Thị trường trái phiếu doanh nghiệp sẽ “dễ thở” hơn

(PLO)- Các chuyên gia nhận định việc sửa đổi Nghị định 65/2022 sẽ mở đường tháo gỡ phần nào nút thắt trong thời gian qua.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

TS ĐINH THẾ HIỂN, chuyên gia kinh tế: “Dễ thở” hơn với quy định mới

Thời gian qua, Nghị định 65 thắt chặt khiến doanh nghiệp (DN) khó đáp ứng các yêu cầu về xếp hạng tín nhiệm, về tài sản bảo đảm để phát hành trái phiếu. Nếu nghị định này không chỉnh sửa kịp thời thì trong năm nay các DN sẽ rất khó phát hành trái phiếu đảo nợ.

Vì hiện nay thanh khoản của nền kinh tế bị hạn chế, đặc biệt là người dân đang có xu hướng rút tiền khỏi các kênh đầu tư và quay trở lại kênh tiết kiệm. Như vậy, thanh khoản và khả năng huy động vốn của DN lại càng khó hơn.

Đa số DN bất động sản (BĐS) đều gặp áp lực đáo hạn khi số vốn mà họ có được nhờ phát hành trái phiếu lại nằm trong các dự án BĐS đang triển khai và các sản phẩm chưa bán ra được để thu hồi trả nợ.

Vì vậy dự thảo sửa đổi Nghị định 65 cho phép gia hạn nợ trái phiếu tối đa hai năm sẽ tạo ra độ giãn để các nhà phát hành, đặc biệt là DN BĐS, ngân hàng và công ty chứng khoán có thêm thời gian xử lý.

Tuy nhiên, cũng chưa thể kỳ vọng trong năm 2023 thì thị trường trái phiếu sẽ phục hồi. Như năm 2021, thị trường trái phiếu phát triển rất tốt trong dịch COVID-19 nhưng đó là sự thành công ảo. Trong khi đó, những năm 2017-2019, thị trường BĐS tốt nhưng lượng trái phiếu phát hành bình quân mỗi năm chỉ khoảng 220.000 tỉ đồng.

Nếu những quy định tại dự thảo Nghị định 65 sửa đổi này được thông qua sẽ hỗ trợ phần nào cho thị trường trái phiếu DN. Thế nhưng chúng ta cũng thấy rằng uy tín hay sức hút của trái phiếu đều gắn với thị trường.

Ví dụ khi thị trường BĐS đang tốt, nhà đầu tư (NĐT) sẽ mua trái phiếu của DN BĐS bởi người ta tin rằng các DN này sẽ phát triển tốt và ngược lại.

Như vậy, điều kiện cần để thị trường trái phiếu hồi phục là sự quản lý của Nhà nước, thông qua các quy định rõ ràng và sát thực để việc phát hành trái phiếu đúng pháp luật và nhu cầu thực; điều kiện đủ là các thị trường liên quan phải có sự phục hồi để NĐT tin rằng DN sẽ đủ khả năng trả nợ.

Việc lùi xếp hạng tín nhiệm trong giai đoạn này không ảnh hưởng gì đến giá trị của trái phiếu. NĐT không nên kỳ vọng quá nhiều vào việc xếp hạng tín nhiệm sẽ bảo đảm cho giá trị trái phiếu của DN, mà nên tập trung phân tích hai chủ thể là DN phát hành và đơn vị bảo lãnh phát hành để xác định trái phiếu đáng đầu tư.

Nguyên tắc đơn vị phát hành càng uy tín, càng được cổ đông đánh giá cao thì càng tăng giá trị cho trái phiếu. Đồng thời, đơn vị bảo lãnh phát hành càng là tổ chức lớn, có kinh nghiệm và uy tín thì càng tăng độ an toàn của trái phiếu.

Bởi nếu là đơn vị bảo lãnh uy tín thì ít khi chọn bảo lãnh phát hành cho những công ty không có tiềm lực. NĐT không nên kỳ vọng quá nhiều vào việc xếp hạng tín nhiệm sẽ bảo đảm cho giá trị trái phiếu của DN mà nên lưu ý hai yếu tố trên.

Không chỉ riêng Việt Nam, ngay cả các nước phát triển, nơi có những phương án xử lý nợ đa dạng trong bối cảnh khủng hoảng tài chính, trong đó có việc DN thỏa thuận với trái chủ để tìm phương án hợp lý nhất.

Nếu không gia hạn, DN sẽ không đủ thời gian sắp xếp sản xuất, kinh doanh, thực hiện dự án, bán hàng để có nguồn thu nhằm trả nợ. Nếu DN phá sản thì các trái chủ sẽ thiệt hại rất lớn. Và phương án lùi thời hạn chỉ giúp DN giảm bớt áp lực, còn để vượt qua khó khăn, phục hồi thì cần nhiều điều kiện khác nữa như gỡ vướng pháp lý, thị trường…

PGS-TS ĐINH TRỌNG THỊNH, chuyên gia tài chính: Đổi trái phiếu lấy bất động sản coi chừng “con dao 2 lưỡi”

Đề xuất cho phép DN được thay đổi kỳ hạn, hoán đổi trái phiếu đã phát hành theo quy định của pháp luật về phát hành trái phiếu tối đa không quá hai năm so với kỳ hạn tại phương án phát hành đã công bố cho NĐT sẽ giúp những DN làm ăn chân chính được tiếp tục phát hành thay vì thắt chặt.

Nếu những quy định này nhanh chóng có hiệu lực sẽ mang lại tác động tích cực cho thị trường trái phiếu, lĩnh vực BĐS và cả nền kinh tế.

Về đề xuất giãn thời gian thực hiện đối với quy định yêu cầu bắt buộc xếp hạng tín nhiệm và xác định tư cách NĐT chứng khoán chuyên nghiệp trong vòng một năm sẽ tạo điều kiện cho NĐT không chuyên hiện nay tiếp tục đầu tư, vừa giúp nhà phát hành mới có khả năng phát hành mà không bị vi phạm quy định.

Hiện có nhiều NĐT dưới chuẩn đang mua trái phiếu DN riêng lẻ. Nếu theo quy định mới, họ sẽ không phải là NĐT chuyên nghiệp. Dự thảo sửa đổi Nghị định 65 đề xuất lùi thời hạn áp dụng tiêu chuẩn NĐT chuyên nghiệp tạo điều kiện để những NĐT dưới chuẩn tiếp tục được mua trái phiếu mới để DN đảo nợ.

Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là cần có giải pháp cho phù hợp, vừa bảo đảm thông thoáng, tạo thuận lợi cho nhà phát hành, vừa hướng tới hạn chế rủi ro cho NĐT.

Về đề xuất giải pháp hoán đổi trái phiếu sang BĐS, đây là “con dao hai lưỡi”.

Về tích cực, giải pháp này sẽ tạo cơ hội cho người dân có thể mua được nhà ở với giá rẻ hơn thị trường, đồng thời chứng minh bên phát hành trái phiếu có tài sản để đảm bảo, giúp người dân yên tâm hơn khi đầu tư.

Mặt hạn chế là về lâu dài, một tiền lệ xấu sẽ có nguy cơ xảy ra, đó là một số DN sẽ có thể phát hành trái phiếu với tâm thế luôn bán được hàng, kể cả khi có gặp khó khăn thực sự hay không, chỉ bằng cách hạ giá BĐS để thanh lý trái phiếu.

Ông LÊ HOÀNG CHÂU, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM (HoREA): Nên cho ngân hàng mua lại trái phiếu với mục đích đảo nợ

Trong bối cảnh thị trường BĐS đang gặp nhiều khó khăn và đa số DN BĐS đang gặp vấn đề trong việc đáo hạn thì việc cho phép gia hạn kỳ hạn của trái phiếu thêm một năm sẽ tạo dư địa, cho phép các nhà phát hành. Đặc biệt là DN BĐS có thêm thời gian xử lý vấn đề trái phiếu, giảm áp lực và tăng niềm tin cho thị trường.

Hiện nay, bên cạnh khó khăn lớn nhất là vướng mắc pháp lý chiếm 70% khó khăn của các DN BĐS thì khó khăn trực tiếp tiếp theo là vấn đề trái phiếu DN riêng lẻ đến hạn và các khoản vay tín dụng đến hạn kéo theo rủi ro chuyển thành nợ xấu hoặc nhảy nhóm nợ xấu hơn.

Quy định tại điểm a khoản 8 Thông tư 16/2021 của Ngân hàng Nhà nước quy định tổ chức tín dụng không được mua trái phiếu DN trong trường hợp trái phiếu DN phát hành, trong đó có mục đích để cơ cấu lại các khoản nợ của chính DN phát hành. Trong lúc Nghị định 65/2022/NĐ-CP cho phép DN được phát hành trái phiếu có mục đích để cơ cấu lại các khoản nợ của chính DN phát hành.

Vì vậy, Ngân hàng Nhà nước sớm sửa đổi Thông tư 16/2021 theo hướng cho phép ngân hàng được mua trái phiếu phát hành với mục đích đảo nợ phù hợp với Nghị định 65.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm