Ngày 8-8, ThS-BS Nguyễn Quang Tú, BV Tai Mũi Họng TP.HCM, cho biết các bác sĩ nơi đây vừa cấp cứu kịp thời cho bệnh nhân Lâm Thanh Đoàn (39 tuổi) ngụ phường 5, quận 8, TP.HCM, bị hóc dị vật đường thở khá hi hữu.
Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng khó thở khi làm việc nặng, khi nằm đã hơn một tháng, buổi tối phải ngồi ngủ vì không thể thở khi nằm mà không rõ nguyên nhân.
Bệnh nhân đã phục hồi rất tốt tại BV sau khi được lấy dị vật
Bệnh nhân kể lại, cách đây 2 năm anh bị tai nạn giao thông nặng dẫn đến hôn mê, lúc tai nạn bị rụng 3 chiếc răng giả. Anh được đưa vào BV Chợ Rẫy cấp cứu, sau hồi phục anh về nhà sinh hoạt bình thường. Tuy nhiên một năm gần đây anh hay có triệu chứng khó thở, khàn tiếng, đến lúc nặng quá mới đến BV.
Trực tiếp điều trị cho bệnh nhân Đoàn, BS Tú cho hay ban đầu bệnh nhân nhập viện, bác sĩ kiểm tra không tìm thấy dị vật, do đây là răng giả không cản quang nên chụp X-quang rất khó phát hiện.
“Sau khi hỏi bệnh nhân về bệnh sử, chúng tôi nghi ngờ bệnh nhân hóc răng giả khi tai nạn giao thông cách đây 2 năm. Do đó tiến hành cho bệnh nhân chụp CT và phát hiện thấy dị vật nằm vắt ngang chia đường thở ra làm hai, đồng thời dị vật sinh ra các mô hạch viêm chắn ngang đường thở. Nếu để lâu ngày đường kính đường thở càng hẹp thì bệnh nhân có thể khó thở dẫn tới đột tử nếu không lấy ra” - BS Tú nói.
Sau nội soi lấy dị vật, các bác sĩ đã gắp thành công dị vật bản nhựa hình tam giác cong 2x4 cm (mảnh răng giả), nằm chiếm 2/3 đường thở ở hạ thanh môn - khí quản. Sau khi lấy dị vật, đường thở thông thoáng, cầm máu tốt, đánh giá ban đầu bệnh nhân ổn và có thể xuất viện sớm.
BS Võ Quang Phúc, Phó Giám đốc BV Tai Mũi Họng, cho biết thêm, tại BV Tai Mũi Họng hằng năm vẫn tiếp nhận gần 20 trường hợp hóc dị vật răng giả đường ăn, tuy nhiên để mảnh xương vào đường thở là rất hiếm. Do đó, mọi người nên cẩn thận không đùa giỡn khi ăn uống, khi có triệu chứng khó thở nên đến BV khám để xác định chính xác triệu chứng bệnh.