Trong bối cảnh này, nhiều người dân đại lục đã chuyển hướng sang tiêu thụ các sản phẩm của các thương hiệu nước ngoài với kỳ vọng chất lượng sản phẩm cao hơn. Tuy nhiên, phát hiện mới đây về các loại thịt cung cấp cho các hãng sản xuất đồ ăn nhanh nước ngoài đang khiến người tiêu dùng Trung Quốc choáng váng.
Cú sốc đối với “tín đồ” đồ ăn nhanh
Ngày 21/7, giới chức thành phố Thượng Hải đã đóng cửa công ty Shanghai Husi Food Co Ltd, thuộc hãng cung cấp thực phẩm OSI của Mỹ vì đã bán thịt quá hạn sử dụng cho các nhà hàng lớn, trong đó có McDonald's và KFC.
Đài truyền hình Thượng Hải cho biết công nhân tại nhà máy OSI ở Trung Quốc đã trộn thịt hết hạn với thịt mới và cố tình lừa dối các nhân viên kiểm định chất lượng của McDonald's.
Trong một tuyên bố, Cơ quan Dược phẩm và Thực phẩm Thượng Hải cho biết giới chức thành phố đã đóng cửa nhà máy và tịch thu các sản phẩm bị nghi ngờ dùng thịt quá hạn sử dụng.
Theo tờ Shanghai Daily, ngoài nhà hàng McDoland's và KFC, những khách hàng khác của Husi Food có Burger King, Papa John, chuỗi cửa hàng cà phê Starbuck và hãng Subway chuyên sản xuất bánh mỳ kẹp thịt sandwich.
Vụ việc nói trên đã vỡ lở, sau khi các nhà báo nước này thực hiện một cuộc điều tra bí mật và phát hiện một số nguyên liệu đã quá hạn 7 tháng nhưng vẫn được sử dụng. Công bố này đã gây ra cú sốc lớn đối với những “tín đồ” của các hãng bán đồ ăn nhanh như Mc Donald’s và KFC ở Trung Quốc.
Vụ việc gây sốc không chỉ vì sự vi phạm luật pháp mà còn vì Husi Food, một thành viên của tập đoàn OSI có trụ sở ở Mỹ, xưa nay vẫn được coi là một doanh nghiệp tuân thủ các quy định và luật pháp Trung Quốc. Thậm chí, Husi Food còn được chính quyền địa phương đưa vào danh sách công ty kiểu mẫu về an toàn thực phẩm.
Các nhà phân tích nhận định vụ bê bối này sẽ giáng một đòn mạnh vào thị trường đồ ăn nhanh của Trung Quốc - có giá trị lên tới 174 tỷ USD (theo số liệu của Euromonitor) - và sẽ phải mất một thời gian dài để khôi phục lòng tin của người tiêu dùng.
McDonald's và KFC lên tiếng xin lỗi
Tập đoàn Yum Brands Inc, sở hữu chuỗi nhà hàng KFC và McDonald's Corp, đã lên tiếng xin lỗi khách hàng ngay sau kết luận của cơ quan điều tra về an toàn thực phẩm của Trung Quốc, đồng thời cho niêm phong và ngưng sử dụng tất cả các sản phẩm do công ty Husi Food cung cấp.
Hai chuỗi đồ ăn nhanh khác tại Trung Quốc là Burger King và Dicos cũng tuyên bố ngừng sử dụng sản phẩm của Husi Food.
Chuỗi nhà hàng pizza của Papa John's khẳng định đã hủy toàn bộ sản phẩm thịt do Husi Food cung cấp và cắt đứt quan hệ với công ty này.
Chuỗi nhà hàng pizza của Papa John's khẳng định đã hủy toàn bộ sản phẩm thịt do Husi Food cung cấp và cắt đứt quan hệ với công ty này.
Không chỉ thị trường Trung Quốc bị ảnh hưởng, phát ngôn viên của McDonald’s tại Nhật Bản cho biết cơ quan này đã mua khoảng 1/5 nguyên liệu thịt gà cho món Chicken McNuggets từ Husi Food và đã dừng bán món này từ hôm 21/7. Ngay sau đó, cổ phiếu của McDonald’s đã giảm 1,4% xuống mức thấp nhất trong 15 tháng.
Tại một cuộc họp báo, Giám đốc điều hành McDonald's Corp, Don Thompson cho rằng họ bị bên kiểm định “lừa dối”. Hiện nay, nhiều nhà hàng của Mỹ sử dụng một bên thứ ba để kiểm tra chất lượng an toàn thực phẩm.
Các chuyên gia nhận định vụ bê bối “thịt bẩn” lần này là một đòn giáng mạnh vào các thương hiệu đồ ăn nhanh nước ngoài (hầu hết là từ Mỹ) tại Trung Quốc.
Một chuyên gia tỏ ý lo ngại về triển vọng kinh doanh trong thời gian tới của các hãng như McDonald’s tại Trung Quốc, bởi "lời xin lỗi không thể giúp sửa chữa mọi thứ một cách dễ dàng."
Một nhà phân tích khác dự kiến hoạt động kinh doanh của các hãng sản xuất đồ ăn nhanh tại Trung Quốc có thể tạm thời bị gián đoạn.
Trung Quốc hiện là thị trường lớn thứ ba của McDonald’s. Husi Food, đã cung cấp nguyên liệu cho chuỗi nhà hàng tại Trung Quốc của McDonald' kể từ đầu những năm 1990.
Lỗ hổng trong quản lý
Vụ bê bối ở Husi không phải là vụ đầu tiên mà các nhà báo phát hiện ra các hành vi thiếu trung thực của doanh nghiệp. Các nhà chức trách chỉ nhập cuộc sau khi thông tin đã được các phương tiện truyền thông phát đi.
Các nhà chức trách lập luận rằng họ đã tiến hành các cuộc kiểm tra thường xuyên nhưng chỉ phát hiện ra những vấn đề không lớn. Câu hỏi được đặt ra ở đây là: “Tại sao các nhà chức trách không thể tìm ra những vấn đề nghiêm trọng ở những công ty như Husi Food?”
Trên thực tế, rất nhiều cuộc kiểm tra đã được các nhà quản lý doanh nghiệp biết trước. Do đó, doanh nghiệp có dư thời gian để đảm bảo các hoạt động bất hợp pháp (nếu có) không bị phát hiện. Rõ ràng, các nhà chức trách nên tiến hành các cuộc kiểm tra an toàn thực phẩm đột xuất nhiều hơn.
Ngoài ra, cơ quan chức năng cũng cần phải được giám sát chặt chẽ. Nếu có bằng chứng cho thấy các cơ quan này không hoàn thành nhiệm vụ, họ cũng sẽ bị phạt. Sự thay đổi này sẽ tăng thêm gánh nặng đối với cơ quan phụ trách an toàn thực phẩm nhưng đây là nỗ lực cần thiết để cải thiện chất lượng thực phẩm ở Trung Quốc.
Quốc gia đông dân nhất thế giới đã từng bị chấn động bởi một loạt vụ bê bối liên quan đến an toàn thực phẩm do việc thực thi các quy định lỏng lẻo và tình trạng làm ăn gian dối của các nhà sản xuất.
Một trong những vụ được cho là bê bối thực phẩm nghiêm trọng nhất tại Trung Quốc xảy ra hồi năm 2008, khi các sản phẩm sữa bị phát hiện có nhiễm hoá chất công nghiệp melamine - nguyên nhân làm ít nhất sáu trẻ sơ sinh thiệt mạng và 300.000 người nhiễm bệnh./.
Theo Vietnam+