Thị trường lao động có dấu hiệu phục hồi

Theo một báo cáo mới nhất của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), đã bắt đầu xuất hiện những dấu hiệu phục hồi trên thị trường lao động sau những gián đoạn chưa từng có tiền lệ do đại dịch COVID-19 gây ra trong năm 2020.

Số liệu mới nhất của ILO cho thấy thời giờ làm việc toàn cầu đã sụt giảm 8,8% trong năm vừa qua (so với quý 4 năm 2019), tương đương với 255 triệu việc làm toàn thời gian. Con số này gấp khoảng bốn lần mức độ tổn thất về thời giờ làm việc trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2009.

Đáng báo động, mức độ mất việc làm chưa từng có tiền lệ, với 114 triệu người. Trong đó, 71% số việc làm bị mất này (tương đương 81 triệu người) là người lao động không còn tham gia hoạt động kinh tế, thay vì thất nghiệp.

Điều này có nghĩa là người lao động rời bỏ thị trường lao động do họ không thể làm việc, có thể là do các biện pháp kiểm soát đại dịch hay chỉ đơn giản là ngừng tìm việc.

Số liệu mới nhất của ILO cho thấy thời giờ làm việc toàn cầu đã sụt giảm 8,8% trong năm 2020. Ảnh: PHONG ĐIỀN

ILO đánh giá những thiệt hại vô cùng lớn này khiến thu nhập từ lao động trên toàn cầu giảm 8,3% (trước khi có các biện pháp hỗ trợ), tương đương với 3,7 nghìn tỉ đô la Mỹ hay 4,4% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu.

ILO phân tích, những gián đoạn thị trường lao động do đại dịch đã ảnh hưởng nặng nề hơn tới phụ nữ so với nam giới. Tỉ lệ mất việc làm của phụ nữ trên toàn cầu là 5% trong khi con số này ở nam giới là 3,9%. Đặc biệt là so với nam giới, phụ nữ dễ rời bỏ thị trường lao động và rơi vào tình trạng không còn hoạt động kinh tế hơn. 

Lao động trẻ cũng bị ảnh hưởng đặc biệt nghiêm trọng, hoặc mất việc, rời bỏ lực lượng lao động hay trì hoãn tham gia lực lượng lao động. Tỉ lệ mất việc của thanh niên (những người trong độ tuổi từ 15-24) là 8,7%, trong khi tỉ lệ mất việc của người trưởng thành là 3,7%.

ILO thận trọng đánh giá những dấu hiệu phục hồi này là rất đáng mừng nhưng cũng mong manh và rất không chắc chắn. Ảnh: PHONG ĐIỀN

Các chuyên gia của ILO chỉ ra, dịch vụ lưu trú và ăn uống là hai lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất, với số lượng việc làm giảm trung bình hơn 20%, tiếp đến là lĩnh vực bán lẻ và sản xuất. Ngược lại, việc làm trong lĩnh vực thông tin truyền thông, tài chính và bảo hiểm lại tăng trong quý II và quý III năm 2020.

Mặc dù vẫn còn nhiều bất ổn, tuy nhiên số liệu dự báo năm 2021 mới nhất cho thấy hầu hết các nước sẽ phục hồi tương đối mạnh trong nửa cuối năm khi các chương trình tiêm phòng vắc xin bắt đầu được triển khai.

“Những dấu hiệu phục hồi này là rất đáng mừng nhưng cũng mong manh và rất không chắc chắn. Chúng ta phải nhớ rằng không một nước nào hay một nhóm đơn lẻ nào có thể đơn phương hồi phục sau đại dịch”- ông Guy Ryder, Tổng Giám đốc ILO, nhận định.

Báo cáo cũng đưa ra một số những khuyến nghị chính sách cho công cuộc phục hồi. Cụ thể, tiếp tục duy trì các chính sách kinh tế vĩ mô trong năm 2021 và các năm tiếp theo, bao gồm các chính sách kích thích tài khóa, khi phù hợp và các biện pháp hỗ trợ thu nhập và thúc đẩy đầu tư.

Cùng đó, các biện pháp có tính mục tiêu hướng đến phụ nữ, thanh niên và người lao động có tay nghề thấp và được trả lương thấp và các nhóm dân số khác bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch.

Hỗ trợ quốc tế cho các nước có thu nhập thấp và trung bình, là các nước có nguồn tài chính hạn hẹp hơn để triển khai vắc xin và thúc đẩy phục hồi kinh tế và việc làm...

Báo cáo số 7 của ILO

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới