Thợ hàn làm cháy, thiệt hại 21 tỉ: Người làm thuê hay công ty phải bồi thường?

(PLO)- Phiên tòa căng thẳng ở việc xác định bị cáo thợ hàn có phải người làm công của công ty mà người bị thiệt hại yêu cầu bồi thường 21 tỉ đồng hay không.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 10-1, TAND huyện Phước Long, Bạc Liêu đưa vụ án anh thợ hàn bất cẩn làm cháy cửa hàng, gây thiệt hại 21 tỉ đồng ra xét xử sơ thẩm. HĐXX tuyên bố nghị án kéo dài, sẽ tuyên án vào ngày 16-1.

Tranh cãi ai là người phải bồi thường

Tình tiết gây “nóng” phiên xét xử vẫn là “bị cáo Giang Quang Vinh là người làm công cho pháp nhân nào, pháp nhân nào phải bồi thường; bị cáo có phải bồi thường không”. Vụ án này, bị cáo có thể là người làm công thuộc một trong hai pháp nhân là Công ty Sơn Hà hoặc cơ sở quảng cáo HTC.

Vụ cháy cửa hàng Út Đồng Tiến do thợ hàn Giang Quang Vinh gây ra ngày 16-12-2019. Ảnh: NGUYỄN QUỐC

Vụ cháy cửa hàng Út Đồng Tiến do thợ hàn Giang Quang Vinh gây ra ngày 16-12-2019.
Ảnh: NGUYỄN QUỐC

Trường hợp bị cáo Vinh là lao động tự do thì phải tự bồi thường. Trong khi đó, bị cáo Vinh được xác định có hoàn cảnh khó khăn, tòa án đã xét miễn một số khoản phải nộp theo quy định vì bị cáo không có tiền.

HĐXX dành nhiều thời gian nghe các bên tranh luận thế nào là người làm công cho một pháp nhân, từ đó xác định chủ thể có trách nhiệm bồi thường. VKSND huyện Phước Long nêu quan điểm căn cứ Điều 600 BLDS, cần buộc Công ty Sơn Hà bồi thường vì pháp nhân phải chịu trách nhiệm bồi thường do người làm công của mình gây ra.

Luật sư phía Công ty Sơn Hà khẳng định bị cáo không phải người làm công của công ty này, vì không có giấy tờ gì chứng minh điều đó. Trong khi đó, chủ cửa hàng Út Đồng Tiến nói chỉ biết Công ty Sơn Hà là người lắp biển quảng cáo; bị cáo Vinh cũng là do Công ty Sơn Hà đưa đến thực hiện công việc. Từ đó, ông đề nghị HĐXX tuyên Công ty Sơn Hà phải bồi thường thiệt hại cho mình. Phía cơ sở quảng cáo HTC thì khẳng định bị cáo không phải là nhân viên, người lao động của mình.

Phiên xử cũng tranh luận gay cấn về số tiền thiệt hại trong vụ cháy cũng như số tiền mà cửa hàng Út Đồng Tiến yêu cầu bồi thường do mất thu nhập.

Người phạm tội phải bồi thường

Đây là vụ án hình sự và người gây ra thiệt hại cũng là bị cáo trong vụ án này. Do đó, không thể tách biệt trách nhiệm bồi thường dân sự do hành vi gây thiệt hại và bồi thường ngoài hợp đồng với trách nhiệm bồi thường do hành vi vi phạm pháp luật trong vụ án này; mà cần xem xét trách nhiệm bồi thường của chính người đã thực hiện hành vi trái pháp luật (và đã bị truy cứu trách nhiệm hình sự) gây ra.

Trong vụ án này, cần xem xét bản chất của vấn đề là dù một trong hai pháp nhân có giao dịch hoặc thỏa thuận với người thợ hàn thì mọi thỏa thuận về công việc đều nằm trong phạm vi theo quy định pháp luật. Nghĩa vụ của người được giao là phải chấp hành các quy định pháp luật về an toàn lao động, các yêu cầu kỹ thuật liên quan việc hàn, gắn biển quảng cáo. Khi không tuân thủ và đảm bảo để rồi dẫn đến gây thiệt hại thì phải là người chịu trách nhiệm.

Chẳng hạn, pháp nhân giao việc cho tài xế đưa đón nhân viên thì trách nhiệm tài xế phải tuân thủ quy định về an toàn khi tham gia giao thông. Trường hợp vi phạm an toàn như vượt đèn đỏ, lấn làn xe… và gây tai nạn chết người thì trách nhiệm hoàn toàn thuộc về tài xế, không thể yêu cầu doanh nghiệp bồi thường.

Vì vậy, theo Điều 48 BLHS thì người trực tiếp thực hiện hành vi gây ra thiệt hại phải chịu trách nhiệm bồi thường, khắc phục cho bên bị thiệt hại. Bởi vì hành vi gây ra thiệt hại được xác định là vi phạm pháp luật và bị xử lý trách nhiệm về mặt hình sự (đến thời điểm hiện nay là đã và đang bị khởi tố, xét xử về hành vi này).

Luật sư LÊ NGÔ TRUNG, Đoàn Luật sư TP.HCM

Thợ hàn bất cẩn gây cháy

Như đã phản ánh, vào 14 giờ ngày 16-12-2019, thợ hàn Giang Quang Vinh đến cửa hàng Út Đồng Tiến ở ấp Nội Ô, thị trấn Phước Long, huyện Phước Long, Bạc Liêu để gắn biển quảng cáo. Do bất cẩn, trong lúc hàn cắt biển hiệu cũ, thợ hàn này đã làm cháy rụi cửa hàng Út Đồng Tiến.

Thợ hàn sau đó bị khởi tố tội vô ý gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản. Cáo trạng kết luận thiệt hại về tài sản vật chất trong vụ cháy này là hơn 15 tỉ đồng. Chủ cửa hàng Út Đồng Tiến yêu cầu thêm khoản bồi thường 6 tỉ đồng do mất thu nhập từ việc không mua bán được sau hỏa hoạn, tổng cộng là 21 tỉ đồng.

Chủ cửa hàng Út Đồng Tiến đòi phía Công ty Sơn Hà bồi thường toàn bộ thiệt hại vì việc lắp đặt biển quảng cáo là do công ty này trực tiếp giao dịch với ông và trực tiếp thực hiện. Tuy nhiên, phía Công ty Sơn Hà cho rằng bị cáo là người của cơ sở quảng cáo HTC. Sơn Hà đã hợp đồng lắp biển quảng cáo với HTC và bị cáo thực hiện công việc cho phía HTC.

Trong khi đó, bị cáo Vinh và chủ cơ sở HTC cho rằng do phía Sơn Hà yêu cầu phải có hợp đồng mới thuê lắp đặt nên bị cáo nhờ HTC giúp ký một hợp đồng. Bản thân bị cáo là thợ hàn lao động tự do.

Vụ án từng qua hai cấp xét xử với hai quan điểm khác nhau về chủ thể có trách nhiệm bồi thường. Cấp sơ thẩm cho rằng bị cáo là người làm công do Công ty Sơn Hà thuê nên Công ty Sơn Hà phải bồi thường. Cấp phúc thẩm cho rằng bị cáo không phải là người làm công cho Công ty Sơn Hà, bị cáo gây thiệt hại thì phải bồi thường.

Công ty Sơn Hà phải bồi thường

Khái niệm “người làm công” theo Điều 600 BLDS không được hiểu quá hẹp là người làm công ăn lương mà phải được hiểu rộng hơn là người được thuê làm vụ việc cụ thể nào đó, một khoảng thời gian nào đó.

Về hình thức và trên mặt giấy tờ thì bị cáo là người của cơ sở quảng cáo HTC, Công ty Sơn Hà thuê HTC thi công, Sơn Hà thanh toán, trả công cho HTC. Tuy vậy về pháp lý, các giấy tờ trên đều không có giá trị pháp lý vì không phản ánh đúng sự thật khách quan.

Như vậy, dựa vào các giấy tờ không hợp lệ đó đã có cơ sở kết luận bị cáo không phải người của HTC, cũng không phải là người làm công của cơ sở này, HTC không thuê bị cáo thi công công trình này. Không thể sử dụng hợp đồng thi công giả về nội dung để công nhận bị cáo là người làm công của HTC được.

Xét về thực tế, ông Viễn đã thỏa thuận với bị cáo về việc thi công, giá cả, là người thực tế thuê bị cáo thực hiện việc thi công. Việc ký kết hợp đồng giữa Sơn Hà với HTC chỉ là hợp đồng giả nhằm mục đích chứng minh chi phí đầu ra hợp lý, hợp pháp của Sơn Hà để khấu trừ thuế. Do đó, việc cấp sơ thẩm lần một xác định bị cáo là người làm công (làm theo vụ việc) của Sơn Hà, do ông Viễn đại diện thuê và Sơn Hà là đơn vị có trách nhiệm bồi thường thiệt hại là có cơ sở thuyết phục.

Đồng thời, bị cáo thi công công trình cho Sơn Hà, Sơn Hà được xác định là chủ đầu tư. Ngoài việc chịu trách nhiệm trong quá trình thi công, Sơn Hà còn phải chịu trách nhiệm trong suốt thời gian tồn tại biển quảng cáo. Nếu có sự cố dẫn đến biển quảng cáo gây thiệt hại cho người khác thì Công ty Sơn Hà phải bồi thường.

ThS - luật sư NGUYỄN VĂN DŨ, Đoàn Luật sư TP.HCM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm