Một phòng trọ mới được xây xong tại TP Thủ Đức.

Quy chuẩn cho nhà trọ, chung cư mini - Bài 2

Thiếu tiêu chuẩn xây dựng cho phòng trọ

(PLO)- Doanh nghiệp muốn xây phòng trọ cho thuê khang trang, an toàn nhưng quy định chỉ cho cá nhân, hộ gia đình kinh doanh loại hình này.

Toàn TP.HCM hiện có khoảng 60.500 công trình nhà trọ (có nhiều phòng trọ) do cá nhân, hộ gia đình đầu tư xây dựng, đáp ứng chỗ ở cho hơn 1,4 triệu người thuê chủ yếu là công nhân, người lao động (NLĐ) có thu nhập thấp. Tuy nhiên, việc thiếu quy định cụ thể về tiêu chuẩn xây dựng với nhà trọ, phòng cho thuê đã tạo điều kiện cho những nhà trọ, phòng trọ lụp xụp, chật chội, nguy cơ mất an toàn về PCCC tồn tại.

Phòng trọ
Một phòng trọ mới được xây xong tại TP Thủ Đức. Ảnh: Q.HUY

Thiếu tiêu chuẩn phòng trọ, chung cư mini

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), cho biết đa số khu nhà trọ kiểu dãy nhiều phòng thường lụp xụp, không đảm bảo chất lượng, thiếu tiện ích, không đảm bảo an ninh, an toàn, PCCC. Cá biệt có khu phòng trọ là “vùng trũng” của tội phạm, không chống chịu được dịch bệnh như đợt dịch COVID-19. Một phần lý do là trước đây Thông tư 08/2014 và Thông tư 20/2016 của Bộ Xây dựng quy định chưa thật chặt chẽ tiêu chuẩn xây dựng, thiết kế phòng trọ.

“Do đó, hiệp hội nhận thấy với số lượng phòng trọ rất lớn như hiện nay cần thiết ban hành quy định về tiêu chuẩn tối thiểu đối với phòng ở, nhất là dãy phòng trọ để chuẩn hóa sản phẩm này, góp phần cải thiện điều kiện ăn ở, đảm bảo an ninh, an toàn và phòng, chống dịch bệnh cho công nhân, NLĐ” - ông Châu đề nghị.

Trước đây, Thông tư 20/2016 quy định về tiêu chuẩn tối thiểu đối với phòng ở, gồm diện tích sử dụng không được nhỏ hơn 10 m2; phòng ở phải có cửa đi, cửa sổ đảm bảo yêu cầu thông gió và chiếu sáng tự nhiên; diện tích sử dụng bình quân không nhỏ hơn 5 m2/người. Tuy nhiên, Thông tư 09/2021 thay thế Thông tư 20/2016 thì không quy định cụ thể về tiêu chuẩn tối thiểu đối với phòng ở mà chỉ có những quy định chung.

Để quản lý chất lượng nhà ở cho công nhân, người lao động thì việc đầu tiên là tăng cường sự quản lý nhà nước ngay từ thời điểm xây dựng.

HoREA đã đề xuất mỗi phòng trọ do hộ gia đình, cá nhân đầu tư xây dựng phải đảm bảo chất lượng công trình xây dựng theo quy định của pháp luật về xây dựng và các tiêu chuẩn tối thiểu như diện tích sử dụng phòng ở không được nhỏ hơn 10 m2 (hoặc 15 m2), chiều rộng thông thủy không dưới 2,4 m, chiều cao thông thủy chỗ thấp nhất không dưới 2,7 m.

“Ngoài ra, phòng cho thuê phải có cửa đi, cửa sổ đảm bảo yêu cầu thông gió và chiếu sáng tự nhiên. Tường bao che, tường ngăn giữa các phòng phải được làm bằng vật liệu đáp ứng yêu cầu phòng cháy và chống thấm. Mái nhà không được lợp bằng vật liệu dễ cháy và phải đảm bảo không bị thấm dột. Đảm bảo cung cấp nước hợp vệ sinh theo quy chuẩn, tiêu chuẩn; có các thiết bị PCCC theo quy định” - ông Châu nói.

Đối với phòng trọ dạng chung cư mini, thực tế là nhà ở riêng lẻ cao tầng có nhiều phòng cho thuê, ông Châu kiến nghị Bộ Xây dựng trình Chính phủ xem xét đề xuất Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội sửa đổi khoản 2 Điều 46 Luật Nhà ở năm 2014 để ngăn ngừa và kiểm soát tình trạng xây dựng chung cư mini biến tướng để bán, chuyển nhượng các phòng ở mini tại đô thị.

Cụ thể, với trường hợp được phép xây dựng nhà ở có từ hai tầng trở lên mà tại mỗi tầng được thiết kế, xây dựng từ hai căn hộ trở lên kiểu khép kín theo quy chuẩn kỹ thuật xây dựng quốc gia về chung cư và có phần diện tích thuộc sở hữu riêng, phần diện tích thuộc sở hữu chung của chung cư theo quy định của luật này thì được Nhà nước công nhận quyền sở hữu đối với từng căn hộ trong nhà ở đó.

Với trường hợp chung cư mà tất cả căn hộ có diện tích sử dụng tối thiểu và phòng ở theo quy định của Bộ Xây dựng thì chỉ được cho thuê, không được bán, chuyển nhượng từng căn hộ hoặc từng phòng ở.

p10-bai2-hinhphu-2507-113.jpg
Người thuê phòng trọ thường là người lao động có thu nhập thấp. Ảnh: T.HÀ

Thực tế hiện nay, việc xây dựng nhà ở cho công nhân, NLĐ chủ yếu là do người dân có đất dư và tự xây dựng cho thuê. Chính vì thế, một số nhà trọ sẽ không đảm bảo được điều kiện về chỗ ở. Đặc biệt, ở một số vùng ven có tình trạng nhà trọ lụp xụp, vách tôn, nền nhà không sạch sẽ, môi trường xung quanh kể cả không khí, môi trường xã hội, an ninh… cũng không đảm bảo. Việc cần làm là tăng cường quản lý nhà nước theo tiêu chí chung để các sản phẩm nhà trọ cho NLĐ đảm bảo đúng tiêu chuẩn. Khi nhà trọ được xây dựng đúng quy chuẩn, nếu chẳng may xảy ra cháy nổ thì công tác chữa cháy sẽ tốt hơn, giảm thiệt hại về người và của cho người dân.

Ông PHẠM CHÍ TÂM, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động TP.HCM

Nguyễn Hiền ghi

Nên cho doanh nghiệp tham gia làm nhà trọ

Một nghịch lý nữa là quy định của pháp luật hiện hành cho phép hộ gia đình, cá nhân đầu tư xây dựng các khu nhà trọ nhưng chưa cho phép doanh nghiệp (DN) bất động sản thực hiện các dự án khu nhà trọ cho công nhân, NLĐ thuê.

img-5132-3840.jpeg
Một dãy phòng trọ ở TP Thủ Đức. Ảnh: T.HÀ

Ông Lê Hữu Nghĩa, Giám đốc Công ty Lê Thành, cho biết DN rất muốn xây những khu nhà trọ hiện đại, khang trang, đảm bảo an toàn PCCC, an ninh trật tự nhưng theo quy định chỉ cho cá nhân, hộ gia đình làm.

Theo ông Nghĩa, khu nhà trọ do công ty ông đầu tư nhưng phải đứng danh nghĩa cá nhân. Khu nhà trọ có thang máy, rất khang trang với 285 phòng trọ, mỗi phòng có diện tích 19 m2 dành cho hai người thuê với giá khoảng 1,5 triệu đồng/tháng. Khu nhà trọ có phòng sinh hoạt chung, phương tiện nghe nhìn và được Công ty Lê Thành quản lý vận hành, đảm bảo an ninh trật tự là mô hình rất hiệu quả.

Vì vậy, ông Nghĩa kiến nghị cho phép các DN thực hiện dự án đầu tư xây dựng, kinh doanh khu nhà trọ, phòng trọ cho công nhân, NLĐ thuê. Khi DN được tham gia các dự án này sẽ đảm bảo chất lượng xây dựng và các tiện ích, dịch vụ phục vụ công nhân, NLĐ tốt hơn. Từ đó, tạo áp lực cạnh tranh lành mạnh buộc các hộ gia đình, cá nhân đang sở hữu các khu nhà trọ phải đảm bảo chất lượng công trình và tăng các tiện ích, dịch vụ phục vụ người thuê tốt hơn.

Đồng tình, ông Phạm Chí Tâm, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động TP.HCM, cũng nhìn nhận hiện nay có xảy ra thực trạng công nhân, NLĐ đang ở những khu nhà trọ thiếu an toàn. Trong khi đó để quản lý chất lượng nhà ở cho công nhân, NLĐ thì việc đầu tiên là tăng cường sự quản lý nhà nước ngay từ thời điểm xây dựng. Đồng thời, sau khi xây dựng cũng phải tăng cường kiểm tra khu nhà xây dựng có đúng tiêu chuẩn, đảm bảo phòng, chống cháy nổ hay không.

Trước câu hỏi có nên đề xuất cho DN xây nhà trọ hay không, ông Tâm bày tỏ sự đồng thuận. Đặc biệt, khi DN tham gia xây dựng thì Nhà nước nên tạo điều kiện về mặt pháp lý, có như thế mới giảm bớt gánh nặng cho Nhà nước trong việc giải quyết chính sách chỗ ở cho NLĐ.•

Cá nhân xây chung cư mini hai tầng, 20 căn hộ trở lên phải lập dự án đầu tư

Để khắc phục các bất cập đối với loại hình chung cư mini, Điều 57 Luật Nhà ở (sửa đổi) đã đưa ra quy định siết quản lý về đầu tư, xây chung cư mini, cùng với đó là các điều khoản đảm bảo nguồn cung, đáp ứng nhu cầu nhà ở cho người có thu nhập thấp.

Theo đó, cá nhân muốn xây chung cư mini (nhà ở từ hai tầng trở lên, tại mỗi tầng có các căn hộ hoặc từ hai tầng và quy mô 20 căn hộ trở lên) để bán, cho thuê sẽ phải đáp ứng điều kiện làm chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở. Căn hộ đủ điều kiện được cấp giấy chứng nhận theo pháp luật đất đai (sổ hồng) sẽ được bán, cho thuê, thuê mua theo quy định của Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản.

Cùng với đó, việc đầu tư xây dựng chung cư mini để cho thuê phải đáp ứng yêu cầu về xây dựng do Bộ Xây dựng ban hành. Khu nhà phải đáp ứng yêu cầu về PCCC theo quy định của pháp luật.

UBND tỉnh được phân cấp quy định về đường giao thông, đảm bảo phương tiện chữa cháy có thể chữa cháy tại nơi có chung cư mini. Quản lý, vận hành chung cư mini phải tuân thủ quy chế quản lý, sử dụng nhà chung cư do Bộ Xây dựng ban hành.

Đọc thêm