trích ở câu nghị luận văn học gọn hơn một chút thì đây là một đề thi vừa sức, có khả năng phân hoá và phù hợp với mục đích và khuôn khổ của kì thi tốt nghiệp 2024” - cô Hà nhấn mạnh.
Tương tự, cô Nghiêm Thị Hồng Phượng, giáo viên Ngữ văn Trường THPT Nguyễn Trung Ngạn, Hưng Yên nhận định đề Văn thi tốt nghiệp THPT quen thuộc, bám sát cấu trúc đề minh hoạ của Bộ GD&ĐT tuy nhiên đề hơi dài.
Mặc dù không có nhiều yếu tố bất ngờ, đánh đố, nhưng theo cô Phượng, đề thi này khá thú vị, có độ phân hóa học sinh.
Cụ thể, theo cô Phượng, phần nghị luận xã hội có tính thời sự, khai thác vấn đề tôn trọng cá tính, nhất là trong thời đại chủ nghĩa cá nhân đang ngày càng phổ biến, đặc biệt là ở Gen Z.
“Câu 4 trong phần nghị luận xã hội là một câu hỏi khá mở, giúp khai thác và phát huy được quan điểm, thái độ của thí sinh. Câu hỏi này đòi hỏi học sinh phải tư duy mạch lạc, rõ ràng thì mới có thể làm rõ được tư tưởng con người cần có cá tính, cảm xúc riêng nhưng cũng cần biết cân bằng để sống trong tập thể và tôn trọng người khác” - cô Phượng nói.
Về phần nghị luận văn học, theo cô Phượng, bài thơ Đất Nước là tác phẩm quen thuộc, trọng tâm, các câu hỏi vừa sức với học sinh và cũng đúng với dự đoán, mong muốn của nhiều em. Về tổng quan, cô Phượng đánh giá học sinh không khó để đạt 6.5-7 điểm đối với đề Văn thi tốt nghiệp THPT năm học này.