Thiếu nguồn điện ở miền Bắc đã được cảnh báo từ lâu

(PLO)- Việc mất điện đã xảy ra nhiều nơi ở miền Bắc, ảnh hướng lớn đến sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống của người dân. 
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Trao đổi với PLO, PGS.TS Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế, cho rằng, việc thiếu điện, mất điện đã được dự báo trước.

.Theo ông, nguyên nhân thiếu điện xuất phát từ đâu?

+ Ông Ngô Trí Long: Có nhiều nguyên nhân được Bộ Công Thương và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) chỉ ra. Đó là nhiều thủy điện vận hành dưới mức nước chết, nhiệt điện suy giảm công suất do huy động tối đa trong thời gian dài, khả năng truyền tải điện từ miền Trung ra miền Bắc luôn ở ngưỡng giới hạn cao.

Cùng với đó, nắng nóng gay gắt và tác động của hiện tượng El Nino diễn ra tại nhiều địa phương trên cả nước đã làm tăng nhu cầu điện sinh hoạt của người dân.Với thực trạng nguồn điện và hạ tầng lưới điện của chúng ta hiện tại, chuyện thiếu điện sẽ khó tránh khỏi.

Trong cơ cấu nguồn cung cấp điện cho miền Bắc, thủy điện chiếm tỉ trọng lớn (43,6%). Tuy nhiên, thời gian qua, nhiều hồ thủy điện ở miền Bắc và miền Trung về mức nước chết gồm: Lai Châu, Sơn La, Tuyên Quang, Bản Chát, Hủa Na, Thác Bà, Bản Vẽ,…

Điều này khiến cho công suất khả dụng của thủy điện đạt rất thấp. Trong khi đó, các nhà máy nhiệt điện đã vận hành với công suất huy động cao trong thời gian dài dẫn đến những sự cố về thiết bị. Nguồn nhiệt điện than ở miền Bắc chỉ huy động được khoảng 76,6% công suất lắp đặt. Bên cạnh đó, khả năng truyền tải điện từ dẫn đến tiềm ẩn nguy cơ sự cố.

Trong cơ cấu nguồn cung cấp điện cho miền Bắc, thủy điện chiếm tỉ trọng lớn. Ảnh: EVN

Trong cơ cấu nguồn cung cấp điện cho miền Bắc, thủy điện chiếm tỉ trọng lớn. Ảnh: EVN

Có thể thấy, chúng ta đang gặp khó khăn về nguồn điện từ những thực trạng trên. Thế nhưng nguyên nhân thiếu điện do nắng nóng chỉ mang tính thời điểm, tùy vào điều kiện thời tiết từng năm. Vấn đề cốt lõi nằm ở câu chuyện nguồn cung không đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ điện. Suốt thời gian dài, miền Bắc chưa có dự điện nào mới được triển khai. Chúng ta không có chiến lược đầu tư nguồn điện dài hơi.

Dù nguồn điện từ năng lượng tái tạo phát triển rầm rộ nhưng công suất lên lưới chưa nhiều xuất phát từ cơ chế giá chưa hấp dẫn nhà đầu tư, cộng với khả năng truyền tải hạn chế.

. Dường như các bộ ngành đã quá chậm trong việc triển khai phát triển nguồn điện mới cho miền Bắc?

+ Đúng vậy. Thiếu điện, mất điện mùa nắng nóng năm 2023 dường như là hệ quả của việc chúng ta không có nguồn điện mới đáp ứng nhu cầu phát triển cả thời gian dài. Từ 2019, giới chuyên gia và EVN đã đưa ra nhiều cảnh báo về vấn đề này.

Những năm dịch COVID-19 bùng phát, nhu cầu sử dụng điện ít hơn, thêm vào đó tình hình thủy văn tốt, sự bổ sung của nguồn điện mặt trời, điện gió đã giúp hệ thống điện vận hành tốt, ổn định.

Nhưng sau khi dịch COVID-19 được kiểm soát, sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và người dân trở lại bình thường, nhu cầu điện sử dụng điện tăng lên, bộc lộ ra những lỗ hổng về nguồn cung điện. Nhiệt điện than chững lại và xu hướng giảm do phải thực hiện cam kết của Việt về “phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050”, theo cam kết trong Cop26.

Chưa kể những dự án điện khí do EVN đầu tư chưa được triển khai bởi thủ tục phức tạp, làm các cơ quan nhà nước rất lúng túng trong việc xử lý, gây chậm tiến độ dự án.

Mới đây, đại diện Bộ Công Thương đã lên tiếng xin lỗi người dân và doanh nghiệp khi để xảy ra thiếu điện. Nhưng chỉ Bộ Công Thương và EVN gánh trách nhiệm, nhận lỗi thôi chưa đủ.

Như tôi đã chia sẻ ở trên, thiếu điện đã được cảnh báo từ lâu. Ủy ban quản lý vốn tại doanh nghiệp, Bộ Tài chính, Bộ KH&ĐT,...cũng có trách nhiệm trong chuyện này. Trong đó, Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng trong việc quản lý vốn, chiến lược, đầu tư xây dựng...của doanh nghiệp.

Theo Nghị định số 131/2018 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, thì Ủy ban này được giao quản lý trực tiếp 7 tập đoàn và 12 tổng công ty như: Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam,…Ủy ban được xem như cơ quan siêu bộ, nắm giữ, quản lý tài chính, nhân lực, chiến lược phát triển của các “ông lớn” DNNN.

.Theo ông, giải pháp nào để đảm bảo cung ứng điện hiện nay.

+ Không còn cách nào khác, Chính phủ, bộ ngành cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án điện mới. Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia đến 2030, tầm nhìn 2050 (Quy hoạch điện VIII) đã được phê duyệt. Đây là cơ sở pháp lý để thực hiện các dự án nguồn, lưới điện được xây dựng từ năm 2019, cũng như bổ sung các dự án mới.

Bên cạnh đó, các bộ ngành cần sớm triển khai chính sách nhằm phá độc quyền trong ngành điện và để nhà đầu tư ngoài tham gia. Thực tế, cũng nhờ đa dạng hóa thu hút các thành phần kinh tế đầu tư nên thời gian qua chúng ta đã phát triển được nhiều dự án, nhà máy sản xuất điện. Nhưng điểm đáng chú ý nhất của Quy hoạch VIII là yêu cầu có cơ chế khuyến khích thu hút vốn ngoài nhà nước đầu tư xây dựng vào hệ thống truyền tải điện quốc gia.

Nhiều ý kiến e ngại nếu để tư nhân tham gia vào lưới điện truyền tải sẽ khó kiểm soát nếu khi xảy ra sự cố điện bởi truyền tải điện là “xương sống” của hệ thống điện quốc gia, đảm bảo an ninh năng lượng. Tôi cho rằng lo ngại này có cơ sở nhưng không phải là không có giải pháp.

Theo đó, Nhà nước có thể áp dụng cơ chế xã hội hóa, doanh nghiệp tư nhân góp vốn cùng Nhà nước triển khai các dự án điện truyền tải, từ đó chia sẻ lợi nhuận, giảm thiểu rủi ro.

.Xin cảm ơn ông!

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm