Thi trắc nghiệm: Chỉ cần 'ho' là cả phòng làm được?

Trước câu hỏi của các ĐB về "phương án thi trắc nghiệm có phải là phương án tối ưu, đánh giá đúng kết quả học tập của học sinh hay không?", Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ đã khẳng định như trên.

Theo Bộ trưởng đề thi trắc nghiệm là phương thức kiểm tra kiến thức học toàn diện, tránh học tủ, học lệch. Phương thức nào cũng có cái hay cái hạn chế, không thể có phương án thập toàn thập mỹ và luôn tốt trong thời gian dài.

“Chúng tôi đã hỏi kỹ, phần lớn chuyên gia đồng ý thi trắc nghiệm sẽ đánh giá toàn diện hơn, đánh giá thực lực trong khi thi tự luận chỉ tập trung vào một nhóm vấn đề. Các nước trên thế giới cũng làm thế, ví dụ như Hàn Quốc, Trung Quốc…”, Bộ trưởng Nhạ nói.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ đang trả lời chất vấn. Ảnh: Chân Luận

Trước khẳng định của tư lệnh ngành giáo dục, ĐB Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) tranh luận: “Bộ trưởng nói thi trắc nghiệm là ưu việt tuyệt đối nhưng tôi thấy ngược lại”.

ĐB Nga phân tích với các môn tự nhiên như lý, hóa, sinh, nếu thi tốt nghiệp không rèn được kỹ năng thực hành cho học sinh. Với môn ngoại ngữ, kỹ năng nghe nói đều yếu cần rèn luyện nhưng thi trắc nghiệm không thể hiện được năng lực này. Trong khi các trường tốn kém đầu tư cơ sở hạ tầng học thực hành nhưng giờ lại không dùng đến.

Đại biểu Việt Nga, Đoàn Hải Dương chất vấn về phương án thi trắc nghiệm.

“Nói thi trắc nghiệm công bằng và tránh gian lận nhưng các cháu đi thi về nói chỉ thích thi trắc nghiệm. Bởi vì (lớp cháu đó) chỉ cần chọn ra một bạn học giỏi nhất, bôi dầu gió giả bệnh rồi cứ bạn ho một tiếng thì cả phòng chọn phương án 1, ho hai tiếng là phương án 2. Trong quy chế thi không ai cấm thí sinh ho. Như vậy đây có phải là phương án tốt hay không?". Phần chất vấn của đại biểu Nga đã khiến cả nghị trường cười ồ.

Trước quan điểm này, Bộ trưởng Nhạ nhận định vấn đề nhắc bài như trên sẽ không xảy ra vì trong phòng thi trắc nghiệm mỗi thí sinh có một mã đề khác nhau, đề thi khác nhau. 

“Thi tốt nghiệp là kỳ thi chung, mục tiêu đặt ra để kiểm tra kiến thức cơ bản, toàn diện chứ không phải chuyên môn. Thi trắc nghiệm không phải là đố biết hay không mà có rất nhiều câu hỏi liên quan đến tư duy phản biện, không chỉ nhớ máy móc.

Đổi mới một phương thức thi hay một bài thi, chúng tôi rất cân nhắc vì ảnh hưởng đến hàng triệu người. Tuy nhiên, không có phương án nào có ưu việt tuyệt đối. Đây là phương án phù hợp nhất trong các phương án phù hợp với mục tiêu thi nên chúng tôi chọn. Đây là con đường đi giống các nước phát triển xung quanh chúng ta đã làm”, bộ trưởng phân tích.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới