Toàn cảnh kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024 theo chương trình cũ

(PLO)- Chiều 26-6, hơn 1 triệu thí sinh trên cả nước đã đến điểm thi làm thủ tục dự thi tốt nghiệp THPT và kỳ thi sẽ chính thức bắt đầu vào hôm nay (27-6) và ngày mai (28-6).

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Tại các điểm thi của kỳ thi tốt nghiệp THPT ở TP.HCM, cán bộ coi thi sinh hoạt rất kỹ với thí sinh (TS) về các vật dụng không được mang vào phòng thi, đặc biệt là điện thoại di động (ĐTDĐ).

Tại điểm thi Trường THPT Phan Đăng Lưu (quận Bình Thạnh), ngoài việc nhắc nhở, điểm thi còn bố trí một nhân viên giữ ĐTDĐ cho TS trong suốt quá trình diễn ra kỳ thi. Hơn nữa, còn có các giám thị đứng ở hành lang thường xuyên nhắc nhở các em về việc không được phép mang ĐTDĐ vào phòng thi.

Sở GD&ĐT TP.HCM cho biết nếu điểm thi nào để xảy ra tình trạng TS mang ĐTDĐ vào phòng thi, trưởng điểm thi sẽ phải chịu trách nhiệm.

thi tốt nghiệp THPT
Cũng trong buổi sinh hoạt, cán bộ coi thi nhắc nhở các em hạn chế mang những vật dụng không cần thiết. Đặc biệt cấm tuyệt đối việc mang điện thoại di động vào phòng thi. Ảnh: DI LINH

Đề thi năm cuối cùng chương trình cũ ra sao?

Tại buổi làm thủ tục dự thi vào chiều 26-6, nhiều TS cảm thấy lo lắng khi đây là lứa TS cuối cùng theo chương trình cũ.

Tại điểm thi Trường THPT Phan Đăng Lưu (quận Bình Thạnh), em Đỗ Khắc Anh Khôi tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT với tổ hợp khoa học xã hội. Khác với những TS khác, em Khôi dùng kết quả của kỳ thi này để xét tuyển vào Trường ĐH Công thương TP.HCM nên em có lo lắng một chút. Để chuẩn bị cho kỳ thi, ngoài học trên lớp, em Khôi còn đi học thêm.

“Kỳ thi này là kỳ thi cuối cùng của lứa TS theo chương trình giáo dục phổ thông 2006. Vì thế em khá hồi hộp bởi nếu mình không đậu thì năm sau rất khó có thể bắt kịp các bạn. Do đó, em hy vọng đề vừa sức, không đánh đố” - em Khôi nói.

Ông Huỳnh Văn Chương, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD&ĐT, cho biết đề thi giữ ổn định định dạng như năm 2023. Tuy nhiên, đề thi có tăng cường một số nội dung liên quan đến vận dụng thực tiễn ở một số môn để từng bước tiệm cận với định hướng đánh giá năng lực.

Phần mềm hỗ trợ cho hội đồng ra đề thi và phần mềm chấm thi trắc nghiệm trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 cũng được giữ ổn định như năm 2023. Trong khi đó, hệ thống quản lý thi được điều chỉnh, bổ sung một số biểu mẫu báo cáo theo đề nghị của các sở GD&ĐT để bảo đảm thuận tiện cho người sử dụng.

Các phần mềm này đã được Bộ GD&ĐT phối hợp với Bộ Công an tổ chức kiểm tra, rà soát, đánh giá về an ninh, an toàn trước khi triển khai và đưa vào sử dụng. Trước đó, Bộ GD&ĐT cũng đã công bố đề thi minh họa để học sinh và các trường tham khảo từ đó có định hướng dạy học phù hợp.

Trong trường hợp quên giấy tờ, thẻ dự thi, các em có thể trình bày với trưởng điểm thi để được giải quyết. Việc chạy về lấy giấy tờ sẽ gây ra tâm trạng căng thẳng, áp lực không đáng có khiến các em không thể làm tốt bài thi. Thay mặt cho lãnh đạo Sở GD&ĐT TP.HCM, thầy chúc tất cả các em có được kết quả mình mong muốn trong kỳ thi này.

Ông NGUYỄN VĂN HIẾU, Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM.

Tổ chức kỳ thi với tinh thần “bốn đúng, ba không”

Ông Phạm Ngọc Thưởng, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT, Trưởng Ban chỉ đạo kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024, nhấn mạnh đây là năm cuối cùng thi theo chương trình giáo dục phổ thông 2006.

Kỳ thi tổ chức với mục đích quan trọng là để xét tốt nghiệp THPT, đánh giá chất lượng GD&ĐT, đồng thời làm căn cứ để xét tuyển ĐH - CĐ. Do đó, Bộ GD&ĐT đề nghị tất cả địa phương thực hiện nghiêm túc, trách nhiệm công tác thanh tra, kiểm tra ở tất cả các khâu của kỳ thi tốt nghiệp THPT.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT nhắc lại tinh thần “bốn đúng, ba không” đã được quán triệt từ kỳ thi năm 2023 và tiếp tục lưu ý thực hiện trong kỳ thi năm nay. “Bốn đúng” là đúng quy chế và hướng dẫn thi; đúng và đủ quy trình; đúng vị trí, chức trách, nhiệm vụ được giao; đúng thời điểm để kịp thời xử lý tình huống, sự cố bất thường. “Ba không” là không lơ là, chủ quan; không căng thẳng, áp lực thái quá; không tự ý xử lý tình huống, sự cố bất thường.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT nhấn mạnh các địa phương cho tới thời điểm này đã chuẩn bị hết sức chu đáo, trách nhiệm cho kỳ thi.

Cũng theo Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng, trong bối cảnh công nghệ phát triển như hiện nay thì không thể tránh khỏi việc xuất hiện ngày càng nhiều các thiết bị tinh vi không chỉ phục vụ cho gian lận thi cử mà còn cho nhiều hoạt động khác. Vấn đề của chúng ta là phải làm tốt công tác phòng, chống.

Để có thể phát hiện, ngăn chặn thiết bị gian lận thi cử, Bộ GD&ĐT đã phối hợp với các đơn vị chức năng của Bộ Công an tập huấn cho tất cả cán bộ làm công tác thi. Tiếp đó, công an các tỉnh, TP tiếp tục tập huấn về nhận diện các thiết bị công nghệ cao và nguy cơ TS có thể sử dụng cho đội ngũ cán bộ, giáo viên làm công tác thi tại các địa phương.

“Chúng tôi xác định lấy phòng ngừa, nhận diện, ngăn chặn là chính. Dù hiện nay các thiết bị công nghệ cao với mục đích gian lận có xuất hiện tràn lan như thế nào đi nữa thì quan trọng nhất vẫn là lựa chọn con người. Đồng thời với đó là làm tốt công tác truyền thông để TS hiểu rõ mức độ nghiêm trọng của việc bị phát hiện gian lận và xử lý nghiêm với những trường hợp cố tình vi phạm” - Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng nhấn mạnh.•

Những mốc thời gian sau kỳ thi tốt nghiệp THPT

Chậm nhất ngày 14-7: Các ban chỉ đạo cấp tỉnh, các hội đồng thi tổ chức chấm thi, tổng kết công tác chấm thi, đối sánh kết quả thi.

8 giờ ngày 17-7: Công bố kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024.

Chậm nhất ngày 19-7: Xét công nhận tốt nghiệp THPT.

Chậm nhất ngày 21-7: Công bố kết quả tốt nghiệp THPT.

Chậm nhất ngày 23-7: Hiệu trưởng trường THPT cấp giấy chứng nhận tốt nghiệp tạm thời; trả học bạ và các loại giấy chứng nhận liên quan (bản chính) cho TS. Các hội đồng thi in và gửi giấy chứng nhận kết quả thi cho TS.

Từ ngày 17 đến hết ngày 26-7: Các đơn vị đăng ký dự thi nhận đơn phúc khảo và lập danh sách phúc khảo.

Chậm nhất ngày 4-8: Tổ chức phúc khảo bài thi.

Chậm nhất ngày 9-8: Xét công nhận tốt nghiệp THPT sau phúc khảo.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm