Các nhà tuyển dụng đánh giá trong vòng một năm trở lại đây, thị trường lao động đã trải qua những thay đổi nhanh chóng với hai diễn biến đối lập.
Kết quả khảo sát mới nhất của Anphabe (đơn vị cung cấp các giải pháp thương hiệu nhà tuyển dụng và môi trường làm việc hạnh phúc) và LinkedIn (cộng đồng người đi làm chuyên nghiệp lớn nhất thế giới), đánh giá cuối năm 2021, chứng kiến sự xuất hiện của trào lưu “nghỉ việc ồ ạt” sau đại dịch COVID-19 khiến nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc tuyển dụng người thay thế.
Tuy nhiên, đến cuối năm 2022, tình hình đã hoàn toàn thay đổi với "cơn bão sa thải" lan rộng trên toàn cầu, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ. Sa thải trở thành một xu hướng phổ biến trên các nền tảng mạng xã hội, thể hiện sự quan ngại và tác động đáng kể của tình trạng này đối với người lao động.
Các chuyên gia nhân sự của Anphabe cho rằng Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng này khi "sóng thần sa thải" nhanh chóng ập đến và tác động mạnh mẽ đến tình hình tuyển dụng trong nước.
Dữ liệu từ LinkedIn cho thấy, tỉ lệ tuyển dụng ở Việt Nam đã giảm 36.3% tính đến tháng 4-2023.
Kết quả khảo sát từ Navigos Search, đơn vị cung cấp dịch vụ tuyển dụng nhân sự trung và cấp cao tại Việt Nam, cũng thể hiện thị trường tuyển dụng khá đìu hiu.
Cụ thể, từ cuối năm 2022, thị trường đã bắt đầu đối mặt với nhiều thách thức, ngành sản xuất cũng bị ảnh hưởng nặng nề. Nhiều doanh nghiệp phải cắt giảm hàng loạt nhân sự, thu hẹp quy mô hay tái cơ cấu nguồn lực để duy trì hoạt động kinh doanh. Bên cạnh đó, không ít doanh nghiệp tạm dừng kinh doanh để chờ tín hiệu từ thị trường.
Lãnh đạo các doanh nghiệp than phiền họ phải đối mặt với nhiều thách thức hơn bất kỳ thời điểm nào. Mặc dù dù đại dịch đã qua, các doanh nghiệp vẫn hứng chịu sự đứt gãy chuỗi cung ứng, áp lực lạm phát, chi phí đầu vào tăng, suy thoái kinh tế, vấn đề an sinh xã hội. Bên cạnh đó, sản lượng đơn hàng và đơn hàng đặt mới giảm mạnh, kéo theo giảm việc làm.
Theo khảo sát của Navigos Search, khó khăn rơi vào các ngành sản phẩm công nghiệp, sản xuất hàng tiêu dùng/thực phẩm, dệt may/da giày, sản xuất vật liệu xây dựng, công nghệ cao, nông nghiệp/lâm nghiệp, tự động hóa/ô tô, dược phẩm/công nghệ sinh học.
Các doanh nghiệp dự đoán sẽ mất khoảng 12 tháng hoặc lâu hơn thị trường mới phục hồi trở lại; chỉ có 8% cho rằng kinh tế sẽ phục hồi sau ba tháng.
Với đánh giá thận trọng này, các doanh nghiệp mong muốn giảm thuế, lệ phí; giảm lãi suất vay. Trong thời gian đơn hàng sụt giảm, các doanh nghiệp tập trung cải thiện năng suất nhằm đón đầu thị trường sau khi khủng hoảng hoặc đảm bảo hoạt động kinh doanh tối thiểu, chủ yếu là doanh nghiệp dệt may/da giày…
Để "tồn tại" các doanh nghiệp chọn giải pháp thu hẹp quy mô, chọn lọc nhân viên, tuyển lao động có chuyên môn và tay nghề.
Còn người lao động cắt giảm chi phí sinh hoạt, làm thêm công việc bên ngoài, tăng ca để cải thiện thu nhập, đảm bảo sinh hoạt tối thiểu.